Hội nghị Sơ kết 2 năm triển khai tuyến vận tải ven biển |
Tăng trưởng hơn 250% về sản lượng
Sáng nay (12/12), Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 2 năm triển khai tuyến vận tải ven biển với 2 đầu cầu miền Bắc và miền Nam. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì Hội nghị và đánh giá, tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh – Quảng Bình – Bình Thuận – Kiên Giang đã đạt được những kết quả rất tích cực.
“Tuyến vận tải này đã khắc phục những hạn chế trong việc khai thác lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước ta. Nhờ đó thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển lĩnh vực ĐTNĐ vốn là hình thái giao thông thế mạnh của Việt Nam. Tuyến vận tải ven biển cũng góp phần từng bước giảm tải cho vận tải đường bộ, thực hiện tốt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải, thúc đẩy tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, tạo sự kết nối trong vận tải”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.
Riêng 10 tháng đầu năm 2016, đã có 14.226 lượt phương tiện pha sông biển (VR-SB) vào, rời cảng, bến với gần 15,3 triệu tấn hàng hóa thông qua; tăng 8.237 lượt (237,54%) và tăng gần 9,3 triệu tấn hàng hóa (254,98%) so với cùng kỳ năm 2015. Theo thống kê của Bộ GTVT, sau hơn 2 năm triển khai (từ tháng7/2014 đến nay), tuyến vận tải ven biển hiện có trên 900 đơn vị vận tải với hơn 1.000 phương tiện đang hoạt động; 22.401 lượt phương tiện mang cấp VR-SB vào và rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển với trên 23,7 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển.
Tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh – Kiên Giang đã liên tục tăng trưởng mạnh trong 2 năm hoạt động. |
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT cho biết, nhu cầu vận tải trên các tuyến hiện nay khá cao và đa dạng. Cụ thể: Tuyến từ Quảng Ninh, Hải Phòng đi Thanh Hóa, Hà Tĩnh gồm là vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, than... phục vụ Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn và các Dự án của khu vực; Chiều ngược lại từ Nghệ An, Hà Tĩnh đi Hải Dương chủ yếu là đá; Tuyến từ nhà máy Nghi Sơn đi các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế gồm các nguyên liệu, phụ gia cho các nhà máy xi măng, xăng dầu và hàng hóa tổng hợp; Tuyến từ TP.HCM đi Vũng Tàu, Kiên Giang và ngược lại gồm các mặt hàng tổng hợp như: gạo, phân bón, vật liệu xây dựng, gỗ, hàng tiêu dùng....
Về tình hình TTATGT trên tuyến, trong 2 năm, toàn tuyến xảy ra 10 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến phương tiện VR-SB trong quá trình hoạt động trên tuyến ven biển. Trong đó, 3 trường hợp tàu bị đắm, 5 trường hợp tàu mắc cạn, 2 trường hợp tàu gặp sự cố.
"Nguyên nhân tai nạn là do sự cố kỹ thuật hay ảnh hưởng xấu của thời tiết, ngoài ra, một số phương tiện hoạt động không đúng theo luồng tuyến được công bố. Các phương tiện gặp nạn đều được Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải, các cơ quan chức năng có liên quan và ngư dân cứu nạn kịp thời, đảm bảo an toàn về người. Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, tuyên truyền phổ biến các quy định đảm bảo an toàn khi phương tiện VR-SB hoạt động trên tuyến ven biển", ông Nguyễn Xuân Thủy cho hay.
Cần sớm khắc phục những vấn đề nổi cộm
Theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thủy, trên tuyến vận tải đang tồn tại một số khó khăn, bất cập liên quan đến công tác quản lý, kiểm tra, giám sát phương tiện chưa được nâng cao do các phương tiện VR-SB không phải trang bị thiết bị AIS (trừ tàu khách cao tốc, tàu tham gia vận chuyển bùn, đất).
Cùng với đó, công tác đào tạo và định biên thuyền viên cũng là những vấn đề nổi cộm của tuyến vận tải này. Tại Hội nghị, đại diện của nhiều doanh nghiệp hoạt động tuyến ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đề nghị cơ quan chức năng cho cơ chế riêng về định biên trên phương tiện để phù hợp với điều kiện hoạt động thực tế. Theo đó, quy định chung của tuyến vận tải ven biển là phải có 9 định biên chia làm 2 ca làm việc. Tuy nhiên, hành trình của khoảng 20 doanh nghiệp vận tải này lại chỉ từ 30 đến 45 phút. Việc bắt buộc phải có nhân sự phục vụ 2 ca trên phương tiện là không phù hợp và gây thất thoát rất lớn cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cả 2 miền Bắc, Nam đã trao đổi trực tiếp thẳng thắn với lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo Bộ đội Biên phòng về 3 nội dung thắc mắc chính liên quan đến định biên; đào tạo thuyền viên và bất cập trong chuyển đổi các điều kiện của thuyền trưởng, thuyền viên từ tàu biển sang tàu pha sông biển; đầu tư hệ thống phao tiêu báo hiệu.
Thể hiện sự quyết tâm khắc phục sớm những vướng mắc còn tồn tại, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã giao Vụ Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp liên quan để nghiên cứu và tìm ra giải pháp kịp thời khắc phục những tồn tại với nguyên tắc, tạo sự thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc về an toàn và pháp luật.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết 2 năm triển khai tuyến vận tải ven biển |
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam là 2 đơn vị chủ trì theo từng lĩnh vực chuyên môn, đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp, rà soát những quy định chưa phù hợp, tạo ra những bất cập trong thực tiễn giữa hàng hải và đường thủy để khẩn trương hợp nhất, thống nhất trong các quy định pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho vận tải bằng tàu VR-SB.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ GTVT tích cực phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan... để thống nhất quy trình thực hiện các thủ tục nhằm giải quyết thủ tục thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Trong 2 năm triển khai tuyến vận tải ven biển, Bộ GTVT thường xuyên tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp vận tải thủy, vận tải biển, cảng thủy nội địa, cảng biển trên cả nước đề rà soát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khai thác hiệu quả chất lượng vận tải thủy nội địa, vận tải biển.
Tất cả các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp đều được Bộ GTVT trả lời trực tiếp tại Hội nghị và tổng hợp, đăng tải tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ để các doanh nghiệp có thể tra cứu, cập nhật thông tin một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.