Khối cảng biển là trụ cột quan trọng của VIMC
Góp ý về Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Hàng hải VN – CTCP (VIMC) giai đoạn 2021 – 2025, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, với lĩnh vực khai thác cảng, VIMC đang quản lý, khai thác hệ thống cảng đa dạng về vị trí địa lý, hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị ... đáp ứng môi trường kinh doanh đầy biến động, thỏa mãn nhu cầu nhiều phân khúc thị trường, nhiều loại hàng hóa.
Vai trò trọng yếu của hệ thống cảng biển trong chiến lược sản xuất kinh doanh (SXKD) đã được xác định, cụ thể: nắm giữ vai trò trụ cột, là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của chuỗi dịch vụ logistics trong hệ sinh thái của VIMC.
Hiện tại, khối cảng biển là trụ cột quan trọng mang lại hiệu quả SXKD cao trong các lĩnh vực hoạt động của VIMC. Năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 2.588 tỷ đồng, chiếm 71% lợi nhuận hợp nhất toàn Tổng công ty; lợi nhuận tập trung tại một số cảng then chốt, cụ thể: Cảng Sài Gòn, Cảng Quy Nhơn, Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng. Các cảng biển đang khai thác, vận hành có vị trí địa lý quan trọng, yếu tố trọng yếu bảo đảm quốc phòng - An ninh quốc gia.
Mặt khác, duy trì tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ của Công ty mẹ - VIMC tại các doanh nghiệp thành viên tối thiểu là 65% vốn điều lệ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với Doanh nghiệp nhà nước, chủ động trong thực hiện chiến lược, kế hoạch SXKD và một số nhiệm vụ liên quan đến Quốc phòng - An ninh quốc gia (khi cần thiết).
Vì vậy, theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Đề án cần rà soát, điều chỉnh tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ của Công ty mẹ - VIMC tại một số DNTV khai thác cảng.
Giảm tỷ lệ vốn góp xuống 65% là phù hợp
Đối với Công ty CP Cảng Hải Phòng, theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đề xuất tại Đề án (hiện tại, tỷ lệ cổ phần nhà nước của VIMC tại cảng Hải Phòng là 92,56%, đề xuất tại Đề án là 65%) phù hợp với định hướng, chiến lược sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021 – 2025 của VIMC và phương hướng cổ phần hóa Công ty mẹ - VIMC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 751/QĐ-TTg ngày 20/6/2018.
Lý do được Ủy ban Quản lý vốn đưa ra là: Việc di dời khu bến cảng Hoàng Diệu (thuộc sở hữu của doanh nghiệp TNHH MTV do Công ty CP Cảng Hải Phòng nắm giữ 100% vốn điều lệ) theo quyết định của UBND TP.Hải Phòng làm ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty CP Cảng Hải Phòng.
Để khắc phục khó khăn, bù đắp sụt giảm năng lực khai thác và ổn định đời sống của cán bộ công nhân viên, bên cạnh việc tập trung nguồn lực của doanh nghiệp để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Bến số 3, 4 thuộc Khu bến cảng Lạch Huyện, Cảng Hải Phòng đang đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương lập Dự án đầu tư xây dựng Bến số 7, 8 thuộc Khu bến cảng Lạch Huyện tại Đề án Di dời cảng Hoàng Diệu, đảm bảo năng lực phát triển trong tương lai.
Trong khi đó, Dự án xây dựng Bến số 3, 4 thuộc Khu bến cảng Lạch Huyện được khởi công tháng 7/2022, tổng mức đầu tư là 6.946 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ phần trăm vốn vay/vốn tự có là 55/45. Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án theo phương án đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền, Công ty CP Cảng Hải Phòng dự kiến sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ.
Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của VIMC còn hạn chế, việc tăng vốn điều lệ của Công ty CP Cảng Hải Phòng, trong đó VIMC giảm tỷ lệ nắm giữ vốn tại Công ty CP Cảng Hải Phòng tạo điều kiện cho Công ty CP Cảng Hải Phòng huy động vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bến số 3, 4 thuộc Khu bến cảng Lạch Huyện và dự án đầu tư xây dựng Bến số 7, 8 trong tương lai.
Từ những lý do trên, việc giảm tỷ lệ vốn góp của Công ty mẹ - VIMC tại Công ty CP Cảng Hải Phòng từ 92,6% xuống 65% là phù hợp, góp phần tạo nguồn lực để Công ty CP Cảng Hải Phòng thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển và phù hợp với Dự thảo Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của VIMC trong giai đoạn 2021 – 2025; đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 2/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về "Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025".
Đề xuất điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ cổ phần nhà nước hiện tại của VIMC tại một số cảng
-Công ty CP Cảng Cam Ranh: Tỷ lệ nắm giữ cổ phần nhà nước hiện tại của VIMC 80,90%, đề xuất tại Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Hàng hải VN là 51%
-Công ty CP Cảng Quy Nhơn: Hiện tại là 75%, đề xuất tại Đề án là 51%
-Công ty CP Cảng Đà Nẵng: Hiện tại là 75%, đề xuất tại Đề án 51%
Với 3 doanh nghiệp cảng biển này, quan điểm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là tỷ lệ nắm giữ cổ phần nhà nước của VIMC nên ở mức 65%.
-Công ty CP Đầu tư Cảng Cái Lân: Hiện tại là 56,58%, đề xuất tại Đề án là 51%, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nêu ý kiến là giữ nguyên 56,58%.
-Công ty TNHH Vận tải Hàng công nghệ cao (Transvina): Hiện tại là 56%, đề xuất tại Đề án là 0%, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đồng thuận với đề xuất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.