UBND tỉnh Bắc Ninh “bật đèn xanh” để bến thủy Công Nguyệt vi phạm?

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 04/12/2021 07:30

UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành các văn bản về việc cấp phép hoạt động bến thủy nội địa tại đê hữu sông Đuống, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, song do có sự thiếu đồng bộ giữa các văn bản pháp lý khiến dư luận xã hội đặt câu hỏi về việc có hay không việc “bật đèn xanh” để bến thủy Công Nguyệt vi phạm?

14 DJI_0025
Bến Công Nguyệt hoạt động tập kết, bốc xúc, vận chuyển cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.

Vi phạm từ các văn bản “đá” nhau

Tạp chí GTVT vừa qua đã phản ánh về tình trạng vi phạm quy định về vận tải cả trên đường thủy nội địa (ĐTNĐ) và trên đường bộ đang diễn ra nhức nhối tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, bến thủy nội địa Công Nguyệt (bến thủy Công Nguyệt) tại thôn Phú Mỹ, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành hoạt động bốc xếp vật liệu xây dựng đang diễn ra khá sôi động. Đây được xem là “gốc rễ” dẫn tới tình trạng xe vận chuyển vật liệu xây dựng dấu hiệu quá tải chạy thành từng đoàn cả ngày lẫn đêm gây bức xúc dư luận ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại khu vực.

Đi tìm nguồn gốc vấn đề, PV Tạp chí GTVT ghi nhận nhiều phản ánh tại địa phương, trong đó có “câu hỏi lớn” được đặt ra là việc bến thủy Công Nguyệt hoạt động có đúng theo quy định pháp luật hay không? Liệu có sự mập mờ, ẩn khuất gì phía sau những hoạt động đang diễn ra của bến Công Nguyệt?

Được biết, hàng năm, các bến thủy nội địa chỉ được phép hoạt động tập kết cát, sỏi và vật liệu xây dựng trong thời điểm khoảng từ cuối năm trước đến trước mùa hè năm sau nhằm tránh thời điểm mùa mưa bão tiềm ẩn các tác động xấu tới đê điều, dòng chảy của các tuyến sông và đảm bảo công tác phòng, chống lụt bão.

Sau khi tiếp nhận phản ánh, thông tin với Tạp chí GTVT, lãnh đạo UBND huyện Thuận Thành cho biết, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Quyết định số 1147/QĐ-UNND ngày 24/8/2020 về việc cấp phép hoạt động trong phạm vi bãi sông tại vị trí K25+350÷K25+400 đê hữu Đuống, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành cho Công ty TNHH Công Nguyệt.

Screenshot 2021-12-03 131844
Quyết định số 1147/QĐ-UNND ngày 24/8/2020 về việc cấp phép hoạt động trong phạm vi bãi sông tại vị trí K25+350÷K25+400 đê hữu Đuống, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành cho Công ty TNHH Công Nguyệt.
Screenshot 2021-12-03 131743
Quyết định số 1147 cho phép bến Công Nguyệt “tập kết, bốc xúc, vận chuyển vật liệu trong thời gian từ 31/10 đến 15/6 hàng năm.

Tại văn bản do Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Thành ký này, UBND tỉnh cho phép bến Công Nguyệt “tập kết, bốc xúc, vận chuyển vật liệu trong thời gian từ 31/10 đến 15/6 hàng năm. Hết thời gian này phải giải tỏa toàn bộ lượng vật liệu trên bãi, hoàn trả lại hiện trạng để đảm bảo thoát lũ của lòng sông”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, quyết định 1147 của UBND tỉnh Bắc Ninh đã “vênh” với các cơ sở pháp lý đã cấp cho bến thủy Công Nguyệt. Cụ thể, tại 02 văn bản, đó là Quyết định chủ trương đầu tư đối với Công ty TNHH Công Nguyệt (chủ sở hữu bến Công Nguyệt) cũng do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành ký vào 25/7/2019 và Quyết định số 845/QĐ-UBND ngày 13/12/2019 về việc giao đất cho Công ty TNHH Công Nguyệt thuê để xây dựng bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành đều nêu rõ: “Chỉ được phép tập kết, bốc xúc, vận chuyển vật liệu trong thời gian từ 30/11 đến 15/5 hàng năm”. Trên cơ sở đó, ngày 20/4/2020, Sở GTVT Bắc Ninh đã cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa cho Công ty TNHH Công Nguyệt theo thẩm quyền.

