Ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai - Kỳ 5: Cách nào hạn chế thiệt hại, đảm bảo giao thông thông suốt?

Giao thông 24h 28/10/2024 06:53

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và GTVT là một trong những lĩnh vực bị thiệt hại nặng do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra. Đây là những yếu tố an ninh phi truyền thống mà nhiều nước đang phải đối diện, từ đó cấp thiết cần có những giải pháp lâu dài để hạn chế thiệt hại, hư hỏng hạ tầng giao thông do thiên tai.

Ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai - Kỳ 5: Cách nào hạn chế thiệt hại, đảm bảo giao thông thông suốt?- Ảnh 1.

Sạt lở ta-luy âm gây sụt nền đường tại QL4A qua tỉnh Lạng Sơn

Thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường

Trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành GTVT thiệt hại khoảng 3.030 tỷ đồng do hậu quả của bão lũ, thiên tai. Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, đến thời điểm này, nước ta đã xảy ra 4 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới và 6 đợt mưa tại các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ và Trung bộ. Theo đó, trong tháng 5 và tháng 6, Cục Đường bộ Việt Nam và các địa phương đã xử lý 85 vị trí sạt lở, hót sụt khoảng 112.000 m3; xử lý đảm bảo giao thông 25 vị trí ngập lụt; sửa chữa khoảng 2.500 m2 hư hỏng mặt đường; sửa chữa 15 cầu bị hư hỏng; điều động kịp thời 1.000 rọ thép dự phòng cho các địa phương. Kinh phí khắc phục thiệt hại, bảo đảm giao thông trên hệ thống quốc lộ khoảng 30 tỷ đồng.

Chưa hết, bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng, với 4.177 vị trí bị sạt lở, sụt nền, đứt đường, ngập nước và cả nước dâng khu vực quốc lộ đi qua kể cả tại Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ; sập 2 nhịp cầu Phong Châu trên QL32C; các công trình trạm thu phí, trạm dừng nghỉ bị hư hỏng và hàng trăm báo hiệu bị gãy đổ, phải thay thế...

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm trên đất liền, đặc biệt có nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, sức tàn phá cao, phạm vi ảnh hưởng bao phủ 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa. Tổng thiệt hại của bão số 3 ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng 6,8 - 7% của cả nước.

Ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai - Kỳ 5: Cách nào hạn chế thiệt hại, đảm bảo giao thông thông suốt?- Ảnh 2.

Cơn bão số 3 (Yagi) gây sạt lở, tắc đường tại Km89+270 QL15C

Với nhiệm vụ bảo đảm giao thông, an toàn, thông suốt trong mọi tình huống, ngành Đường bộ đã huy động tổng lực để chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ. Công tác ứng trực, nắm bắt thông tin được chủ động 24/24h, thông tin liên lạc được kết nối với các sở GTVT, lực lượng bảo đảm giao thông. Trong cơn bão số 3 vừa qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã thành lập 5 đoàn công tác do lãnh đạo Cục trực tiếp xuống hiện trường, nắm bắt thông tin, chỉ đạo trực tiếp, động viên lực lượng tham gia chống bão, ứng trực bảo đảm giao thông. Do đó, Cục đã lường trước các yếu tố bất lợi của thời tiết, chủ động điều động 15.000 rọ thép dự phòng từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cho các tỉnh miền núi như Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên, vừa giảm thiểu thiệt hại, vừa chủ động được vật tư thiết bị dự phòng.

