Huy động tối đa mọi nguồn lực
Ngay từ những tháng trước Tết Bính Thân 2016, Công ty VTĐS Hà Nội đã sớm triển khai toàn bộ các văn bản, công điện, chỉ thị của Bộ GTVT, Cục ĐSVN, Tổng công ty ĐSVN... và phối hợp với Công ty Cổ phần VTĐS Sài Gòn chỉ đạo các đơn vị thành viên tổ chức thực hiện: Thành lập các ban chỉ đạo từ Công ty đến các đơn vị thành viên để giải quyết những phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt các chi nhánh trọng điểm, Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội, các chi nhánh toa xe; triển khai các văn bản về kế hoạch chạy tàu, tổ chức bán vé, giá vé vận chuyển hành khách trong dịp Tết Bính Thân 2016.
Đối với tàu khách Thống Nhất, Công ty VTĐS Hà Nội đã tập trung toàn bộ toa xe hiện có, với 28 ram xe (tổng số 364 toa xe) để tổ chức chạy tàu phục vụ hành khách đi tàu; khai thác tối đa phương án vận chuyển của các đoàn tàu Thống Nhất số lẻ trước Tết và số chẵn sau Tết để vận chuyển hành khách trên khu đoạn Hà Nội - Vinh - Đồng Hới - Huế và ngược lại, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách các ga trọng điểm.
Một số mác tàu được nối thêm xe G để xếp hành lý, xếp xe máy đi ngắn đường trước Tết và đường dài sau Tết phục vụ nhu cầu của hành khách. Trên cơ sở tận dụng các toa xe còn lại, căn cứ luồng hành khách đi lại trên các tuyến phía Bắc, Công ty đã thực hiện quay nhanh ram xe, quay chung ram xe một số mác tàu để vận chuyển hành khách trong dịp cao điểm trước và sau Tết.
Đối với tàu khách khu đoạn,tận dụng các ram xe Thống Nhất đình lưu chờ đi gá, gửi để tổ chức chạy thêm các tàu từ Hà Nội đi các ga Nam Định, Thanh Hóa, Vinh trước và sau Tết.
Đột phá trong bán vé
Từ ngày 01/9/2015, Tổng công ty ĐSVN triển khai hệ thống bán vé điện tử, xuất hóa đơn điện tử, nhập phương án bán vé các tàu Thống Nhất lên hệ thống để tổ chức bán vé sớm (từ ngày 25/9/2015 bắt đầu bán vé Tết 2016). Người dân có thể dễ dàng mua vé tàu và cập nhật thông tin về hành trình tàu mọi lúc mọi nơi thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau như: Tin nhắn, email, hệ thống bảng điện tử tại sân ga, trên tàu và có thể mua vé qua nhiều phương thức khác nhau như: Mua vé qua ứng dụng trên smartphone, đặt vé qua mạng Internet, mua vé qua thiết bị bán vé tự động đặt tại các ga…
Thực hiện tốt công tác nhập dữ liệu về phương án bán vé khi có tàu tổ chức chạy thêm trên các tuyến, thường xuyên kiểm tra chỗ còn các tàu khách để bổ xung hoặc điều chỉnh phương án các ga. Ngoài ra, các chi nhánh VTĐS tổ chức các điểm bán vé tại các trường học, các khu vực dân cư xa các ga đường sắt… Các trạm VTĐS phối hợp hỗ trợ tổ tàu trong việc kiểm soát vé, giúp đỡ hành khách lên xuống tàu. Tại ga Hà Nội, để đảm bảo an toàn cho hành khách trên các ke cao, trạm Hà Nội tăng cường phát thanh, nhân viên chỉ dẫn, bố trí dải phân cách mềm tại các ke...
Tại nhiều ga lớn đã lắp đặt ki-ốt phục vụ cho hành khách đặt vé, in vé, tra cứu thông tin tại các ga có mật độ hành khách đông (23 ki-ốt lắp tại các ga: Hà Nội, Gia Lâm, Lào Cai, Yên Bái, Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế).
