Vận tải hàng không: Tăng trưởng mạnh mẽ, biến “giấc mơ bay” thành hiện thực

Tác giả: Cẩm Phú

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 25/10/2017 16:19

Vận tải hàng không Việt Nam (HKVN) đang có bước tăng trưởng mạnh mẽ và được đánh giá là thị trường còn nhiều tiềm năng. Các chuyên gia nhận định, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố tác động đến sự phát triển của thị trường vận tải hàng không thế giới. “Giấc mơ bay” của người Việt giờ đây đã thành hiện thực, mở ra cơ hội lớn cho ngành vận tải hàng không.

 

TSN - vi tri do
 

Giai đoạn 2011 - 2016, thị trường vận tải HKVN có sự tăng trưởng cao, liên tục ở mức 17% về hành khách và 13,7% về hàng hóa. Năm 2016, tổng thị trường vận tải HKVN đạt 52,2 triệu khách (tăng 28,8% so năm 2015) và 902 nghìn tấn hàng hóa (tăng 13,8% so năm 2015), tăng tương ứng 2,2 lần về hành khách và 1,9 lần về hàng hóa so với năm 2010 (23,7 triệu hành khách và 475 nghìn tấn hàng hóa). Sản lượng thông qua các cảng hàng không, sân bay (CHKSB) Việt Nam năm 2016 đạt 80,7 triệu hành khách và 1,1 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 28,2% về hành khách và 14,4% về hàng hóa so với năm 2014.

Thị trường hàng không Việt Nam 9 tháng đầu năm 2017 tiếp tục có sự tăng trưởng cao cả về sản lượng hành khách và hàng hóa, dự kiến đạt 47,1 triệu hành khách và 833 nghìn tấn hàng hóa với mức tăng tương ứng 20,3% và 34,6% so với cùng kỳ năm 2016. Dự kiến năm 2017, sản lượng thông qua các cảng hàng không đạt 94,5 triệu hành khách, tăng 17% so với năm 2016 và 1,4 triệu tấn hàng hóa, tăng 25,8% so với năm 2016.

Tăng cường kết nối thị trường vận tải hàng không nội địa

Hiện tại, 4 hãng hàng không Việt Nam là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO), Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet và Jetstar Pacific đang khai thác 53 đường bay nội địa kết nối Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh theo hệ thống mạng đường bay “trục - nan” từ 3 trung tâm, kết hợp phát triển mạng đường bay “điểm đến điểm” với các cảng hàng không địa phương. Thị trường hành khách nội địa năm 2016 đạt 28,5 triệu hành khách, tăng 26,9% so với năm 2015. Thị trường hàng hóa đạt 201 nghìn tấn, tăng 16,9% so với năm 2015. Thị trường hành khách nội địa 9 tháng đầu năm 2017 đạt 24,6 triệu khách, tăng 13,5%. Thị trường hàng hóa đạt 169,4 nghìn tấn, tăng 19,1% so cùng kỳ năm 2016.

Đối với thị phần vận chuyển hành khách nội địa 9 tháng đầu năm 2017, Vietnam Airlines chiếm 47,4%, VASCO là 2,1%, Vietjet Air chiếm 36,8% và Jetstar Pacific chiếm 13,7%. Thị phần của hai hãng hàng không giá rẻ là 50,4%, đặc biệt là Vietjet Air, dù mới chỉ tham gia khai thác thị trường từ cuối năm 2011 nhưng hiện tại đã khai thác đội tàu bay lên đến 41 chiếc với thị phần nội địa tăng mạnh (năm 2012: 8%, 2013: 20,2%, 2014: 29,6%, 2015: 36,6% và 2016: 40,7%).

Mạng đường bay nội địa của HKVN với các đường bay đi/đến các địa phương tỏa ra từ 3 thành phố lớn của ba miền là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Hệ thống đường bay trục Hà Nội - Đà Nẵng - TP. Hồ Chí Minh luôn được các hãng hàng không xác định là xương sống cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác với tần suất cao, chiếm tỷ lệ tới 56% tổng lượng vận chuyển của thị trường nội địa.

