Ảnh minh họa |
Trong các chuyên mục Tiêu điểm mới đây, chúng tôi đã thông tin sơ bộ về mô hình sàn giao dịch vận tải dự kiến được Tổng cục Đường bộ Việt Nam thí điểm triển khai tại Việt Nam vào đầu năm 2016, trong đó tập trung phân tích về lĩnh vực vận tải hàng hóa với nhiều cơ hội và thách thức.
Song song với việc triển khai các giải pháp để hiện thực hóa trong lĩnh vực này, ngày 20/8/2015, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục ký Tờ trình kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”. Đề án này được gọi tắt là GrabCar, hay còn biết đến với tên gọi sàn giao dịch vận tải hành khách, do Công ty GrabTaxi đề xuất và thực hiện. Tương tự như lĩnh vực vận tải hàng hóa, đề án này được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch cho hành khách cũng như chi phí điều hành của đơn vị vận tải; đồng thời hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý của Nhà nước trong hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ.
Nhận định về Đề án này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HIệp hội Ô tô Việt Nam cho biết: Thị trường vận tải lâu nay chưa được lành mạnh lắm nên nếu tạo được, áp dụng KHKT vào làm được thì quá tốt. Nó tạo sân chơi bình đẳng, công khai, minh bạch và thúc đẩy các nhà vận tải phải cải tiến quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiến tới hạ giá cước. Nó cũng tạo cho khách hàng tiếp cận được những dịch vụ tiên tiến. Người dân, người sử dụng mong muốn được như thế.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi cho rằng, doanh nghiệp mong muốn có khách hàng, ngược lại, hành khách cũng muốn làm sao tìm được xe có giá cước và tuyến đường ưng ý, tiết kiệm. Vì vậy, chúng ta cần có một sàn giao dịch để khách hàng và doanh nghiệp gặp nhau. Đó chính là ý tưởng thành lập sàn giao dịch vận tải mà nhiều quốc gia đã ứng dụng thành công.
Ông Đỗ Quốc Bình cho biết: Đây là một phần mềm do Bộ giao thông vận tải ủy quyền cho một đơn vị thực hiện, có khả năng sau này để duy trì hoạt động sẽ thu mức phí nhất định, đây không phải cái lớn mà quan trọng là hiệu quả… Hiệu quả ở đây là ở vận chuyển hàng hóa và vận chuyển hành khách. Các quốc gia khác đều đã làm rồi nhưng Việt Nam chưa làm nên dẫn đến việc tốn phí, khách hàng không gặp được người vận chuyển. Đích cuối cùng là hai bên gặp nhau sẽ giải quyết được vấn đề.
Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện Đề án “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” của Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam |
Theo đơn vị triển khai, điểm khác biệt của mô hình thí điểm GrabCar, so với một số dịch vụ kết nối do pháp nhân nước ngoài khác cung cấp, đó là việc chọn lựa kỹ lưỡng các đơn vị vận tải đối tác. Theo đó, GrabTaxi chỉ hợp tác với những đơn vị được cấp phép kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng. Danh sách các đơn vị vận tải này sẽ được cập nhật và báo cáo thường xuyên với cơ quan quản lý Nhà nước. Việc chia sẻ thông tin, thanh toán và thực thi nghĩ vụ thuế sẽ được diễn ra hoàn toàn minh bạch trên lãnh thổ Việt Nam. Thông tin về trách nhiệm của đơn vị vận tải, trách nhiệm của GrabTaxi, và các điều kiện của hợp đồng vận tải cũng sẽ được thể hiện đầy đủ trên ứng dụng và gửi đến thư điện tử của khách hàng.
Thực tế trước đó, người dân Việt Nam đã bước đầu biết đến với dịch vụ tiên tiến trên nền tảng công nghệ này khi tham gia sử dụng taxi của Grab. Theo đó, bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng chạy hệ điều hành IOS, người dân có thể tải ứng dụng và thực hiện đặt xe trực tuyến với nhiều ưu đãi. Chúng tôi đã tiếp cận với người sử dụng để tìm hiểu rõ hơn.
Hiện nay Grabtaxi đang dần được nhiều người dân biết đến, tuy nhiên, thực tế dịch vụ này được sử dụng như thế nào, cũng như phản ánh của người dân khi sử dụng dịch vụ ra sao, sau đây chúng ta cùng đến với bà Ngô Thị Ngọc Anh, một người thường xuyên sử dụng Grabtaxi làm phương tiện di chuyển hàng ngày của mình.
PV: Khi sử dụng dịch vụ này, bà nhận thấy dịch vụ này mang đến điều gì hơn cho hành khách so với các phương tiện khác trước đó?
