Vì đâu suốt 25 năm Việt Nam không để xảy ra tai nạn hàng không thương mại?

Tác giả: L.Chi

saosaosaosaosao
Xã hội 21/09/2023 11:27

Tính riêng giai đoạn 2009 - 2019, tăng trưởng hành khách đạt trên 17%, hàng hóa gần 14% nhưng công tác đảm bảo an toàn hàng không của Việt Nam vẫn đạt được một số thành tích đáng ghi nhận như duy trì hơn 25 năm liên tục không để xảy ra tai nạn hàng không thương mại.

Tiếp tục đặt công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng không trong tổng thể hệ thống an ninh quốc gia

Vì đâu suốt 25 năm Việt Nam không để xảy ra tai nạn hàng không thương mại? - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị toàn cầu về an toàn và khai thác hàng không năm 2023 sáng 19/9 - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phát biểu tại Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023 do Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) tổ chức tại Hà Nội ngày 19/9 (dự kiến kéo dài đến 21/9), Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng tầm quan trọng và dành sự quan tâm cao đối với sự phát triển an toàn và bền vững của ngành hàng không, nhằm phục vụ các mục tiêu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy giao thương và giao lưu nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tăng cường kết nối Việt Nam với thế giới.

Đồng thời luôn tạo điều kiện tốt nhất để các hãng hàng không của Việt Nam phát triển lành mạnh, an toàn, thân thiện, góp phần làm tốt vai trò "sứ giả" văn hóa, con người và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo IATA, tỷ lệ tai nạn hàng không trong năm 2022 chỉ ở mức 1,21 vụ việc trên mỗi 1 triệu chặng bay, giảm 48% so 10 năm trước đó là năm 2013. Các hãng hàng không thành viên IATA thậm chí còn đạt kết quả tích cực hơn, trung bình ở mức 0,76 trong 5 năm từ 2018-2022.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, trong hơn 15 năm trở lại đây, tăng trưởng hàng không luôn gắn chặt với tốc độ phát triển GDP của Việt Nam. Tức là GDP tăng 1%, hàng không sẽ tăng 1,5-2%. Từ năm 2009 tới năm 2019, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc: Tăng trưởng về hành khách đạt trên 17%, về hàng hóa đạt gần 14%.

"Sản lượng vận chuyển tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hóa. Đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhưng hàng không Việt Nam luôn đảm bảo được an toàn hàng không. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT, các hãng hàng không của Việt Nam cũng như sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác đảm bảo an toàn hàng không để Việt Nam đạt được một số thành tích đáng ghi nhận như duy trì hơn 25 năm liên tục không để xảy ra tai nạn hàng không trong vận tải hàng không thương mại", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, với cam kết mạnh mẽ về không ngừng củng cố an ninh, an toàn hàng không, Việt Nam tiếp tục đặt công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng không trong tổng thể hệ thống an ninh quốc gia; Xây dựng an toàn, an ninh hàng không trên nền tảng của nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, gắn chặt với việc thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Việt Nam sẽ nỗ lực không ngừng để xây dựng hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh hàng không vững mạnh, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.

An toàn để hàng không phát triển bền vững

Vì đâu suốt 25 năm Việt Nam không để xảy ra tai nạn hàng không thương mại? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TB

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định: An toàn và khai thác là những nền tảng cốt yếu để ngành hàng không có thể phát triển bền vững. Trong tất cả các hoạt động của ngành hàng không, vấn đề an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu và là giá trị cốt lõi.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, để được những kết quả tích cực trong lĩnh vực an toàn và khai thác, trong đó nổi bật là 25 năm duy trì liên tục không xảy ra tai nạn hàng không thương mại trong bối cảnh ngành hàng không liên tục tăng trưởng hai con số trong nhiều năm; đạt Chứng nhận của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) và đạt chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không FAA CAT 1. Các hãng hàng không Việt Nam đều được Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế đánh giá cấp Chứng nhận an toàn khai thác..., Chính phủ và các bộ, ngành, doanh nghiệp đã cũng nỗ lực triển khai toàn diện nhiều giải pháp trong nhiều năm.

Trong đó, về hệ thống pháp lý, trên cơ sở quy định và hướng dẫn của ICAO, Việt Nam đã xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, toàn diện về an toàn hàng không. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam từ năm 2006 cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện để đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

Đặc biệt, từ năm 2013, Bộ GTVT đã triển khai Chương trình an toàn quốc gia lĩnh vực hàng không dân dụng, thể hiện cam kết mạnh mẽ và rõ ràng của Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn hàng không trên nguyên tắc tuân thủ chặt chẽ các quy định của quốc tế.

Hiện nay, Bộ GTVT đang rà soát, đánh giá việc thực hiện luật này để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế. Về quy trình tổ chức giám sát an toàn bay, ngành hàng không Việt Nam đã từng bước thiết lập và triển khai hệ thống quản lý an toàn mới để nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của nhà chức trách hàng không, cũng như khả năng đảm bảo an toàn hàng không của các đơn vị trong ngành.

Cùng với những nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý, quy trình, tiêu chuẩn và hệ thống quản lý an toàn, Việt Nam đã và đang đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp nâng cao năng lực khai thác hàng không. Chính phủ Việt Nam đã thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài ra, Việt Nam cũng được chú trọng ứng dụng các công nghệ mới như quản trị cơ sở dữ liệu nhận dạng, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Các hệ thống thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát được đầu tư mới với công nghệ tiên tiến, hiện đại, qua đó, đảm bảo tầm phủ thông tin liên lạc và giám sát trên toàn bộ vùng trời lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam được giao quản lý.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam dành ưu tiên cho công tác huấn luyện, đào tạo nhân viên thực hiện chức năng giám sát an toàn hàng không; Đối thoại, trao đổi và phổ biến các thông tin an toàn hàng không cả trong nội bộ và với các đối tác bên ngoài. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để thúc đẩy an toàn hàng không.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) là hiệp hội thương mại của các hãng hàng không trên thế giới, đại diện cho hơn 400 hãng hàng không chiếm 83% lưu lượng hàng không toàn cầu. IATA hỗ trợ nhiều lĩnh vực hoạt động hàng không và giúp xây dựng chính sách của ngành về các vấn đề hàng không quan trọng.

Tại Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023 đang diễn ra ở Hà Nội, Vietnam Airlines đã cùng IATA ký kết Hiến chương về Văn hóa An toàn; Đồng thời, xây dựng nội dung đối thoại với lãnh đạo hãng hàng không, nhà chức trách hàng không cũng như lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước; Bàn luận xung quanh chủ đề xây dựng văn hoá an toàn hàng không...


Ý kiến của bạn

Bình luận