Uber – Hành trình từ số 0 tròn trĩnh đến cột mốc 70 tỷ USD

Bạn đọc 10/09/2016 09:20

Trong lịch sử chưa từng có công ty nào thu hút được nhiều vốn đầu tư đến vậy trước khi niêm yết cổ phiếu.

 

20160903-fbd001-0-1473311016652-1473337493430
 

Có một vài trong số những nhà công nghiệp vĩ đại nhất của nước Mỹ đã gây dựng đế chế của mình ở Pittsburgh, trong đó có “vua thép” Andrew Carnegie. Giờ đây, thành phố này lại đang thu hút sự chú ý của một “ông trùm tư bản” mới.

Năm ngoái, công ty cung cấp dịch vụ đi chung xe Uber tới trung tâm nghiên cứu robot của ĐH Carnegie Mellon để tìm kiếm những chuyên gia về xe tự lái. Hãng đã dành ra hàng tháng trời để chạy thử xe tự lái trên những con đường của Pittsburgh và sẽ sớm đưa dịch vụ đi chung xe tự lái đến với khách hàng.

Kể từ khi ứng dụng UberCab ra đời năm 2010, startup này đã thu hút được tổng cộng 18 tỷ USD qua các vòng gọi vốn. Được định giá 70 tỷ USD, Uber trở thành công ty lớn nhất trong nhóm các startup có giá trị trên 1 tỷ USD trên thế giới. Trong lịch sử chưa từng có công ty nào thu hút được nhiều vốn đầu tư đến vậy trước khi niêm yết cổ phiếu.

Danh sách nhà đầu tư của Uber rất đa dạng và đều là những cái tên đáng chú ý như quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia, các quỹ tương hỗ, các nhà đầu tư mạo hiểm ở thung lũng Silicon… đang đặt cược rằng Uber sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đều khiến họ thất vọng.

Uber hiện hoạt động ở hơn 425 thành phố, tại 72 quốc gia và mỗi tháng có khoảng 30 triệu người dùng. Doanh thu ròng năm 2016 ước đạt 4 tỷ USD, gấp đôi năm ngoái. Khởi đầu là ứng dụng kết nối khách hàng với những chiếc limo và các loại xe sang trọng khác, kể từ năm 2012 Uber mở rộng dịch vụ đến mọi loại xe và hiện UberX (dịch vụ bình dân hơn) đóng góp nhiều doanh thu nhất. Không sở hữu chiếc xe nào, Uber thu phí từ lái xe sử dụng mạng lưới của hãng (thường là 25% cước phí chuyến đi).

Travis Kalanick - đồng sáng lập và hiện là CEO của Uber – nói với The Economist rằng mục tiêu của anh không chỉ đơn giản là thay đổi thị trường taxi mà còn là khiến việc chia sẻ phương tiện đi lại thuận tiện hơn và rẻ hơn, để Uber có thể trở thành sự lựa chọn thay thế cho chuyện sở hữu một chiếc xe riêng. Kalanick cũng lấn sân sang những lĩnh vực mới như giao hàng hóa và thực phẩm. Tháng trước, hãng thâu tóm Otto – công ty chuyên về xe tải tự vận hành mới ra đời – với giá 600 triệu USD và dự tính trong tương lai khoảng 20% lợi nhuận sẽ đến từ xe tải.

Nếu những dự định của Uber trở thành hiện thực, hãng sẽ trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới, công ty đóng vai trò quan trọng trong đời sống thường ngày cũng như trong hệ thống giao thông vận tải của các thành phố. Thị trường taxi chỉ được định giá ở mức khiêm tốn 100 tỷ USD, nhưng thị trường toàn cầu về di chuyển cá nhân có giá trị lên tới 10.000 tỷ USD, theo Morgan Stanley.

Kỳ vọng hay ảo tưởng?

Những triển vọng này góp phần giải thích tại sao Uber có mức định giá cao hơn so với giá trị vốn hóa của 87% các công ty trong chỉ số S&P 500 và cao hơn 1/3 so với General Motors, nhà sản xuất ô tô có doanh thu đạt 152 tỷ USD trong năm ngoái.

Không có gì đáng ngạc nhiên, công ty thua lỗ nặng trong 6 tháng đầu năm lại có mức định giá cao gấp 17 lần đã khiến nhiều người hoài nghi. Các nhà đầu tư đặt rất nhiều kỳ vọng vào Uber, nhưng để tăng trưởng trong tương lai cũng cần phải đầu tư rất nhiều. Và, khi Uber lên sàn (có lẽ là vào năm tới), không ít nhà đầu tư hiện tại sẽ rút lui để chốt lời trong khi không thể đảm bảo chắc chắn các cổ đông mới sẵn sàng tha thứ cho những quý lỗ triền miên.

Uber còn phải đối mặt với những câu hỏi khác. Liệu những rào cản có đủ cao để ngăn chặn những đối thủ hiện tại như Lyft (Mỹ), Ola (Ấn Độ) và Grab (Đông Nam Á) và từ những đối thủ tiềm năng như dự án xe tự hành của Google? Liệu luật lệ có bị siết chặt và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của Uber? Và, quan trọng nhất, Uber sẽ thực hiện quá trình chuyển đổi sang xe tự lái như thế nào?

Có hai ông lớn mà Uber có thể học tập. Theo Bill Gurley, chuyên gia đến từ quỹ đầu tư Benchmark Capital đang đầu tư vào Uber vào có một ghế trong hội đồng quản trị, Amazon luôn nằm trong suy nghĩ của các lãnh đạo Uber khi hoạch định về tương lai. Amazon đã tăng trưởng như vũ bão, trong khi vẫn có thể giữ giá ở mức thấp để chiếm thị phần và giữ chân khách hàng. Uber đang cố gắng áp dụng những kỹ năng tương tự bằng cách hỗ trợ tài xế để giữ giá thấp, liên tục thâm nhập thị trường mới và cung cấp những dịch vụ mới.

Các nhà đầu tư lại muốn Uber giống như Facebook. Khi mạng xã hội này tiếp nhận khoản đầu tư 15 tỷ USD từ Microsoft năm 2007, Facebook cũng đang lỗ và bị hoài nghi. Sau vụ IPO 100 tỷ USD năm 2012, những lời chỉ trích lại quay về, lần này là lời buộc tội hãng không thể thích nghi với môi trường thiết bị di động. Ngày nay Facebook đã có giá trị vốn hóa đạt hơn 360 tỷ USD và chính nỗi lo sợ để mất cơ hội đầu tư như đối với Facebook đã thôi thúc dòng tiền chảy vào Uber.

Lòng tin của nhà đầu tư được củng cố bởi vị thế của Uber: nằm ở “ngã ba” giao cắt 3 xu hướng đang chi phối tương lai công nghệ. Đầu tiên là sự nổi lên của mô hình kinh doanh không cần nhiều tài sản. Chi phí mở rộng sẽ thấp hơn rất nhiều so với thông thường vì Uber thực chất không sở hữu chiếc xe nào cả và cũng không có đội ngũ nhân viên chính thức đông đảo. Thứ hai là xu hướng dịch chuyển sang kinh tế chia sẻ và cuối cùng là các khách hàng (đặc biệt là nguời trẻ) ngày càng coi trọng trải nghiệm hơn là sở hữu.

Ý kiến của bạn

Bình luận