Tuyến vận tải từ cảng Cát Lái về cảng Thạnh Phước |
Sau hơn 1 năm kể từ khi cầu đường sắt Bình Lợi được nâng cấp, hai địa phương là TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương đã được “hưởng lợi” rõ rệt, đặc biệt là trong vận tải thủy.
Ông Trần Thanh Liêm - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: "So với các tỉnh, thành trong khu vực thì Bình Dương không có lợi thế vì không có sân bay, cảng biển, còn cảng sông thì bị giới hạn chiều cao bởi độ tĩnh không của một số cầu lớn đã làm giới hạn tải trọng của tàu container không quá 2.000 tấn, làm ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ logistics. Trong đó, "điểm nghẽn" cầu Bình Lợi là một lực cản lớn cho ngành này".
Việc ngành GTVT đã nâng chiều cao tĩnh không của cầu Gềnh (Đồng Nai) lên 7 m và cầu Bình Lợi cũng được nâng cao tương tự là điều kiện thuận lợi để Bình Dương phát huy thế mạnh logistics. Hiện nay, Bình Dương đã quy hoạch 9 cảng sông và hiện có 4 cảng đang vận hành, đó là: cảng tổng hợp Bình Dương, cảng Thạnh Phước, cảng Bà Lụa và cảng An Sơn. Dịch vụ logistics tuy mới xuất hiện ở Bình Dương nhưng đã làm tốt vai trò gắn kết giữa nhà sản xuất với thị trường nhờ hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Theo đại diện Công ty CP Cảng Thạnh Phước, mới đây, đơn vị và Công ty CP Vận tải thủy Tân Cảng đã hợp tác triển khai thử nghiệm thành công 2 tuyến dịch vụ vận chuyển container nội địa bằng sà lan. Trong đó, sà lan Tân Cảng 19 thực hiện tuyến từ cảng Tân Cảng - Cát Lái đến cảng Thạnh Phước (Tân Uyên, Bình Dương) và giao đến kho của khách hàng TAGS D.D.P. Sà lan Phước Tạo 10 vận chuyển tuyến từ cảng Cái Mép (TCIT/CMIT) đến cảng Thạnh Phước và giao đến kho khách hàng Thép VAS Tuệ Minh.
Chiến dịch phát triển kết nối các cảng Cát Lái và cụm cảng Cái Mép thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn với cảng Thạnh Phước bằng đường thủy hướng đến mục tiêu thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các khu vực lân cận sử dụng dịch vụ vận chuyển sà lan để giảm áp lực giao thông đường bộ, giảm thiểu lượng khí thải CO2 ra môi trường theo chủ trương của Bộ GTVT và UBND tỉnh Bình Dương. Đây là giải pháp kết nối đã được cảng Thạnh Phước nghiên cứu bàn bạc từ năm 2017 song khi đó điều kiện thực tế triển khai gặp nhiều khó khăn.
Được biết, cầu đường sắt Bình Lợi mới thuộc “Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn”, đoạn từ cầu sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc (70 km), theo hình thức hợp đồng BOT. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó cầu đường sắt Bình Lợi mới có vốn đầu từ khoảng 470 tỷ đồng. Cầu có chiều dài 1,3 km, thiết kế theo quy mô cầu vĩnh cửu bằng vật liệu thép tương ứng khổ 1.435 mm.
Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, cầu được đặt ray khổ 1.000 mm. Cầu có quy mô 14 nhịp, trong đó nhịp thông thuyền dài 101 m, độ tĩnh không 7 m. Cầu đường sắt Bình Lợi mới đảm bảo cho tàu 1.000 tấn qua cầu an toàn, đồng thời cầu mới sẽ nâng cao việc kết nối giao thông đường thủy giữa tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.
Theo Ban QLDA 7 (Bộ GTVT), dự án được triển khai trong điều kiện tương đối phức tạp, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông tuyến đường sắt Bắc - Nam đang vận hành khai thác. Cầu mới khi đưa vào sử dụng giúp nâng cao ATGT đường sắt, đặc biệt là giao thông đường thủy khi qua cầu đường sắt Bình Lợi. Do độ tĩnh không đường thủy qua cầu cũ chỉ là 1,5 m cho tàu nhỏ đi qua, nên khu vực này thường xuyên ách tắc khi nước cao, xảy ra nhiều vụ tàu va chạm vào cầu. Trong khi đó, với tĩnh không là 7 m, cầu đường sắt Bình Lợi mới đảm bảo cho tàu 1.000 tấn qua cầu an toàn, đồng thời cầu mới sẽ nâng cao việc kết nối giao thông đường thủy giữa hai địa phương có vị trí quan trọng của khu vực là Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.