Nhiều quy định làm khó chủ đầu tư, nhà thầu
Từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra nhiều đợt mưa lớn kéo dài trên diện rộng, đặc biệt là ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, 3 đã gây thiệt hại hệ thống đường bộ nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng sụt trượt, sạt lở bùn, đất đá ta-luy xuống nền, mặt đường, công trình thoát nước với khối lượng lớn. Nhiều vị trí xảy ra sạt lở đất đá lấp phủ toàn bộ nền, mặt đường, lún sụt lấn vào nền, mặt đường gây ngập úng, ách tắc giao thông cục bộ.
Để đảm bảo giao thông được thông suốt, các sở, ngành, đơn vị đã phải huy động máy móc, vật tư, nhân lực khắc phục các sự cố ngay tại thời điểm xảy ra với mục tiêu thông đường sớm nhất có thể để đảm bảo giao thông bước 1 cho người và phương tiện lưu thông. Thế nhưng, cũng từ đây đã phát sinh vướng mắc bởi nhiều quy định của các bộ, ngành.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Trần Thanh Kiên, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên cho biết, ngày 30/8/2024, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 09/2024 (có hiệu lực từ ngày 15/10/2024) về việc sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng ban hành tại Thông tư số 12/2021 ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, trong đó quy định đối với thi công rọ đá mã hiệu AL.15100 có thành phần công việc như: Chuẩn bị dụng cụ, phương tiện, vật liệu; di chuyển máy và thiết bị thi công đến vị trí thi công, vận chuyển vật liệu trong phạm vi 30 m; xúc đá hộc vào rọ bằng máy đào kết hợp xếp đá bằng thủ công, đảm bảo độ chặt theo yêu cầu; thả rọ đá vào vị trí bằng cần cẩu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; lặn kiểm tra, hoàn thiện đối với rọ có kích thước (2x1x1)m hao phí vật liệu bao gồm rọ thép đan sẵn 1 rọ, đá hộc 2,1 m3, vật liệu khác 2%; hao phí nhân công, ca máy...
Như vậy, việc thi công rọ đá theo Thông tư 09 không phù hợp với thực tế hiện trường thi công trong ngành GTVT (sử dụng rọ đá chủ yếu làm kè, tường chắn có yêu cầu thiết kế, thi công theo kích thước hình học xác định), đặc biệt đối với địa hình phức tạp như miền núi một bên là vực sâu, một bên là núi cao.
Ngoài ra, theo lãnh đạo một số nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên, hiện nay hầu hết các địa phương đều không có mỏ đất được cấp phép, không có bãi đổ thải trong quy hoạch nên việc thực hiện đảm bảo giao thông vô cùng khó khăn cho nhà thầu. Đơn cử như trên QL34 đi qua tỉnh Hà Giang và Cao Bằng, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống đường giao thông. Bộ GTVT đã công bố tình huống khẩn cấp và Cục Đường bộ Việt Nam ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp theo quy định, nhưng đến thời điểm hiện tại nhà thầu vẫn chưa khắc phục được các điểm sạt lở do không có vị trí đổ thải.
"Cái khó của chúng tôi hiện nay là khi có sự cố sạt lở gây tắc đường, từ chủ đầu tư cho đến chính quyền địa phương đều yêu cầu phải hót dọn để đảm bảo giao thông bước 1. Nhưng hót dọn xong thì biết đổ thải đi đâu? Nếu đổ thải sai quy định thì cơ quan chức năng địa phương sẽ lập biên bản ngay lập tức", một lãnh đạo nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên chia sẻ.
Một nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên khác cho biết: "Vừa qua, trên các tuyến QL1B, QL279, QL4A... qua tỉnh Lạng Sơn bị sạt lở nghiêm trọng, phải sử dụng đá hộc, thế nhưng đá hộc ở Lạng Sơn theo như công bố của địa phương có đơn giá 150.000 đồng/m3, trong khi thực tế nhà thầu mua với giá dao động từ 230.000 - 250.000 đồng/m3. Xác định đây là nhiệm vụ cấp bách trong thiên tai, khẩn cấp nên biết làm sẽ lỗ nhưng vẫn phải làm".
Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Phạm Ân Trường, Giám đốc Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại 909 cho biết: "Do nguồn đất đắp phục vụ bão lũ khan hiếm, nếu có thì giá rất cao, dao động từ 165.000 đồng/m3, thậm chí còn không có đất để mua nên hiện nay thông thường các chủ đầu tư hướng dẫn các nhà thầu tận dụng đất sạt trượt (đất cấp 1) để tái sử dụng. Nhưng theo quy định, loại đất đắp dành cho đường bị đứt gãy phải là loại đất cấp 3, do đó mọi việc sẽ khó khăn khi các bên làm thủ tục hoàn công, cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an... sẽ đặt vấn đề và yêu cầu các nhà thầu chứng minh nguồn gốc đất đắp...".
Ngoài ra, theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, nhân công xếp rọ đá hiện nay của các nhà thầu đang phải trả dao động từ 350.000 - 500.000/người/ngày nhưng vẫn rất khó thuê do nhu cầu các địa phương đều bị thiệt hại bởi thiên tai cùng một thời điểm. Trong khi đó, đơn giá các địa phương thông báo chỉ là 230.000 đồng/người/ngày dẫn đến nhà thầu càng làm càng lỗ. Đơn cử như vừa qua tại tỉnh Hà Giang, hoàn lưu bão số 3 đã làm QL34 thiệt hại nặng, nhiều đoạn trên tuyến nhà thầu phải dùng rọ đá để khắc phục đảm bảo giao thông, nhưng việc tìm nhân công xếp rọ đá rất khó và tìm được thì giá cũng rất cao so với thực tế đơn giá địa phương ban hành.
Sớm điều chỉnh quy định để phù hợp với thực tiễn
Theo ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa, để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra hàng năm, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai trên các tuyến đường..., các ngành và địa phương cần rà soát, bố trí vị trí các bãi chứa đất đá sạt lở khi khắc phục hậu quả thiên tai dọc trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ. "Đồng thời, rà soát, bố trí khu vực lấy đất đắp trên địa bàn với cự ly gần nhất để kịp thời xử lý, khắc phục các vị trí sạt lở ta-luy âm trên các tuyến đường; thực hiện công tác GPMB đối với các vị trí bãi chứa đất, đá sạt lở và các vị trí cần xử lý sạt lở ta-luy khi khắc phục hậu quả thiên tai", ông Tuấn đề nghị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lai Châu cho biết, trước những quy định còn bất cập, chưa phù hợp với điều kiện thực tế thi công kè rọ thép đá hộc tại các địa bàn khu vực miền núi, ngày 30/9, Sở GTVT tỉnh Lai Châu đã có văn bản kiến nghị các cấp, ngành về vấn đề định mức thi công rọ đá được ban hành kèm theo Thông tư số 09/2024 ngày 30/8/2024 của Bộ Xây dựng. Bởi thực tế như địa bàn tỉnh Lai Châu, do điều kiện thi công khó khăn, địa hình đồi núi cao, vực sâu, không thể thi công bằng máy xúc và máy cẩu để xếp đá vào rọ, sau đó cẩu rọ xếp kè mà phải thi công hoàn toàn bằng thủ công. "Chúng tôi hy vọng, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan sớm chia sẻ và điều chỉnh quy định để việc xử lý hư hỏng đường sá được nhanh nhất, hiệu quả nhất, phù hợp với thực tế, đồng thời cũng không làm các nhà thầu thi công rơi vào tình cảnh vừa làm vừa lỗ hoặc vi phạm pháp luật", ông Hưởng nêu ý kiến.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.