Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết dự án cao tốc bắc-nam đồng ý chuyển 3/8 dự án sang đầu tư công

Tác giả: Hoàng ngân

saosaosaosaosao
Bạn đọc 23/06/2020 15:50

Tại phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) sang đầu tư công.

cao toc
Cao tốc La Sơn - Túy Loan

Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày cho biết, so với thời điểm Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, bối cảnh hiện nay đã phát sinh một số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi triển khai các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP.

Cụ thể, theo quy định của Luật Đấu thầu, các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP sẽ phải đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Việc đấu thầu quốc tế sẽ giải quyết được khó khăn về tín dụng dài hạn trong nước, bảo đảm nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, quá trình sơ tuyển quốc tế đã xuất hiện yếu tố ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia. Trên cơ sở kết luận của cấp có thẩm quyền, Chính phủ đã quyết định chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước, do vậy mục tiêu ban đầu là đấu thầu quốc tế để huy động vốn nước ngoài đã không thực hiện được.

Năm 2017, khi trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư, vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm là tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng thương mại ngày càng thắt chặt nên khó khăn về huy động tín dụng trong nước.

Phương án 3 đảm bảo khả thi triển khai được ngay

Việc điều chỉnh này đã được xin ý kiến của Bộ Chính trị. Theo đó, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận là không đồng ý về việc điều chỉnh cả 8 dự án sang đầu tư công mà xem xét một số dự án sang đầu tư công và giao cho Ban Cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội bàn bạc, thống nhất.

Theo tinh thần trên, việc chọn phương án 3 và thống nhất với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là không để số vốn thực hiện dự án sang nhiệm kỳ sau. Dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) thì chắc chắn là phải chuyển đổi sang đầu tư công. Còn hai dự án Mai Sơn - QL45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây có nối với Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều có lưu lượng xe đi lại rất lớn. Hai dự án này có nguồn vốn đầu tư của Nhà nước ít mà lại phải huy động nguồn vốn tư nhân lớn nên nhà đầu tư còn e ngại nên có thể điều chỉnh chuyển từ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công.

                            Chủ tịch Quốc hội

Nguyễn Thị Kim Ngân

Hiện nay, việc huy động tín dụng cho dự án đã phát sinh các yếu tố mới, đó là chính sách pháp luật về PPP chưa hoàn thiện, các cơ chế chia sẻ rủi ro chưa được áp dụng nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và tổ chức tín dụng trong nước. Bên cạnh đó, thời gian qua, các dự án BOT liên tục sụt giảm doanh thu đã minh chứng cho những rủi ro nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng phải gánh chịu toàn bộ do không được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro, điều này dẫn đến nhiều dự án phải chuyển nhóm nợ, cơ cấu lại khoản nợ và gây áp lực không nhỏ cho hệ thống ngân hàng. Mặt khác, tác động nhiều mặt của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hạn mức cho vay dài hạn của các tổ chức tín dụng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dựa trên nguyên tắc lựa chọn dự án thành phần chuyển đổi sang đầu tư công, quan điểm của Chính phủ khi lựa chọn là phải đảm bảo phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính vì vậy, Bộ GTVT đưa ra ba phương án với việc đề xuất các phương án điều chỉnh hình thức đầu tư, Chính phủ đã xây dựng các phương án điều chỉnh hình thức đầu tư theo thứ tự ưu tiên:

Phương án 1: Chuyển đổi sang đầu tư công toàn bộ 8 dự án. Phương án 2: Chuyển đổi sang đầu tư công 5 dự án, gồm có 4 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 3 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP. Phương án 3: Chuyển đổi sang đầu tư công 3 dự án, gồm: 2 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.

Trên cơ sở phân tích các phương án mà Tờ trình đưa ra, Báo cáo Thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, đối với phương án 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận không tán thành tại Phiên họp thứ 45. Đối với phương án 2, Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng cũng không phù hợp với các yêu cầu tại Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi chỉ đề xuất chuyển đổi sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) và một số ít dự án có nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển nhưng khả năng đấu thầu không thành công; vốn đầu tư công cho dự án cần thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, không bố trí bổ sung số vốn đầu tư công lớn cho dự án sang kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau (2021 - 2025).

Đối với phương án 3, ông Vũ Hồng Thanh cho hay, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với phương án chuyển đổi tối đa 3 dự án thành phần từ đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công (đã bao gồm dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển). Phương án này có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của việc hủy kết quả sơ tuyển, đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyển đổi “số ít dự án”.

Sau khi bàn bạc, cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ chỉ 3/8 dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển sang đầu tư công là dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây.

Ý kiến của bạn

Bình luận