Crop CTDT1 IMG_1637492804022_1637492814020
Quyết định chủ trương đầu tư đối với Công ty TNHH Công Nguyệt (chủ sở hữu bến Công Nguyệt) 
Crop CTDT3 IMG_1637492804046_1637492814078
Quyết định chủ trương đầu tư nêu rõ: “Chỉ được phép tập kết, bốc xúc, vận chuyển vật liệu trong thời gian từ 30/11 đến 15/5 hàng năm”. 
crop QD GD1 IMG_1637492803976_1637492813791
Quyết định số 845/QĐ-UBND ngày 13/12/2019 về việc giao đất cho Công ty TNHH Công Nguyệt thuê đất.
crop QD GD2 IMG_1637492803953_1637492813728
Quyết định số 845 nêu rõ: “Chỉ được phép tập kết, bốc xúc, vận chuyển vật liệu trong thời gian từ 30/11 đến 15/5 hàng năm”. 

Tại quyết định 1147 cho phép bến thủy Công Nguyệt hoạt động từ 31/10 đến 15/6 hàng năm, nhưng trong chủ trương đầu tư và quyết định giao đất lại chỉ cho phép hoạt động từ 30/11 đến 15/5 hàng năm. Như vậy, quyết định 1147 cho phép bến Công Nguyệt nới rộng thời gian hoạt động thêm 2 tháng.

Trong khi đó, tại quyết định 1147 của UBND tỉnh đều không có căn cứ theo các văn bản về chủ trương đầu tư và quyết định giao đất được ban hành trước đây.

Có thể thấy, UBND tỉnh ban hành quyết định 1147 không “khớp” với các cơ sở pháp lý trước đó đối với quy định hoạt động của bến Công Nguyệt trong thời điểm mùa mưa bão tiềm ẩn các tác động xấu tới đê điều, dòng chảy của các tuyến sông và công tác phòng, chống lụt bão. Quyết định 1147 này cho phép bến Công Nguyệt mở rộng thời gian hoạt động thêm 2 tháng liệu có phù hợp về mặt pháp lý, cũng như công tác đảm bảo trật tự, ATGT, phòng, chống lụt bão hay có sự “bật  đèn xanh” để bến thủy Công Nguyệt vi phạm?

Xem video: Bến thủy Công Nguyệt (Bắc Ninh) làm trái, xe quá tải hoành hành

“Sống chung” với vi phạm?

Phản ánh của Tạp chí GTVT vừa qua đã “hâm nóng” công tác đảm bảo trật tự, ATGT đường thủy và đường bộ tại địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Sau phản ánh về vi phạm quy định về vận tải cả đường thủy nội địa và đường bộ đang diễn ra nhức nhối tại Bến thủy Công Nguyệt, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, các lực lượng chức năng tại địa phương đã vào cuộc.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, đại diện UBND huyện Thuận Thành cho biết, các lực lượng chức năng của huyện đã vào cuộc chấn chỉnh vi phạm. Dẫu vậy, điển hình như trên đường bộ, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, đảm bảo trật tự, ATGT gặp phải nhiều khó khăn do thực trạng khi xuất hiện bóng dáng của lực lượng chức năng, các xe tải vận chuyển VLXD ngay lập tức dừng hoạt động. Đường xá vắng bóng xe tải.

