Vận tải sụt giảm- Đường sắt cần những giải pháp vượt khó hiệu quả

Tác giả: Hiểu Lam

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 01/11/2019 11:09

Để đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2019, ngành Đường sắt sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và phương tiện nhằm thu hút hành khách quay lại với đường sắt.

khai-truong-tau-container-nhanh-40-gio

Đại diện ngành Đường sắt và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cắt băng khai trươngtàu container nhanh 40 giờ

Kết quả không như kỳ vọng

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) mới đây đã công bố báo cáo tài chính Công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2019, theo đó các chỉ tiêu sản lượng và doanh thu toàn VNR đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, sản lượng đạt hơn 3.959 tỷ đồng, doanh thu đạt 3.808 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Viết Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội, sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt đang sụt giảm mạnh. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019 chỉ xếp được hơn 1,9 triệu tấn, đạt 87%; dỡ hơn 1,8 triệu tấn, đạt 88% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, doanh thu xếp dỡ chỉ cũng chỉ đạt 92,9%.

Ông Đào Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn chia sẻ, con số của đơn vị này cũng chẳng khá hơn với chỉ hơn 438.000 tấn xếp, bằng 92,1% cùng kỳ; hơn 394.000 tấn dỡ, bằng 87,4%; doanh thu tàu hàng bằng 96,9%.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu đạt thấp là do đường sắt vẫn yếu thế trong cạnh tranh về vận tải hành khách với hàng không giá rẻ và ô tô. Về vận tải hàng hóa, VNR khó cạnh tranh với đường biển, ô tô, đường thủy về giá thành vận tải, logistics. 

Ông Đỗ Văn Hoan - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội cho biết, thời gian qua các bạn hàng lớn của Công ty làm ăn khó khăn. Ví dụ như các đơn vị của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, cụ thể là Công ty Cổ phần Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao với sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giảm mạnh kéo theo việc giảm vận chuyển cả đầu vào và sản phẩm đầu ra. Theo tính toán, vận chuyển hàng hóa cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 30% sản lượng vận tải hàng hóa đường sắt hàng năm.

Ngoài ra, việc xuất nông sản từ phía Nam đi thị trường Trung Quốc cũng giảm khá mạnh hay nông sản từ phía Bắc đi thị trường Trung Quốc giảm sâu, chẳng hạn bột sắn chỉ đạt 20% sản lượng so với cùng kỳ năm 2018.

Mặt khác, việc thiếu các toa xe tiêu chuẩn xếp hàng như toa xe chở container, toa xe G (toa xe mui kín) trong khi nhu cầu xếp hàng các loại toa xe này tăng cao khi vào thời vụ dẫn đến khách hàng chuyển sang đi bằng phương tiện khác như đường bộ, đường biển. Đây cũng là nguyên nhân khiến vận tải hàng hóa đường sắt sụt giảm.

Tập trung vào nhóm giải pháp chiến lược

duong sat

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhìn nhận, đường sắt lạc hậu là chuyện dễ hiểu vì đây là ngành có hệ thống hạ tầng trên 100 năm, chi phí nguồn vốn đầu tư chỉ khoảng 02% trong khi đường bộ là hơn 90%. Do đó, chủ trương của ngành Đường sắt trong các tháng cuối năm là tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và phương tiện. Bên cạnh đó, Chính phủ và Quốc hội cũng đã quan tâm đến ngành Đường sắt để từng bước nâng cao chất lượng hạ tầng tổng thể nhằm thu hút hành khách trở lại. Do vậy, sẽ có giai đoạn nhất định để VNR điều chỉnh phương án kinh doanh giúp thu hút khách quay trở lại tốt hơn.

“Hai năm vừa qua, Ngành đã tập trung vào đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, thay vì đóng tàu giường nằm 3 tầng giờ chuyển xuống 02 tầng, toa xe 60 - 80 chỗ giờ chỉ còn hơn 50 chỗ. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ ngày càng tăng lên, thay vì đoàn tàu trước có 600 chỗ thì hiện nay chỉ còn 400 chỗ. Điều này khiến số lượng hành khách giảm đi nhưng VNR bắt buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ để kéo hành khách trở lại”, người đứng đầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết. 

Song song với đó, VNR cũng đang nỗ lực để thay đổi cơ chế chính sách. Luật Đường sắt có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 nêu rõ: “Vận tải đường sắt là phương thức chủ đạo”. Chủ đạo không phải là một ngày, một tháng mà là cả quá trình với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội để đường sắt lấy lại đúng vai trò, vị thế trong 5 phương thức vận tải.

Để thực hiện được mục tiêu này, VNR đề nghị các đơn vị trong Ngành đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, nỗ lực phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra cho cả năm 2019, đặc biệt là tập trung vào khai thác tuyến tàu hàng chuyên tuyến và đoàn tàu container nhanh bù đắp vận tải hàng hóa và hành khách vào những tháng cuối năm. Qua đó, VNR kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng sản lượng và doanh thu 7% của năm 2019 so với năm ngoái.

Đồng thời, VNR đang chuẩn bị phương án báo cáo Chính phủ điều chỉnh lại cơ chế tiền lương cho công nhân tuần đường gác chắn để đảm bảo được tối thiểu sinh hoạt, nhu cầu hàng ngày của người lao động, nỗ lực để người lao động gắn bó với ngành Đường sắt.

Đối với các công ty trong Ngành, VNR cũng giao nhiệm vụ cố gắng bù đắp tiền lương từ các nguồn khác để giảm bớt khó khăn cho công nhân nhưng việc này cũng không thể nhanh chóng trong “một sớm chiều”

Ý kiến của bạn

Bình luận