Các đường bay liên vùng từ 3 trung tâm Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh tới các cảng hàng không địa phương được khai thác tối đa, tất cả 14 CHKSB có cơ sở hạ tầng đáp ứng điều kiện để tiếp nhận tàu bay phản lực (A320/A321 trở lên) đều đã kết nối đường bay liên vùng với các trung tâm. Nhiều đường bay liên vùng đều có từ 2 hãng hàng không khai thác trở lên, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo cơ hội tiếp cận dịch vụ hàng không cho mọi đối tượng khách hàng. Mạng đường bay liên vùng đã phát triển thêm các đường bay kết nối trực tiếp các cảng hàng không địa phương (không qua 3 trung tâm) như Buôn Ma Thuột - Cát Bi/Vinh/Thọ Xuân/Chu Lai, Cát Bi - Cam Ranh, Phú Bài - Liên Khương, Liên Khương - Cần Thơ...

Các đường bay nội vùng chặng ngắn tới 4 cảng hàng không Điện Biên, Rạch Giá, Côn Đảo và Cà Mau (các cảng hàng không chỉ tiếp nhận loại tàu bay ATR72) cũng được tăng tải cung ứng tối đa.

Mở rộng thị trường vận tải hàng không quốc tế

Thị trường HKVN hiện có sự tham gia của các hãng hàng không nước ngoài thuộc 31 quốc gia, vùng lãnh thổ và 4 hãng hàng không Việt Nam. Thị trường HKVN có sự tham gia của hầu hết các hãng hàng không lớn trong khu vực và trên thế giới như: Singapore Airlines, Thai Airways, Japan Airlines, Cathay Pacific, Korean Air, United Airlines, Air France, Emirates, Qatar Airways... Bên cạnh các hãng hàng không truyền thống, thị trường HKVN đã có sự tham gia của hàng loạt các hãng hàng không chi phí thấp như: AirAsia Berhad, Jetstar Asia, Tiger Airways, Thai AirAsia, Cebu Pacific, Lion Air, Indonesia AirAsia...

Trên mạng đường bay quốc tế có sự hoạt động của 60 hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng HKVN đang khai thác 140 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến kết nối các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam là Nội Bài, Vinh, Liên Khương, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Hải Phòng, Đồng Hới, đi tới 28 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, từ các khu vực tại châu Á gồm Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á, Trung Á, Trung Đông tới các quốc gia châu Âu, châu Phi, Bắc Mỹ và Úc.

Sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế năm 2016 đạt 23,7 triệu hành khách, vận chuyển hàng hóa đạt 700 nghìn tấn, tăng 2 lần so với năm 2011; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2016 về hành khách đạt 15%, về hàng hóa đạt 15,2%. Thị trường hành khách quốc tế 9 tháng đầu năm 2017 đạt 22,5 triệu hành khách, tăng 28,6%, thị trường hàng hóa đạt 664 nghìn tấn, tăng 39,2% so cùng kỳ năm 2016.

Thị phần hành khách, hàng hóa quốc tế của các hãng HKVN 9 tháng đầu năm 2017 đạt 43,7% về hành khách. Thị phần hành khách quốc tế của các hãng HKVN tăng từ 39,5% năm 2011 (chỉ có Vietnam Airlines khai thác) lên 43,7% vào thời điểm 9 tháng đầu năm 2017 (với sự có mặt của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air).

Các hãng hàng không thay vì tăng cường khai thác đường bay quốc tế chủ yếu tập trung vào 2 đầu là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội (trong đó tần suất bay ở TP. Hồ Chí Minh dày đặc hơn) đã mở rộng khai thác đến các cảng hàng không quốc tế khác như Cam Ranh, Đà Nẵng. Năm 2016, sản lượng hành khách quốc tế thông qua Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đạt 13 triệu hành khách, tăng 02 lần so với năm 2011, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2016 đạt 15,7%. Sản lượng hành khách quốc tế thông qua Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt 20,4 triệu khách, tăng 2,2 lần so với năm 2011, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2016 đạt 17%. Sản lượng hành khách quốc tế thông qua Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt 6,5 triệu hành khách, tăng 2,35 lần so với năm 2011, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2016 đạt 18,6%. Sản lượng hành khách quốc tế thông qua Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đạt 2,78 triệu hành khách, tăng 33,8% so với năm 2015.

Cơ hội lớn đang mở ra với thị trường vận tải hàng không Việt Nam. Sự phát triển cả về số và chất lượng của các hãng hàng không mang đến một diện mạo mới cho ngành GTVT nói riêng và hàng không nước nhà nói chung

Ý kiến của bạn

Bình luận