Vận tải mùa dịch và những quyết sách “hồi sinh”

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 24/12/2021 15:01

“Siêu bão” Covid-19 đã “tàn phá” và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành GTVT nói chung và được ví như là “bức tranh đen tối” đối với lĩnh vực vận tải. Với quyết tâm không để đứt gãy chuỗi kết nối hàng hóa, thí điểm khôi phục vận tải hành khách và những chính sách mới trong giai đoạn những tháng cuối năm 2021 của Bộ GTVT được xem là những “tia sáng” thắp lên hi vọng cho giai đoạn khôi phục và phát triển.

 

TauHangVN-ChauAu
Chuyến tàu vận từ Việt Nam đi châu Âu

Hàng không mở cửa toàn diện

Chính phủ đã quy định bỏ áp dụng Chỉ thị 15, 16 và 19 trên toàn quốc, chia theo 4 cấp độ dịch để thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn cụ thể. Do đó, tổ chức hoạt động vận tải hành khách đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là mục tiêu quan trọng trong chính sách điều hành của Chính phủ, nhất là đối với Bộ GTVT trong việc kết nối hàng không, đường bộ.

Theo ông Phạm Văn Hảo - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thời gian qua, hầu hết các máy bay nằm ở mặt đất, gây khó khăn cho kinh tế, kỹ thuật và an toàn hàng không. Sau khi thí điểm tổ chức vận tải hàng không (tháng 10/2021), hình ảnh hành khách lên, xuống trên một số chuyến bay thương mại trở lại cho thấy tín hiệu vui với ngành Hàng không trong điều kiện thích ứng an toàn, chủ động chống dịch. Nếu tình hình dịch bệnh tại các địa phương được kiểm soát tốt, các hãng hàng không tổ chức khai thác bình thường. Sau giai đoạn thí điểm, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bỏ yêu cầu giãn cách ghế trên máy bay. Đây cũng là đề xuất được các hãng hàng không liên tục gửi đến cơ quan quản lý trong thời gian qua, nhằm tạo điều kiện phục vụ hành khách hiệu quả hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, thực tế, dịch bệnh đã khiến hoạt động vận tải hàng không “đóng băng”. Việc kích hoạt thí điểm khai thác thương mại 21 đường bay nội địa từ ngày 10/10 khi các địa phương nới lỏng giãn cách có ý nghĩa lớn để phát động lại thị trường, thúc đẩy mở cửa nền kinh tế. Cảng luôn sẵn sàng đảm bảo các điều kiện bay khi điều kiện cho phép, trong đó chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho hành khách và các yêu cầu về phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, chương trình “hành lang xanh” về quy trình phòng, chống dịch luôn được cảng thực hiện nghiêm. Hy vọng những kiến nghị của Cục Hàng không Việt Nam được thông qua, tạo điều kiện cho ngành Hàng không phục hồi hiệu quả.

Hàng hóa đường sắt: Mở hướng mới, tăng thị phần

Năm 2021, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nhưng hoạt động vận tải hàng hóa ngành Đường sắt đã có nhiều dấu ấn, trong đó có việc tổ chức thành công đoàn tàu container đầu tiên từ Việt Nam sang Bỉ hồi tháng 7. Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn với ngành Đường sắt bởi đây là chuỗi vận tải liên vận quốc tế tiếp tục mở ra những tuyến vận tải đường sắt mới đi châu Âu ngoài các tuyến đã khai thác sang Đức, Ba Lan trước đây. Dự báo, năm 2022, giá cước vận tải biển sẽ tiếp tục tăng. Đây là cơ hội cho ngành Đường sắt gia tăng thị phần trong hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng cũng như năng lực vận chuyển còn hạn chế, vì vậy chúng ta cần có thêm thời gian.

Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco), Ratraco đang cố gắng tận dụng tối đa năng lực của hệ thống từ kho bãi đến sức kéo để gia tăng thị phần và phấn đấu tổ chức chạy tàu liên vận với tần suất hàng ngày. Hiện nay, Ratraco đang khai thác trung bình 3 chuyến/tuần và theo kế hoạch trong năm 2022 sẽ nâng tần suất lên 4 - 5 chuyến/tuần với nhiều điểm đến khác nhau tại châu Âu. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác tổ chức khai thác các nguồn hàng từ châu Âu về lại Việt Nam. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, để đường sắt có thể phát huy được thế mạnh trong hoạt động vận tải thì rất cần sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước đến hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt hiện đang rất lạc hậu, xuống cấp, chưa kết nối được với các loại hình phương tiện vận tải khác, đặc biệt là cảng biển. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có các chính sách đầu tư và đẩy mạnh việc kết nối đồng bộ với hệ thống kỹ thuật đường sắt quốc tế.