Chia sẻ với Tạp chí GTVT, ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông cho rằng, nguồn kinh phí cấp cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn hẹp, chỉ đáp ứng được khoảng 40% so với yêu cầu. Mặt khác, do thiên tai ngày càng khó lường và không còn theo quy luật như những năm trước, tần suất cũng nhiều hơn, do đó mức độ ảnh hưởng của thiên tai đến hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt ngày càng lớn hơn, gây nguy cơ mất an toàn công trình giao thông, dẫn đến công tác khắc phục hậu quả bị ảnh hưởng, nguy cơ hư hỏng tăng lên do không đủ nguồn kinh phí khắc phục ngay.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Trần Quang Thanh, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ II cho biết: "Cứ mỗi lần nghe dự báo thời tiết báo bão hay áp thấp nhiệt đới vào miền Trung là chúng tôi rất lo lắng bởi địa bàn kéo dài từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, nguy cơ ngập úng, đứt đường luôn đe dọa. Chúng tôi luôn phải chủ động rà soát toàn bộ công tác bảo dưỡng thường xuyên, chủ động phân luồng khi có sự cố trên QL1 hoặc đường Hồ Chí Minh và tới đây là cao tốc Bắc - Nam. Nguồn vật tư dự trữ dự phòng phải luôn sẵn sàng khi xảy ra sự cố nhằm ứng phó chia lũ ngay khi QL1 có nguy cơ bị ngập. Đơn cử như trận lũ năm 2023, nếu không chủ động ngăn nguồn nước chảy qua QL1 bằng bê tông thì nguy cơ đứt đường rất cao, khi đó kinh phí để khắc phục sẽ vô cùng lớn".

Đồng quan điểm, ông Đinh Trung Thành, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ I cho rằng, việc chủ động, quyết liệt, quyết đoán trong chỉ đạo, điều hành và kiên quyết trong triển khai các giải pháp ứng phó giúp khắc phục các thiệt hại và khôi phục hoạt động giao thông trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan của Bộ, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là yếu tố then chốt giúp nâng cao hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai - Kỳ 5: Cách nào hạn chế thiệt hại, đảm bảo giao thông thông suốt?- Ảnh 3.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng và triển khai những phương án ứng phó phù hợp, hiệu quả, kiên cố hóa các vị trí xung yếu, thường xuyên bị sụt trượt, gây ách tắc giao thông

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, để chủ động phòng tránh thiệt hại do thiên tai gây ra, theo Quyết định 245 của Bộ GTVT về Kế hoạch hành động của Bộ GTVT về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025, Cục Đường bộ Việt Nam đã tham mưu cho Bộ GTVT lồng ghép thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu trong công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển GTVT đường bộ giai đoạn 2021 - 2025; nâng cấp, cải tạo, xây dựng các công trình giao thông đường bộ ở những vùng thường bị đe doạ bởi lũ lụt, nước biển dâng, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long; nâng cấp, cải tạo, xây dựng các công trình giao thông đường bộ có khả năng chống chịu với sạt lở đất khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, trong đó chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình ứng phó với thiên tai, bão lũ và diễn tiến của biến đổi khí hậu; nghiên cứu áp dụng các giải pháp thiết kế kỹ thuật công trình giúp nâng cao khả năng chống chịu của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với tác động của biến đổi khí hậu. Thời gian tới, Cục sẽ triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, thân thiện với môi trường trong công tác bảo trì, khắc phục hậu quả mưa bão.

Cũng theo ông Hoàng Thế Tùng, hiện nay, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan về Thông tư Khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ thay thế một loạt thông tư 03, 45, 22 và 25 cho phù hợp với thực tế công tác phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả bão lũ, Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ chuẩn bị có hiệu lực.

Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra thì công tác dự báo, cảnh báo phải chính xác, kịp thời. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị phải được triển khai thực hiện từ sớm, từ xa với phương châm "3 trước, 4 tại chỗ" (3 trước: Nhận diện, chủ động phòng, chống trước; chuẩn bị phương án, phương tiện vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước và 4 tại chỗ: Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Kinh nghiệm cho thấy, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành và địa phương nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Do đó, kiến nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình thời tiết, thiên tai, xây dựng mạng lưới thông tin cảnh báo nguy cơ sụt trượt, ngập, lũ quét tại các vị trí xung yếu. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng và triển khai những phương án ứng phó phù hợp, hiệu quả, đồng thời ưu tiên nguồn vốn, bổ sung kịp thời kinh phí từ nguồn Trung ương cho Bộ GTVT kiên cố hóa các vị trí xung yếu trên tuyến đường sắt và các quốc lộ khu vực miền núi thường xuyên bị sụt trượt và bị ngập gây ách tắc giao thông.