Ùn tắc nghiêm trọng tại Hà Nội: Bất cập “chia tuyến” tại các bến xe

Tác giả: Trí Anh

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 04/05/2016 09:03

Liên tiếp các ngày 29-30/4 và ngày 2-3/5/2016, tình trạng tắc đường tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô thực sự “báo động đỏ”. Nguyên do là lưu lượng xe các nhân quá lớn, cùng đó là sự phân tuyến bất hợp lý khiến tình trạng xe khách chạy xuyên tâm đón, trả khách làm hỗn loạn giao thông Hà Nội.

Có mặt trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ, đoàn xe kéo dài tới chục cây số cứ nhích dần từng mét, từng mét để về Hà Nội. Quá chán nản, chúng tôi còn chứng kiến cảnh nhiều gia đình phải thuê nhà nghỉ ở lại đến cuối ngày mới về Hà Nội.

Ùn tắc nghiêm trọng tại Hà Nội

Đã làm hết sức có thể?

Trao đổi với chiến sỹ CSGT trực trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ, chúng tôi được biết, trong liên tiếp nhiều ngày qua, đội CSGT số 14 (đơn vị trực trên tuyến) đã phải tung hết nhân lực để thực hiện phân luồng, giúp đỡ dòng xe ùn tắc. Đặc biệt, trong các ngày 30/4 và ngày 2-3/5, số lượng xe quá lớn khiến tình trạng ùn ứ kéo dài.

Tâm sự về những nỗ lực trong việc phục vụ tàu xe cho người dân dịp lễ 30/4-1/5, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết: Sở đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương án dự phòng sẵn sàng, tăng chuyến, tăng xe, để đáp ứng tối đa nhu cầu của hành khách. Cụ thể, tại bến xe Mỹ Đình sẽ tăng cường khoảng 400 lượt xe/ngày cho tất cả các tuyến trọng điểm vào ngày cao điểm. Tại bến Lương Yên tăng khoảng 250 lượt xe/ngày; tại bến Giáp Bát sẽ tăng tới 600 lượt xe/ngày; tại bến Nước Ngầm tăng 70 lượt xe/ngày…

“Cùng với việc tăng lượng xe phục vụ người dân, chúng tôi còn siết chặt quản lý tình trạng nhồi nhét khách, tự ý tăng giá vé. Mặt khác, để tránh ùn tắc, các xe tại bến cứ đủ khách là cho phép chạy, chứ không cần chờ đến giờ mới chạy. Điều này là nét mới trong sự chỉ đạo của Sở GTVT Hà Nội. Chúng tôi đã và đang làm hết sức có thể để phục vụ người dân”, ông Long nói.

Tuy nhiên, những cố gắng của Sở GTVT dường như chưa thực sự phát huy hiệu quả cao khi ùn tắc vẫn là “căn bệnh” khó chữa? Vậy lý do tại đâu? Nhiều chuyên gia giao thông chỉ rõ, tại sao 2 bến xe tại cửa ngõ phía nam Thủ đô là Giáp Bát và Nước Ngầm lại phân bố lượng xe bất cập vậy? Bến Giáp Bát tăng tới 600 lượt xe nên thường xuyên ùn tắc trong khi bến Nước Ngầm vẫn dư thừa tới 50% công năng mà chỉ tăng 70 lượt xe? Còn bến Mỹ Đình, chạy xuyên tâm Thủ đô lại tăng tới 400 lượt xe, điều này có làm cho giao thông Thủ đô thêm “rối”?

“10 năm chưa xong”

Qua tìm hiểu được biết , với lợi thế bến xe Nước Ngầm nằm ở phía Nam Hà Nội, thuận tiện cho các xe chạy tuyến phía Nam. Bộ GTVT, Tp.Hà Nội đều quy hoạch nhất trí quy hoạch các tuyến xe phía Nam sẽ được phân tuyến về đây, tránh tình trạng xe chạy xuyên tâm Hà Nội. Thế nhưng, sau 10 năm hoạt động, dù bến có chất lượng dịch vụ tốt nhưng số xe xuất bến hàng ngày chỉ đạt 150-200 lượt (trong khi công suất tiếp nhận 500 xe mỗi ngày). Hiện bến xe Nước Ngầm không đủ xe hoạt động trong khi nhiều bến khác lại quá tải. Đây chính là một trong những lý do dẫn đến ùn tắc.

Trong văn bản kiến nghị gửi UBND TP Hà Nội, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố chỉ rõ: sắp xếp luồng tuyến xe khách liên tỉnh trên địa bàn Tp. Hà Nội có một số bất cập, chưa hợp lý. Xe khách lập bến dù, bến cóc, chạy sai tuyến, vòng vo dừng đỗ đón trả khách, đặc biệt là tại khu vực bến xe Mỹ Đình, đường vành đai 3 trên cao, đường Phạm Hùng. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự, mất an toàn giao thông trên địa bàn.

Trước những bất cập trên, Công an TP Hà Nội đã kiến nghị UBND TP Hà Nội cần sớm điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đang chạy sai hướng tuyến về đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Ông Hải nhấn mạnh: Theo quy hoạch, các tuyến phía Nam đi theo hướng QL1, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát theo đúng Quyết định 2288/QĐ - GTVT  của Bộ GTVT. Sau nhiều cuộc họp, Bộ GTVT, Tp. Hà Nội, Công an Hà Nội đã thống nhất ý kiến trên, đồng thời, yêu cầu sắp xếp điều chuyển một số tuyến từ bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên về các bến xe còn mặt bằng để khai thác theo đúng hướng tuyến. Thế nhưng rất lạ rằng Sở GTVT vẫn chưa thực hiện?

Trước sự chậm trễ khó hiểu đó, tình trạng “tắc” về tư duy như nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng nói là có thật? Có lẽ đã đến lúc quy trách nhiệm cá nhân xem đang "ùn tắc" ở điểm nào?

Ý kiến của bạn

Bình luận