Đường bộ: tranh thủ cơ chế hỗ trợ phát triển

Chia sẻ những khó khăn, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên cho biết: “Chúng tôi vừa bước qua mội trận “siêu bão” và thật sự đang “ngấm đòn” với sự “tàn phá” của dịch bệnh với nền kinh tế, đặc biệt là kinh doanh vận tải du lịch, dịch vụ. Chúng tôi mong muốn các bộ, ngành chức năng tính toán thời gian giãn cách xã hội, miễn giảm phí bảo trì đường bộ, phí đăng kiểm, cầu đường và kéo dài thời gian lắp đặt camera trên phương tiện... Gần 6 tháng, hàng trăm đầu xe phải nằm im, trong khi đó các chi phí khấu hao xe, lãi ngân hàng, bảo đảm lương cho lái phụ xe, nhân viên văn phòng... doanh nghiệp đã phải đi vay để duy trì. Do đó, chúng tôi mong muốn Bộ GTVT, Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chúng tôi, sớm phục hồi.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vui mừng khi các bộ, ngành liên quan trong thời gian qua đã lắng nghe, hiểu được khó khăn của ngành vận tải ô tô trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nhưng vẫn phải đảm bảo vận tải hàng hóa và hành khách nhằm thực hiện “mục tiêu kép”. Ông Quyền mong muốn Chính phủ, Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan xem xét những kiến nghị mà Hiệp hội và các doanh nghiệp vận tải đề xuất, cái gì chưa giải quyết được vì lý do khách quan thì cần có sự trao đổi để tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện. Đồng thời, Bộ GTVT và Chính phủ xem xét mức giảm phí thu trên đầu phương tiện vận tải hành khách 30% như hiện nay là chưa phù hợp vì các xe khách cố định hiện hoạt động dưới 50% số ghế, trong khi khách chỉ có từ 3 - 5 người trên xe, doanh thu không bù được chi phí. Để duy trì tuyến, các doanh nghiệp phải gồng mình để đảm bảo hoạt động.

“Bên cạnh đó, Bộ GTVT cần có hướng dẫn cụ thể khi doanh nghiệp tự xét nghiệm vì theo quy định của Bộ Y tế, các doanh nghiệp có thể tự xét nghiệm và chịu trách nhiệm trước kết quả xét nghiệm này. Do đó, Bộ GTVT cần chỉ đạo Cục Y tế GTVT hướng dẫn cụ thể và phối hợp với sở y tế địa phương giám sát doanh nghiệp trong việc tổ chức xét nghiệm cho đội ngũ lái, phụ xe của mình”, ông Quyền đề xuất.

Ở góc độ doanh nghiệp công nghệ, ông Phan Bá Mạnh - CEO Công ty Cổ phần Công nghệ An Vui đề nghị Bộ GTVT có cơ chế hỗ trợ các đơn vị đã sớm thực hiện chuyển đổi số theo chủ trương của Bộ, Chính phủ bởi họ đang bị thiệt thòi khi đã chuyển đổi để minh bạch hóa từ việc ký hợp đồng điện tử, vé điện tử, hóa đơn điện tử, doanh thu minh bạch..., trong khi còn rất nhiều doanh nghiệp khác chưa thực hiện nhằm cản trở sự phát triển chung của xã hội và duy trì một sân chơi vốn đã không minh bạch. Bên cạnh đó, ông Mạnh mong muốn Bộ GTVT sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý trình các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ để tạo ra một sân chơi minh bạch, kể cả sửa đổi Nghị định 10/CP-2020 khi các quy định không đáp ứng được với tình hình thực tế như hiện nay.

Liên quan đến công tác bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực sau khi kết thúc giãn cách xã hội, phục hồi kinh tế. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, hoạt động vận tải trong bối cảnh “bình thường mới” cần linh hoạt hơn trước. Thứ trưởng yêu cầu Vụ Vận tải rà soát lại kế hoạch, ban hành chi tiết các yếu tố liên quan đến y tế, dịch tễ, phòng, chống dịch bệnh để có phương án tổ chức giao thông thuận tiện hơn cho nhân dân.

Ý kiến của bạn

Bình luận