Nhiều khách hàng muốn vay tiền mua xe trước Tết (ảnh minh họa) |
Mơ ước của nhiều người về việc sở hữu một “con xe” hay "lên đời xế hộp" trở thành hiện thực nhanh hơn bao giờ hết, song, cùng với đó họ phải “ôm” thêm cả nỗi lo vào người.
Dễ như... vay tiền mua xe
Các gói cho vay ô tô hiện nay khá hấp dẫn và dễ dàng. Khách hàng có nhu cầu sẽ được vay với thời hạn tối đa 60 tháng, hạn mức vay lên đến 100% giá trị xe nếu có thêm tài sản bảo đảm khác hoặc 80% khi dùng chính chiếc xe đã mua làm tài sản đảm bảo.
Thủ tục cho vay mua ô tô cũng "siêu tốc", chỉ trong vòng 4 giờ kể từ khi khách hàng cung cấp đủ hồ sơ và tiến hành giải ngân trong vòng 2 giờ, sau khi khách hàng có giấy hẹn lấy đăng ký xe.
Lãi suất cho vay có nhiều lựa chọn. Mặt bằng chung hiện phổ biến ở mức 7,5%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 8,5%/năm trong 12 tháng đầu. Có ngân hàng cho miễn phí trả nợ trước hạn từ năm thứ 4 của khoản vay, nhưng cũng có ngân hàng chấp nhận cho trả nợ sớm ngay 6 tháng sau khi vay, tất nhiên là sẽ chịu lãi suất cao hơn,...
Nói chung, các ngân hàng đang "đánh" trúng tâm lý của nhiều người tiêu dùng là muốn có ô tô để chơi Tết nhưng chưa đủ tiền. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, chỉ mấy tháng qua khi tung ra gói cho vay mua ô tô chơi Tết, đã giải ngân tới gần 1.000 tỷ đồng, giúp hàng nghìn khách hàng sở hữu xe ô tô trước Tết nguyên đán Đinh dậu (2017).
Nhiều khách hàng có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng đang có nhu cầu cao về vay tiền ngân hàng để mua xe. Thậm chí, những người có thu nhập thấp hơn cũng muốn vay để mua xe, nhân viên tư vấn của một ngân hàng cho biết.
Còn các đại lý ô tô cũng vui mừng ra mặt. Giám đốc một đại lý ô tô ở Hà Nội cho hay hiện cứ 10 người đến mua xe thì có tới 5 người muốn vay vốn ngân hàng. Nhờ vay vốn ngân hàng dễ dàng, nhiều khách hàng sớm có ô tô chạy và doanh số bán xe cũng tăng lên.
"Lên đời xế hộp" liệu có vui?
Tuy nhiên, sau niềm vui "lên đời xế hộp", nhiều người cũng chưa hình dung hết mọi khoản chi trả để sở hữu xe và điều này có thể gây ra khó khăn trong cuộc sống.
Các tính toán cho thấy, thu nhập của một gia đình trẻ với 20 triệu đồng/tháng và có một con nhỏ, thì vay tiền mua ô tô khá mạo hiểm. Bởi chi phí cho chiếc xe hàng tháng sẽ chiếm một khoản lớn, có thể không đủ tiền cho sinh hoạt hàng ngày.
Cụ thể, chỉ với khoản vay 500 triệu đồng và lãi suất ưu đãi 8,5%/năm trong năm đầu thì người vay sẽ phải chi trả khoảng 10 triệu đồng/tháng cả tiền gốc và lãi. Sang năm sau, lãi suất không còn ưu đãi nữa mà theo thị trường. Khi đó các ngân hàng thường tính dựa trên lãi suất cơ sở (là lãi suất bình quân vốn đầu vào), rồi cộng thêm biên độ. Biên độ của các ngân hàng hiện dao động ở mức 3,8-4,3%. Như vậy lãi vay mua ô tô sẽ tăng lên mức từ 10,5%/năm trở lên.
Ngoài ra, khi mua xe còn phải thêm chi phí khác như lệ phí trước bạ, từ 10-12% tùy từng địa phương và phí cấp biển số, nếu ở Hà Nội và TP.HCM là 20 triệu đồng, cùng một loạt các khoản chi khác như phí đường bộ, phí bảo hiểm xe theo yêu cầu của ngân hàng cho vay,...
Đấy là chưa kể phải lắp thêm một số phụ kiện cho xe như thảm trải sàn, phim dán kính, màn hình, camera,... cũng tốn thêm cả trăm triệu đồng nữa, nếu không có, sẽ phải tiếp tục đi vay mượn. Hàng tháng, chi phí để nuôi xe cũng tốn khoảng 3-5 triệu đồng gồm xăng dầu, phí cầu phà, gửi xe,...
Như vậy, tổng chi phí cho chiếc xe mỗi tháng cũng trên 10 triệu đồng, điều này sẽ khiến túi tiền trở nên eo hẹp, không còn nhiều để dành cho những khoản chi tiêu thường xuyên khác trong cuộc sống gia đình hàng ngày.
Không những vậy, khách hàng cũng phải đối mặt với khá nhiều rủi ro khi vay tiền ngân hàng mua ô tô. Nếu không cân đối tài chính và tính toán kỹ, người vay dễ bị áp lực bởi khoản nợ. Đây là khoản vay có thời hạn dài, nếu không đảm bảo thanh toán đúng hạn cho ngân hàng, rắc rối sẽ xảy ra. Ngoài ra, tăng lãi suất cũng là khả năng có thể xảy ra. Khi tỷ giá, hay nhu cầu tín dụng tăng,... thì các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất. Khoản vay của khách hàng đương nhiên sẽ bị điều chỉnh theo.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico, khuyến cáo, cần phải xác định vay ngân hàng mua ô tô là khoản vay có thời hạn dài, vì vậy thu nhập cần ổn định và bền vững hãy nghĩ tới. Nếu không đủ khả năng trả nợ, để khoản vay rơi vào nợ xấu, lãi mẹ sẽ đẻ lãi con, đến lúc đó ô tô bị ngân hàng tịch thu và khoản vốn cộng lãi đã trả trước đó cũng không còn.
Trừ trường hợp mua xe làm công cụ sản xuất, kinh doanh như chạy taxi, hợp đồng,... thì hãy nên mua, vừa có xe để thỉnh thoảng đi lại, vừa làm ra tiền để trả lãi vay và các khoản liên quan đến nó.
Nếu mua ô tô chỉ để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình thì phải tính toán thật kỹ chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi xe, chi phí trả nợ,... nếu đảm bảo được các yếu tố đó thì hãy nghĩ đến việc vay tiền ngân hàng mua xe.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.