Tự động hóa, cơ giới hóa công tác quản lý đường ngang

Tác giả: VIỆT CƯỜNG

saosaosaosaosao
Ứng dụng 23/07/2015 09:39

Nhằm đưa công nghệ tự động hóa, cơ giới hóa vào công tác quản lý đường ngang, đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, Tổng công ty ĐSVN đã yêu cầu các phân ban CSHT chỉ đạo các công ty quản lý KCHT rà soát lập số liệu điều tra chi tiết toàn bộ các đường ngang có gác để lắp đặt động cơ điện và toàn bộ các đường ngang cảnh báo tự động để lắp cần chắn tự động, thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2015 đến năm 2017.

anh
 

Rà soát tổng thể toàn bộ đường ngang giao cắt

Thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 02/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt; kết luận của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp về an toàn đường sắt, Tổng công ty ĐSVN đã khẩn trương triển khai, yêu cầu các đơn vị quản lý đường sắt phối hợp với địa phương kiểm tra, rà soát toàn bộ đường ngang giao cắt giữa đường sắt với đường bộ, theo đó tập trung vào các khu vực trọng yếu có nguy cơ mất ATGT, đề xuất các giải pháp để hạn chế tai nạn.

Theo đó, các đơn vị tiến hành rà soát đường ngang các loại, gồm: Đường ngang có gác, đường ngang cảnh báo tự động (CBTĐ), đường ngang dân sinh; bổ sung các biển báo bị mất, thiếu hay bị hư hỏng; bổ sung ràng rào, cọc tiêu, vạch dừng tại các đường ngang; cắm biển chú ý tàu hỏa tại các đường ngang dân sinh theo Quy chế phối hợp; bổ sung hệ thống tín hiệu các đường ngang có gác theo đúng Thông tư 33/2012/TT-BGTVT; bổ sung sửa chữa các biển báo và biển phụ trên các cột tín hiệu báo hiệu phía đường bộ tại các đường ngang đã có hệ thống tín hiệu.

Thực hiện chương trình phối hợp với các địa phương triển khai kết nối tín hiệu đường sắt, đường bộ theo TT 08/2014/TT-BGTVT, hệ thống đã thực hiện kết nối được 14 điểm trên toàn mạng ĐSVN; kết nối thông tin điện thoại đường sắt do các địa phương tổ chức cảnh giới tại 42 điểm đường ngang dân sinh.

Ông Đới Sỹ Hưng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN cho biết: Tổng công ty tiếp tục rà soát các lối đi dân sinh, làm đường gom, thu nhỏ lối đi dân sinh, đóng các lối đi dân sinh do các hộ dân tự mở, gây mất ATGT; cắm biển chú ý tàu hỏa cho các đường ngang dân sinh; tăng cường bố trí cảnh giới tại các đường ngang dân sinh có nguy cơ cao mất ATGT. Đồng thời, các kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ sẽ được ứng dụng, từng bước triển khai lắp đặt hệ thống giám sát đường ngang từ xa để theo dõi hoạt động của hệ thống thiết bị một cách thường xuyên, liên tục tại các trung tâm thông tin tín hiệu đường sắt.

Tổng công ty ĐSVN đã tiến hành rà soát toàn bộ các đường ngang hiện có để xác định và xây dựng kế hoạch thực hiện, bao gồm 3 loại hình: Đối với đường ngang CBTĐ thì lắp đặt bổ sung hệ cần chắn tự động (gọi tắt là thiết bị cần chắn tự động - CCTĐ); đối với đường ngang có người gác lắp đặt bổ sung các động cơ điện cho các dàn chắn và cần chắn (gọi tắt là thiết bị dàn chắn bán tự động - DCBTĐ, thiết bị cần chắn bán tự động - CCBTĐ).

Cơ giới hóa cơ bản hệ thống đường ngang

Hiện tại, Tổng công ty ĐSVN đang quản lý 619 đường ngang có gác. Số đường ngang cảnh báo tự động: 332; số đường ngang biển báo: 541. Năm 2015, 300 đường ngang sẽ được hoàn thành, trong đó, tháng 5/2015 đã thực hiện lặp đặt 36 đường ngang bằng nguồn sửa chữa thường xuyên và chuẩn bị thực hiện lắp đặt tiếp 55 đường ngang bằng nguồn DA 291.