12 A7_08340
Tuyến đê Đại Hà, dọc bờ phải sông Đuống, mỗi ngày đều nườm nượp xe tải chạy suốt ngày đêm, bụi bay mù mịt.
6 IMG_20211118_090205
Theo người dân địa phương, lượng lớn xe tải này phục vụ việc san lấp mặt bằng các dự án của địa phương, chủ yếu là dự án Phú Mỹ Hưng.
7 IMG_20211118_085924
Lượng lớn xe tải vận chuyển vật liệu từ bến Công Nguyệt nối đuôi nhau di chuyển trên tuyến đê Đại Hà.
5 IMG_20211118_090349
Phóng viên mục sở thị tại đầu đê Đại Hà lối đi xuống đường Tô Quyền ghi nhận hàng đoàn xe cơi nới thành thùng chở cát đen có dấu hiệu quá tải lao rầm rầm vượt qua đê lao vào đường khu dân cư. 
2 A7_08342
Người dân tại khu vực thôn Bút Tháp sống trong cảnh bụi bẩn, thường xuyên phải tưới đường.

Cùng chung thực trạng này, công tác đảm bảo trật tự, ATGT trên đường thủy nội địa cũng gặp tình trạng tương tự khi “có động” từ lực lượng chức năng, tàu thuyển, cảng, bến dừng hoạt động ngay lập tức.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, đại diện lãnh đạo Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực II, Cục đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, đã tiếp nhận phản ánh và ngay lập tức triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Lực lượng cảng vụ trên địa bàn huyện Thuận Thành đã tiến hành lập biên bản, xử phạt bến Công Nguyệt về hành vi vi phạm hành chính là khai thác bến thủy nội địa quá phạm vi vùng nước. Tuy nhiên, đại diện lực lượng cảng vụ ĐTNĐ trên địa bàn huyện Thuận Thành cũng thẳng thắn thừa nhận, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm rất khó khăn, bởi mọi vi phạm sẽ “biến mất” ngay lập tức khi lực lượng có động thái vào cuộc xử lý.

16 A7_08359
Chủ bến Công Nguyệt tại buổi kiểm tra của Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Bắc Ninh (Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực II, Cục ĐTNĐ Việt Nam).

Lâu nay, công tác đảm bảo trật tự, ATGT nói chung và công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ nói riêng luôn nhấn mạnh rằng, một phần không nhỏ “gốc rễ” của xe quá tải tại nhiều địa phương xuất phát từ cảng, bến thủy nội địa. Vì vậy, việc “đánh mạnh” xe quá tải từ gốc rễ cảng, bến mới là biện pháp căn cơ, tiêu diệt tận gốc “giặc quá tải”.

Thời gian gần đây, nhất là thời điểm xuất hiện đại dịch Covid-19 (từ năm 2020 đến nay), công tác đảm bảo trật tự, ATGT đang hiện hữu tồn tại hạn chế về việc xe quá tải bùng phát trở lại, nhất là trên các tuyến đường đê sông ở các địa phương. Đây là một “bài toán” làm đau đầu các cơ quan chức năng và thường xuyên được Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh việc phải tìm ra “liều thuốc” xử lý nhanh chóng vấn nạn này.

Bà Trịnh Thu Hà, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, tình trạng đường bộ ở nhiều nơi đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các tuyến đường cấp tỉnh, cấp huyện, có địa phương mặt đường trên những tuyến đê xung yếu cũng bị hư hỏng do xe quá tải hoạt động trong thời gian gần đây. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng này là do cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ.

Về thực trạng tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, như Tạp chí GTVT đã phản ánh, người dân nơi đây mệt mỏi với tình trạng xe tải hoạt động rầm rộ dẫn tới bụi bẩn, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là hàng quán dọc hai bên đường.

Do vậy, cần có sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng của địa phương để có thể tìm ra “thuốc giải” cho những vi phạm hiện hữu.

Ý kiến của bạn

Bình luận