Túi khí là bộ phận không thể thiếu trên xe hơi - Ảnh minh hoạ. |
Ra đời từ những năm 50 ở thế kỷ trước và sau nhiều lần cải tiến, đến năm 1971 túi khí mới chính thức được trang bị trên ô tô. Kể từ đó đến nay, thiết bị này đã cứu được mạng sống của hàng triệu người sử dụng ô tô, cũng như góp phần làm giảm tỷ lệ chấn thương cho người ngồi trong xe sau những vụ va chạm.
Khi tai nạn xảy đến, túi khí sẽ được kích hoạt để bảo vệ con người, tuy nhiên cơ chế hoạt động của bộ phận an toàn này lại đi kèm với một số điều kiện nhất định mới phát huy được tác dụng.
Túi khí là gì?
Trong sách hướng dẫn sử dụng đi kèm với mỗi chiếc xe mới trước khi giao đến tay người dùng, các nhà sản xuất đều mô tả chi tiết về túi khí, thể hiện bộ phận này được cấu thành từ 3 chi tiết chính gồm túi chứa khí, hệ thống tạo khí và bộ cảm biến va chạm.
Chất liệu tạo nên túi khí được làm từ một loại vải co giãn và dễ dàng thu gọn để đặt trong các vị trí hẹp, nhưng lại dễ dàng bung ra khi cần thiết. Khi xảy ra va chạm, túi khí được bơm phồng gần như ngay lập tức, cùng lúc dây an toàn siết lại, giữ người ngồi không lao về phía trước, để ngăn va đập giữa người trong xe với các vật thể bên trong.
Vì sao cần có túi khí?
Một chiếc xe khi xảy ra va chạm từ phía trước hoặc bên hông, sẽ dừng lại ngay lập tức hoặc bị văng ra xa. Quá trình va đập khiến chiếc xe giảm tốc đột ngột, còn người ngồi trong cabin sẽ lao về phía trước theo quán tính với tốc độ và lực rất lớn.
Nếu không có dây dai an toàn và túi khí, người ngồi trong xe có thể xuyên thủng kính lái và bay ra khỏi cabin khi chiếc xe không may bị tai nạn ở vận tốc đủ lớn. Túi khí kết hợp với dây đai an toàn sinh ra để ngăn chặn điều đó, đồng thời giúp giảm khả năng va đập của mặt và đầu, cũng như hấp thụ một phần lực va chạm.
Túi khí hoạt động thế nào?
Hệ thống túi khí trên ô tô gồm các cảm biến va chạm, gia tốc, tốc độ và áp lực phanh,... để nhận biết mức độ nguy hiểm của một tình huống vận hành nhất định. Khi bộ điều khiển nhận thấy các thông số vượt quá giá trị quy định thì ngòi nổ trong bộ thổi khí sẽ đánh lửa để đốt chất mồi lửa và hạt tạo khí bơm đầy túi khí. Toàn bộ quá trình trên chỉ mất khoảng 50 miligiây.
Ngay khi bơm đầy khí để ngăn va chạm giữa người và các vật thể, túi khí lập tức được xả hơi qua các lỗ phía sau nhằm hấp thụ va chạm đó. Thể tích trung bình của một túi khí cho người lái là khoảng 55 lít. Trong khi đó, túi khí cho hành khách lại to hơn đáng kể khi có thể chứa đến 120 lít khí khi bung ra.
Mỗi loại túi khí ở các vị trí khác nhau sẽ có cách hoạt động và thời điểm kích hoạt riêng. Túi khí rèm cửa sẽ chỉ bung khi xảy ra va chạm ở phần hông xe, trong khi túi khí phía trước sẽ được kích hoạt với mọi tác động đủ lớn lên đầu xe khi đang vận hành.
Túi khí chỉ phát huy tác dụng được một lần, nên sau khi túi khí bung, chủ sở hữu buộc phải trang bị lại bộ phận này để an tâm cho những lần va chạm kế tiếp nếu không may xảy đến. Bên cạnh đó, túi khí chỉ được kích hoạt ở thời điểm xảy va chạm trong điều kiện người ngồi trong xe có thắt dây đai an toàn đúng cách.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.