Hội thảo Quốc gia “Văn hóa giao thông: Trách nhiệm thuộc về ai?” do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức (28/12) |
Câu hỏi không dễ trả lời
Sáng 28/12, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức Hội thảo Quốc gia “Văn hóa giao thông: Trách nhiệm thuộc về ai?”. Hội thảo được tổ chức nhằm tham mưu cho Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia những giải pháp đẩy mạnh hiệu quả hơn nữa trong việc xây dựng môi trường giao thông nước nhà.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Huy Hiền – Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân khẳng định: “Không thể tách rời văn hóa giao thông ra khỏi văn hóa nói chung, vì đó là nền tảng để tạo ra môi trường giao thông. Môi trường an toàn, văn minh, nhân ái phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố văn hóa”.
Ông Phan Huy Hiền – Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân khẳng định: "Văn hóa giao thông là nền tảng để tạo ra môi trường giao thông". |
Trong những năm qua, TNGT liên tục được kéo giảm qua mỗi năm. Trong năm 2016, toàn quốc tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về TNGT, trong đó, số người chết giảm xuống còn khoảng 8.600 người. Tuy nhiên, TNGT ở Việt Nam vẫn ở mức độ đáng báo động.
“Nói ý thức của người tham gia giao thông hiện nay rất kém là đúng, nhưng vì sao lại có sự yếu kém này là câu hỏi không dễ trả lời. Việc xây dựng văn hóa giao thông không chỉ phụ thuộc vào sự nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông mà nó còn phải đồng bộ với các quy định pháp luật, môi trường giao thông, trách nhiệm của người thực thi công vụ và việc giáo dục, phổ biến kỹ năng tham gia giao thông cho cộng đồng.”, Phó Tổng Biên tập Phan Huy Hiền nhìn nhận.
Thế nào là Văn hóa giao thông?
Theo Nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc kênh VOV giao thông quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam, công tác tuyên truyền về văn hóa giao thông cần đề cập một cách cụ thể về khả năng trả giá của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông với những thói quen phản văn hóa.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông với những tiêu chí cụ thể về hành vi. Căn cứ theo bộ quy tắc thống nhất đó, các đơn vị báo chí, truyền thông có thể tập trung phản ánh theo hướng cá nhân hóa các hành vi lệch chuẩn trong quá trình tham gia giao thông.
Đồng tình với quan điểm của Nhà báo Phạm Trung Tuyến, anh Nguyễn Mạnh Thắng – Đại diện diễn đàn Otofun chia sẻ, hiện nay công tác tuyên truyền về văn hóa giao thông còn khá mơ hồ và rất khó để định hình một cách cụ thể. Bên cạnh đó, quy định pháp luật hiện còn nhiều “sạn”.
“Quan trọng nhất vẫn là chế tài. Diễn đàn Otofun đã phản ánh rất nhiều lần về tình trạng nhiều biển báo, vạch kẻ đường không chuẩn. Đặc biệt, nhiều chế tài xử phạt hiện nay chưa được nhân văn khi những lỗi sơ ý, có mức độ nguy hiểm không cao thì lại được siết chặt quá mức cần thiết. Trong khi đó, những hành vi “vô văn hóa” khi tham gia giao thông, có mức độ nguy hiểm cao thì lại bị bỏ ngỏ”.
Văn hóa giao thông tại Việt Nam đang là vấn đề rất "nóng" |
Anh Thắng nhìn nhận, đây chính là yếu tố dẫn đến những bức xúc của người vi phạm giao thông, từ đó dẫn đến tình trạng chống đối. Ví dụ như khi thấy CSGT, người vi phạm cố tình quay đầu bỏ chạy bất chấp dòng phương tiện đang lưu thông hoặc những hành vi chống đối khác.
“Nếu những lỗi nhỏ như lấn vạch, không bật xi nhan, CSGT chỉ nhắc nhở và hướng dẫn người vi phạm thay vì "quyết liệt" xử phạt thì tôi tin chắc là sẽ giảm đi những hành vi chống đối. Và ngược lại, những hành vi vi phạm có mức độ nguy hiểm cao như chuyển hướng đột ngột, phóng nhanh, vượt đèn đò… thì cần siết chặt hơn so với hiện nay. Qua đó, người vi phạm sẽ cảm thấy thiện cảm và có suy nghĩ tích cực hơn, tin tưởng và chú tâm thực hiện pháp luật TTATGT tốt hơn”.
Góp ý tại Hội thảo, doanh nhân Phạm Quang Vinh một luật sư kiêm doanh nhân ở Hà Nội cho rằng, văn hóa giao thông chỉ có thể thực hiện khi mỗi người “cười khi tham gia giao thông”. Bởi nếu bực tức như tâm lý chung của người tham gia giao thông ở Việt Nam hiện nay thì vẫn sẽ tiếp diễn những hành vi xấu khi tham gia giao thông, từ đó dẫn đến những hành vi vi phạm và nguy cơ TNGT sẽ tiếp tục cao.
Cũng theo anh Phạm Quang Vinh, điều cấp thiết để xây dựng văn hóa giao thông hiện nay chính là thay đổi thói quen tham gia giao thông của người Việt. “Vấn đề lớn nhất của giao thông Việt Nam không nằm trên mặt đường mà là ở thói quen của mỗi người”.