Về phương án kỹ thuật, ông Nguyễn Đức Sơn - Phó Ban Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt (Tổng công ty ĐSVN) cho biết: DCBTĐ sẽ sử dụng động cơ một chiều 24V-48V, công suất tùy chọn, điều khiển từ xa. CCBTĐ sẽ sử dụng động cơ một chiều 24V hoặc xoay chiều 220V, công suất tùy chọn. CCTĐ sử dụng động cơ một chiều 24V, công suất 300W - Italia, bao gồm cả giám sát từ xa và camera. 

 Từ nay đến năm 2020, lộ trình triển khai lắp đặt toàn bộ hệ thống đường ngang được thực hiện như sau: Đối với 619 đường ngang có gác sẽ tiến hành cơ giới hóa cơ bản bằng hệ thống DCBTĐ hoặc CCBTĐ, trừ trường hợp đặc biệt địa hình không cho phép thực hiện. Đối với 332 đường ngang hiện là CBTĐ sẽ lắp đặt bổ sung thiết bị cần chắn tự động để tăng cường ATGT cho toàn bộ các đường ngang này. Đối với 541 đường ngang hiện là biển báo sẽ nâng cấp thành đường ngang CBTĐ có cần chắn tự động. 

Đối với các đường ngang dân sinh đã tồn tại từ lâu, Tổng công ty ĐSVN tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ký giữa địa phương và Bộ GTVT; làm đường gom, thu nhỏ lối đi dân sinh, đóng các lối đi dân sinh tự mở gây mất ATGT, tăng cường bố trí cảnh giới tại các đường ngang dân sinh có nguy cơ cao mất ATGT.

Chương trình cơ giới hóa công tác phòng vệ đường ngang theo Nghị quyết số 05-15/NQ-HĐ nhằm các mục tiêu hiện đại hóa công tác phòng vệ đường ngang; cải thiện điều kiện làm việc và tăng thêm hiệu quả làm việc của người gác chắn; giảm định biên lao động tại nhiều gác chắn đường ngang, nhờ đó có thể cải thiện tiền lương của công nhân gác chắn; chuyển một phần định biên gác chắn dôi dư sang công tác cảnh giới đường ngang dân sinh có nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, chương trình cơ giới hóa các đường ngang có người gác cũng là một điểm nhấn quan trọng trong việc hợp lý hóa lại tổ chức lao động sản xuất trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ nhằm mục tiêu tăng năng suất lao động và giảm chi phí khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, góp phần vào sự thắng lợi trong quá trình tái cơ cấu ngành ĐSVN. Trong chương trình lắp đặt thí điểm, theo tính toán dự kiến sẽ giảm được từ 25% đến 30% định biên gác chắn hiện có.

Trước mắt, trong năm 2015, Tổng công ty ĐSVN sẽ hoàn thành lắp đặt từ 300 đường ngang trở lên, trong đó gồm 200 đường ngang có gác và 100 đường ngang CBTĐ. Loại hình kỹ thuật của thiết bị DCBTĐ hoặc CCBTĐ đối với đường ngang có gác được phát triển từ kinh nghiệm các hệ đã lắp đặt trên mạng đường sắt. Riêng loại hình kỹ thuật CCTĐ được tiến hành trên cơ sở các chuẩn mực của nước ngoài đã ứng dụng trên ĐSVN nhưng có xem xét đến điều kiện đặc thù của ĐSVN để điều chỉnh cho phù hợp. Theo đó, tiến hành bổ sung thêm cần chắn điều khiển tự động cho mô hình CBTĐ hiện có chỉ gồm đèn tín hiệu và chuông. Tác dụng của cần chắn tự động sẽ tăng thêm khả năng phòng vệ, cho phép người tham gia giao thông có thể quan sát thấy tín hiệu phòng vệ đường ngang từ xa, khắc phục những hạn chế về tầm quan sát do sự che khuất của các công trình kiến trúc, do đường cong, do đường bộ chạy song song và lối rẽ vào đường ngang quá ngắn không đảm bảo an toàn.

Ý kiến của bạn

Bình luận