Bà Ngô Thị Ngọc Anh: Thực ra Grabtaxi hay bất cứ hãng nào cũng đều là phương tiện đi lại. Tuy nhiên, Grab cũng có những thuận tiện hơn, phù hợp hơn, phần nào giảm bớt chi phí cho khách hàng đi lại. Trước kia tôi hay đi các hãng taxi khác, gọi có lúc 2-3 xe cùng đến, có lúc rất lâu không đến, khi gọi lại thì báo hết xe, gây cho tôi là người đi rất khó chịu. Với Grab phải có máy tương thích để cài đặt phần mềm, gọi cũng nhanh nhưng phải biết cách sử dụng. Khi gọi thì chỉ một người lái xe đến, và cũng một người lái xe đấy thôi nhưng nếu đi theo hãng của họ thì có ứng xử khác, nhưng khi lái xe trên cương vị của Grab thì cũng mềm mỏng, lịch sự và chu đáo hơn. Điều này thì đối với tất cả các hãng taxi cũng cần điều chỉnh trong việc giáo dục đội ngũ lái xe của mình làm sao mang tính chuyên nghiệp hơn thì sẽ hài lòng khách hàng hơn.
PV: Cảm ơn những ý kiến của bà.
Ứng dụng GrabCar có giao diện tương tự GrabTaxi |
Trong thời gian đầu tiếp cận dịch vụ Grabtaxi – một hình thức sơ khai của sàn giao dịch vận tải hành khách, người dân Việt Nam đã ghi nhận một số ưu điểm mà loại hình này mang lại so với các loại hình vận tải truyền thống. Tuy nhiên, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là sàn giao dịch vận tải thành công là luôn đảm bảo, duy trì được quyền lợi thường xuyên cho khách hàng.
Ông Vũ Hoàng Liên cho biết: Còn nhiều quyền lợi khác liên quan vấn đề cần quan tâm là làm sao đảm bảo được an toàn, an toàn ở đây có hai nghĩa về giao thông thuần túy và an toàn về mặt xã hội. Vấn đề an toàn về mặt con người vẫn là khó nhất. Tuy vậy đây là cái khó chung của lĩnh vực vận tải chứ không phải khó riêng của sàn giao dịch điện tử. Đương nhiên với đặc điểm của sàn giao dịch điện tử mình cũng cần tăng cường các giải pháp công nghệ để hỗ trợ và tăng cường khả năng bảo vệ khách hàng.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ và Bộ GTVT cần có đánh giá cụ thể xem các quy định quản lý đã đầy đủ hay chưa, môi trường pháp lý được đảm bảo như thế nào, vấn đề quản lý thuế ra sao, phương thức thanh toán trực tuyến đã hợp lý và có đúng các qui định của ngân hàng hay không? Tất cả các vấn đề này đều cần được cơ quan quản lý kiếm soát một cách chặt chẽ, có như vậy, chúng ta mới có thể triển khai hoạt động sàn giao dịch vận tải một cách có hiệu quả trong tương lai.
Chúng ta cùng đến với những phân tích của ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về đánh giá của cơ quan này đối với việc triển khai Đề án Sàn giao dịch vận tải hành khách trong thời gian tới.
PV: Thưa ông, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ triển khai đề án Sàn giao dịch vận tải. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Khuất Việt Hùng: Có thể nói, đề án xây dựng sàn giao dịch vận tải này là một nhiệm vụ đã được đặt ra trong đề án hiện đại hóa lĩnh vực vận tải đường bộ mà Bộ GTVT đã phê duyệt năm 2012, đồng thời nằm trong chiến lược phát triển phát triển GTVT mà Thủ tướng CP đã phê duyệt. Việc Bộ GTVT đã hoàn thành và trình chính phủ đề án sàn giao dịch vận tải thì chúng tôi đánh giá rất cao. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý và kinh doanh vận tải là giải pháp quan trọng giúp tái cấu trúc thị trường vận tải, kéo giảm chi phí vận tải và góp phần vào giảm chi phí logistic chung của nền kinh tế.
PV: Vậy khi triển khai sàn giao dịch vận tải thì cơ quan quản lý nhà nước cần phải hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp quy gì để sàn giao dịch vận tải được hoạt động một cách minh bạch?
Ông Khuất Việt Hùng: Thực ra đến thời điểm hiện nay thì tất cả quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đã rất đầy đủ. Có chăng cái chúng ta phải làm là Bộ GTVT phối hợp Bộ Công thương để có thông tư hướng dẫn để đơn vị kinh doanh vận tải và các đơn vị có nhu cầu vận chuyển hàng hóa hiểu rõ hơn về cách thức tham gia vào sàn giao dịch vận tải.
PV: Cảm ơn ông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.