Giá vé tàu Tết năm 2016 giảm so với Tết Ất Mùi 2015 (giảm từ 2% - 15% chiều rỗng). Giá vé thấp nhất từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh và ngược lại loại chỗ ngồi cứng là 222.000 đồng/01vé(các tàu Thống Nhất số lẻ chạy trong thời gian trước Tết và Thống Nhất số lẻ chạy trong thời gian sau Tết).
Nâng cao hoạt động hướng về khách hàng
Hàng năm, cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu hành khách đi lễ hội trên một số tuyến phía Bắc (Bắc Lệ), phía Tây, phía Nam (Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới…) tăng cao. Để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, sau khi tiến hành giải thể các đoàn tàu Thống Nhất chạy thêm, ngoài các đoàn tàu khu đoạn chính, Công ty đã lập thêm một số tàu để vận chuyển hành khách trên các tuyến có mật độ đông (tàu Gia Lâm - Bắc Lệ, cao điểm có ngày vận chuyển trên 300 lượt khách/01 chiều…).
Để đảm bảo sự an toàn cũng như đáp ứng điều kiện lưu thông của hành khách, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra (kiểm tra đột xuất, định kỳ…), từ Công ty cho đến các đơn vị thành viên đã phối hợp tốt với các cơ quan chính quyền địa phương tổ chức triển khai kế hoạch chạy tàu để có kế hoạch đảm bảo an toàn khi tàu chạy qua các đường ngang. Ngoài ra, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị thành viên kịp thời nắm bắt nhu cầu đi lại của hành khách, báo cáo về Công ty để có kế hoạch tổ chức chạy tàu phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách tốt nhất; tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ hành khách trên các đoàn tàu khách Thống Nhất và khu đoạn.
Để thu hút hành khách đi tàu, Tổng công ty ĐSVN đã đầu tư có trọng điểm vào nhà ga, đoàn tàu; xây dựng đường ke cao, mái che, cầu vượt đường bộ cũng như chỉnh trang bộ mặt một số ga trọng điểm; tăng cường hệ thống bảng chỉ dẫn điện tử, hệ thống đèn chiếu sáng tại các nhà ga; nâng cao chất lượng phục vụ theo phương châm kinh doanh “An toàn - Thuận tiện - Thân thiện - Đúng giờ - Hiệu quả”. Chất lượng trang, thiết bị trên các đoàn tàu đã được nâng cao nhằm không ngừng đáp ứng nhu cầu của hành khách, hầu hết các toa xe được lắp đặt thiết bị vệ sinh thu gom chất thải.
Trong dịp cao điểm Tết 2016, mặc dù các phương tiện vận tải hàng không, đường bộ tăng giá cước vận chuyển, tuy nhiên Công ty VTĐS Hà Nội đã chia sẻ khó khăn, ban hành giá vé phù hợp với người lao động có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu về quê ăn Tết, với giá vé thấp nhất từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh và ngược lại loại chỗ ngồi cứng là 222.000 đồng/01vé.
Thời gian qua,Công ty đã không ngừng đầu tư nâng cấp, sửa chữa, cải tạo các toa xe khách, đặc biệt đã triển khai dự án nâng cấp 65 toa xe khách với tiêu chuẩn chất lượng cao, kịp thời đưa vào phục vụ vận tải hành khách trong dịp cao điểm Tết Bính Thân 2016 và mùa lễ hội nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi tàu.
Để tiếp tục tăng trưởng nhanh và mạnh, Công ty VTĐS Hà Nộitập trung tổ chức khai thác để tăng sản lượng và doanh thu. Đối với các tuyến hiện đang khai thác hiệu quả sẽ tiếp tục nắm bắt nhu cầu của hành khách để tập trung kinh doanh vận tải, giữ vững và phát triển thị trường; thường xuyên kết nối với vận tải ô tô đường ngắn và liên kết xây dựng giá vé đi suốt giữa đường sắt và đường bộ. Bên cạnh đó, đơn vị chú trọng vào công tác điều tra, nghiên cứu, phân tích thị trường, nắm bắt nhu cầu của khách hàng, tìm ra những phân khúc, luồng tuyến, mặt hàng đường sắt có ưu thế và cạnh tranh để hướng tập trung công tác vận chuyển.