“Tôi từng cùng nhiều người sang nước ngoài, các bạn Việt Nam lái xe ở bên đó rất nghiêm chỉnh và có ý thức rất cao. Ngay cả khi chúng tôi thử gạ nhau uống rượu lái xe cũng không ai dám uống. Điều khác biệt là ở Việt Nam thì cùng những con người đó thì lại hoàn toàn ngược lại. Vấn đề chính là khi ở nước ngoài, người Việt Nam bị cuốn theo thói quen văn minh trong môi trường đó nên họ có văn hóa giao thông hơn”, anh Phạm Quang Vinh chia sẻ.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh, văn hóa giao thông phải có phần trách nhiệm người tham gia giao thông. Bởi nếu một người tham gia giao thông hiểu luật, hiểu quy tắc thì chính là văn hóa của con người đó. Một người không hiểu nắm rõ luật, quy tắc giao thông thì rõ ràng, văn hóa của người đó kém. Những thói quen văn minh khi tham gia giao thông cũng sẽ được hình thành trên nền tảng nhận thức sâu về pháp luật, quy tắc an toàn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ giải đáp các ý kiến của đại biểu tại Hội thảo "Văn hóa giao thông: Trách nhiệm thuộc về ai?” |
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhìn nhận, trách nhiệm tạo dựng văn hóa giao thông của các cơ quan quản lý nhà nước là không nhỏ. Đây là trách nhiệm chung của mọi cấp, mọi ngành và mọi thành phần kinh tế trong xã hội. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp trong lĩnh vực GTVT, trong những năm qua, Bộ GTVT đã luôn quyết liệt trong nhiệm vụ tạo dựng môi trường giao thông hiện đại, an toàn và văn minh. Sự phát triển đột phá về hạ tầng giao thông cùng hàng loại cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch trong 2 năm qua trong lĩnh vực GTVT trong những năm qua là minh chứng rõ ràng nhất.
Còn theo TS. Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, văn hóa giao thông là chuẩn mực mà xã hội cần hướng đến. Chuẩn mực này được cấu thành từ 3 yếu tố gồm: hệ thống pháp luật TTATGT; kết cấu hạ tầng giao thông; giáo dục và bảo vệ văn hóa giao thông.
Trên cơ sở đó, những việc cần làm ngay lúc này để kiện toàn văn hóa giao thông không phải khái niệm trừu tượng mà rất cụ thể và nằm trong tầm tay. Cụ thể, đối với hệ thống pháp luật về TTATGT đang được đánh giá là tương đối hoàn chỉnh chính là yếu tố thắt chặt, kiểm soát văn hóa giao thông đòi hỏi người tham gia giao thông cần tự ý thức về kiến thức pháp luật và chấp hành nghiêm chỉnh các quy tắc về an toàn cũng như quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường bảo vệ và cải thiện điều kiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông để tạo môi trường lành mạnh thực hành pháp luật văn hóa giao thông, thực hành văn hóa giao thông.
Đặc biệt, bên cạnh sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong nhiệm vụ giáo dục, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông thì vai trò quan trọng nhất chính là cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ chuẩn mực văn hóa giao thông của xã hội là các lực lượng chức năng đảm bảo TTATGT như CSGT, Thanh tra giao thông….
Tăng cường xử phạt – yếu tố nòng cốt cấu thành văn hóa giao thông
TS. Lê Hồng Sơn – Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng: Vấn đề đặt ra đối với văn hóa giao thông nằm ở thói quen trong ứng xử làm sao để lan tỏa ra để trở thành nhận thức chung và hành vi chuẩn chung của xã hội. Khi có sự lan tỏa, được xã hội chấp thuận, kết tinh lại thì thành văn hóa.
Việc xác định trách nhiệm cần xác định từ 2 phía. Về phía cơ quan nhà nước là hệ thống quy chuẩn hệ thống pháp luật TTATGT. Qua mấy chục năm nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật TTATGT thì theo quan điểm chủ quan của tôi thì nó tương đối hoàn chỉnh sau một quá trình dài củng cố, bổ sung, hoàn thiện, tuy nhiên, “sạn” trong thi hành pháp luật vẫn còn khá nhiều.
Theo TS. Lê Hồng Sơn – Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp, tăng cường xử phạt là yếu tố nòng cốt cấu thành văn hóa giao thông. |
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền từ quy định nhà nước thành nhận thức chi phối hành vi của xã hội vẫn còn đang là điểm khiếm khuyết; việc tổ chức hệ thống hạ tầng, hệ thống biển báo, phân làn hiện nay vẫn còn nhiều điểm thiếu logic.
Về phía lực lượng chức năng bảo đảm TTATGT, rõ ràng thực tế là những lực lượng này cần tiếp tục chấn chỉnh, hoàn thiện. Cụ thể là cần tăng cường thanh tra, kiểm tra trong nội bộ CSGT, Thanh tra giao thông… để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, phòng chống tham nhũng…. Nếu phát hiện thì không cần do dự mà phải áp dụng chế tài xử phạt mạnh tay.
Về phía người dân, thực trạng đáng buồn hiện nay là ở những thành phố lớn, người dân có nắm được quy định pháp luật cũng như quy tắc ATGT nhưng vi phạm vẫn rất phổ biến. Bởi lẽ, thực hiện hành vi vi phạm sẽ đạt được cái mục đích thực dụng của bản thân người vi phạm mà không bị trả giá hoặc hiếm khi phải trả giả. Chính vì vậy, việc quan trọng nhất là tăng cường phát hiện hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định chính là điều cần thiết nhất trong bối cảnh thực tế.
Qua đó, trách nhiệm về văn hóa giao thông của người tham gia giao thông và các cơ quan công quyền không phải là những thứ trừu tượng, khó hiểu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.