Vì sao buýt sông ì ạch?

Ý kiến phản biện 10/02/2020 11:47

Thiếu đồng bộ dịch vụ đi kèm và giao thông đường bộ kết nối khiến giao thông vận tải đường thủy nội địa tại TP.HCM chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng đang có.

 

logo-buyt-song-10-2-6read-only-1581297668705140145
Hành khách trên một chuyến buýt sông - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Được đưa vào khai thác hơn 2 năm nhưng nhiều chuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) chưa đến 10 hành khách, chủ yếu là khách du lịch đi trải nghiệm.

Buýt sông vẫn còn vắng khách

Một ngày giữa tuần, chúng tôi lên tuyến buýt sông tại bến Bạch Đằng (Q.1) đi Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) với giá vé 15.000 đồng. Tàu rời bến khi trên tàu có chưa đến 10 hành khách.

Chị Mai Thị Xuân Trang (quê Khánh Hòa) cùng bạn đến TP.HCM du lịch, nghe có tuyến buýt trải nghiệm ngắm cảnh sông Sài Gòn nên đến bến Bạch Đằng mua vé đi thử.

"Tôi nghĩ nhiều khách khi đến Sài Gòn muốn trải nghiệm đi buýt sông ngắm Sài Gòn. Tuy nhiên, đáng tiếc dịch vụ trên tàu và các bến dừng chân vẫn chưa có gì đặc biệt nên khách khó quay lại", chị Trang cho biết.

Tình trạng tàu rời bến khi chưa đủ 10 hành khách xảy ra thường xuyên cả năm nay ở những ngày trong tuần. Các chuyến tàu đầu và cuối ngày xuất phát từ bến Linh Đông (Q.Thủ Đức) và bến Bạch Đằng (Q.1) lượng khách đông hơn do có thêm người dân đi lại.

Anh Phạm Văn Lâm (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức) cho biết anh làm việc tại văn phòng trên đường Hai Bà Trưng (Q.1), cứ sáng sớm anh chạy xe máy ra bến Linh Đông gửi xe rồi mua vé buýt sông đi làm. 

"Đi buýt sông đỡ kẹt xe, thời gian di chuyển rất đúng giờ mà sáng sớm không khí rất thoải mái. Có nhiều người đi làm thường xuyên bằng phương tiện này", anh Lâm chia sẻ.

Cũng theo anh Lâm, buýt sông hiện vẫn còn nhiều hạn chế khiến người dân chưa ủng hộ nhiều. Buổi sáng sớm chỉ có 1 chuyến buýt rời bến Linh Đông lúc 7h, ba giờ sau mới có chuyến thứ 2 nên rất bất tiện. 

Bến thì cách xa khu dân cư, hiện chưa có tuyến xe buýt kết nối đến các trạm dừng, thiếu bãi gửi xe cho khách khiến người dân cũng chưa "mặn mà". 

Những chuyến đầu ngày và cuối ngày đông khách nhất cũng không lấp đủ 50% ghế, những chuyến khác chỉ có khoảng 10 khách/chuyến.

Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu đưa vào khai thác giữa năm 2020

Ngoài khai thác tuyến thủy nội địa trên địa bàn TP, trong năm 2020, Sở GTVT đề xuất khai thác tuyến phà biển vận tải hành khách, hàng hóa từ Cần Giờ đi Vũng Tàu và ngược lại. Tuyến tàu cao tốc Sài Gòn đi Côn Đảo cũng được đầu tư, đưa vào khai thác.

Chưa kể, nhiều tuyến đường thủy khác như Bạch Đằng - sông Vàm Thuật (cầu An Lộc, Q.12), Bạch Đằng nối khu ĐH Tôn Đức Thắng, khu Trung Sơn và trung tâm TP.HCM đi Bình Dương cũng được nghiên cứu triển khai trong giai đoạn tới.

Tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu có cự ly khoảng 15km (1 chiều), thời gian hành trình khoảng 30 phút, phương tiện có sức chở hơn 250 hành khách, 100 xe máy và 15 ôtô, tần suất khai thác dự kiến là 24 lượt/ngày.

Sau khi tuyến phà biển đầu tiên được triển khai, người dân từ các tỉnh Long An, Tiền Giang đi Vũng Tàu có thể đi tắt qua H.Cần Giờ với tổng thời gian khoảng 2 giờ 30 phút.

Người dân và du khách Vũng Tàu có cơ hội tham quan Cần Giờ thuận tiện hơn. Dự kiến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu sẽ đưa vào khai thác giữa năm 2020.

Nhiều giải pháp để tăng lượng khách

Ông Nguyễn Kim Toản - giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (nhà đầu tư tuyến buýt sông), cho biết tính đến năm 2019, sản lượng vận tải tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) đạt 291.000 lượt hành khách/năm. 

Trung bình mỗi ngày có khoảng 880 lượt hành khách, mỗi ngày có 22 lượt chạy tàu, mỗi lượt chạy tàu bình quân có 40 khách. 

Riêng ngày cuối tuần, hành khách đạt khoảng 95% công suất khai thác. Như vậy, lượng khách này có tăng so với các năm trước đó, tuy nhiên tăng không đáng kể.

Theo đại diện của Sở GTVT TP.HCM, sở sẽ thực hiện nhiều biện pháp để tạo điều kiện cho khách tiếp cận tuyến buýt sông số 1. 

Cụ thể trong năm 2020, sở sẽ kết hợp điều chỉnh lộ trình của một số tuyến xe buýt đường bộ để kết nối, trung chuyển khách đến các bến buýt đường sông, xây bãi giữ xe cho khách.

Bên cạnh đó, sở cũng phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường, UBND các địa phương liên quan để hoàn thành thủ tục giao thuê đất đầu tư xây dựng các bến trên tuyến buýt đường sông; tăng thêm các dịch vụ hỗ trợ hành khách trên bờ; triển khai nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào khai thác bến trung tâm. 

Nếu các công trình này được thực hiện nhanh sẽ tạo sự đồng bộ để người dân dễ dàng tiếp cận loại hình phương tiện thủy này.

Ông Nguyễn Kim Toản cho biết ngoài tuyến buýt sông số 1, đơn vị cũng đang cố gắng tiến hành triển khai sớm tuyến buýt sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) với chiều dài hơn 10km khi dự án xây dựng đập ngăn triều hoàn thành. Dự kiến cuối năm 2020, tuyến buýt số 2 mới đưa vào khai thác.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết quá trình xây dựng tuyến buýt sông số 2 hiện vướng 2 dự án hạ tầng khác đang thi công. Khả năng trong năm 2020 các công trình đang thi công hoàn thành, khi đó việc triển khai tuyến buýt sông số 2 không bị vướng nữa.

Ý kiến của bạn

Bình luận