Một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao hiệu quả và hoạt động kinh doanh, trong đó ưu tiên nâng cao hoạt động hướng về khách hàng, đưa ra các sản phẩm vận tải tốt nhất và có giá thành cạnh tranh; tập trung nguồn lực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng dịch vụ vận tải thông qua, đa dạng hóa loại hình dịch vụ; cải tạo nhà ga, kho bãi hàng; đầu tư phương tiện xếp dỡ, phương tiện vận chuyển, đặc biệt là toa xe khách chất lượng cao; nâng cao chất lượng toa xe đưa ra vận dụng; chấn chỉnh và đổi mới cách thức phục vụ trên tàu, dưới ga; đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, khai thác vận tải, cung cấp đầy đủ chính xác thông tin cho hành khách đi tàu, vị trí toa xe của chủ hàng; xây dựng chương trình quản lý toa xe hàng, đăng ký toa xe xếp hàng qua mạng và thực hiện vận đơn điện tử... nhằm tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, đơn vị tiếp tục nghiên cứu cập nhật giá thị trường, giá của các phương tiện vận tải khác trên cơ sở chi phí giá thành vận tải hàng hóa để ban hành giá cước linh hoạt theo loại toa xe, tuyến đường, ga đi, ga đến để có doanh thu cao nhất, tăng hiệu quả kinh doanh vận tải hàng hóa. Thay đổi tư duy đợi khách hàng đến ga để thương thảo hợp đồng bằng tích cực tiếp cận, thu hút khách hàng tại các chân hàng; tổ chức chạy tàu khách hợp lý, khai thác lợi thế tại các tuyến mà các phương tiện vận tải khác khó tiếp cận; đổi mới công tác bán vé; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phương án bán vé phù hợp với luồng hành khách, sử dụng và khai thác hiệu quả hệ thống bán vé điện tử; tăng cường công tác kiểm tra vận tải, có những biện pháp đồng bộ để đi đến chấm dứt tình trạng bao khách, bao hàng; duy trì và nâng cao chất lượng các đôi tàu Công ty quản lý, đồng thời tiếp tục nghiên cứu cho ra đời thêm các sản phẩm mới nhằm thực hiện mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm vận tải.
Tết Bính Thân năm 2016 là dấu mốc mà Công ty Cổ phần VTĐS Hà Nội có nhiều đổi mới vượt bậc trong công tác phục vụ vận tải hành khách. Trong điều kiện Công ty mới chuyển đổi mô hình tổ chức (từ công ty TNHH MTV sang công ty cổ phần), cơ sở vật chất, phương tiện vận tải của Công ty tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng kịp nhu cầu; sự cạnh tranh của các phương tiện vận tải ngày càng gay gắt... Dưới sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo Công ty trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ SXKD, đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực, chia sẻ khó khăn của tập thể CNVC lao động toàn Công ty nên đã từng bước tháo gỡ khó khăn, đảm bảo ổn định về đời sống, việc làm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đợt phục vụ Tết và mùa lễ hội 2016, Công ty đã đưa ram tàu mới chất lượng cao (SE5/6) vào hoạt động nhưng giá vé vẫn giữ nguyên, không tăng để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Với số lượng toa xe có hạn, nhưng bằng việc tổ chức chạy tàu hợp lý, khoa học trên cơ sở phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, kết quả dịp Tết 2016, sản lượng hành khách đi tàu tăng 1,5%, doanh thu vận tải hành khách tăng 7% so với cùng kỳ (mặc dù đã điều chỉnh giá vé hạ hơn so với Tết 2015). Bên cạnh đó, công tác an toàn được giữ vững, trên địa bàn Công ty quản lý không để xảy ra sự cố, tai nạn chạy tàu trong suốt đợt cao điểm Tết 2016. Phát huy những thắng lợi đạt được trong dịp cao điểm Tết và mùa lễ hội 2016, Công ty VTĐS Hà Nội tiếp tục triển khai kế hoạch phục vụ dịp cao điểm hè 2016, trước mắt là dịp nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương (10/03 âm lịch), nghỉ lễ 30/4 và 01/5/2016. Ông Nguyễn Văn Bính Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VTĐS Hà Nội |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.