Vì sao Chính phủ không nên miễn phí hoàn toàn cho giao thông công cộng?

Tác giả: Cafebiz

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 24/03/2017 04:55

Sự hấp dẫn của từ "miễn phí", đáng buồn thay, lại chỉ thu hút những đám đông không phải mục tiêu.

 

photo-1-1490149459018-195-0-957-1430-crop-14901497
 

Ở Stockholm, có một nhóm khoảng 500 người tập hợp nhau lại và có kế hoạch trốn vé tàu điện ngầm. Nhóm này tự gọi mình là Planka.nu và họ kết hợp lại để giúp nhau trốn vé vì nếu bị bắt khi đi tàu không vé sẽ bị phạt đến 120 USD.

Gần như tất cả các nước đều đang trợ cấp cho giao thông công cộng. Chẳng hạn ở Mỹ, chính phủ trợ cấp từ 57-89% chi phí vận hành xe bus và 29-89% chi phí cho tàu điện. Vì thế hệ thống giao thông công cộng nhìn chung khá rẻ. Nếu một nước hoàn toàn có khả năng giúp công dân của mình tiếp cận dễ hơn với các loại phương tiện công cộng nhằm giảm ách tắc và khí thải nhà kính, tại sao nó không miễn phí cho họ?

Thực ra thử nghiệm miễn phí phương tiện giao thông công cộng đã diễn ra ở Rome vào đầu thập niên 1970. Ban đầu, rất nhiều hành khách băn khoăn: "Chắc hẳn phải có điều gì đó khuất tất". Sau đó họ dần trở nên cáu kỉnh. Một người còn dự đoán là "lũ trẻ con và những kẻ vô công rồi nghề sẽ ngồi đầy các xe bus cả ngày vì chả tốn tí tiền nào cả".

Người dân Rome cũng không rời chiếc xe hơi của họ - các xe bus chỉ đầy một nửa ngay cả trong giờ cao điểm. Sáu tháng sau thử nghiệm thất bại và đắt đỏ này, Rome thiết lập lại hệ thống bán vé phương tiện công cộng như cũ.

Tại Mỹ cũng diễn ra 3 thử nghiệm tương tự ở Denver (Colorado) và Trenton (New Jersey) vào cuối những năm 70, và ở Austin (Texas) vào năm 1990. Cả 3 đều không hiệu quả và khiến các nhà làm luật ở Mỹ nghi ngờ khả năng miễn phí các phương tiện công cộng. Mục đích của các thử nghiệm này là kéo người dân ra khỏi xe hơi cá nhân để đi tàu điện ngầm hoặc xe bus.

Mặc dù lượng người đi các phương tiện công cộng có tăng lên, nhưng đa phần họ là những người đang đi bộ hoặc đạp xe. Vì lý do đó, thử nghiệm này đã thất bại.

Một báo cáo vào năm 2002 của Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Quốc gia cho thấy phương tiện giao thông miễn phí sẽ thu hút rất nhiều người trẻ, những người luôn gắn với tư tưởng phá phách, graffiti và các hành vi xấu – và vì thế làm tăng chi phí bảo dưỡng.

Sự hấp dẫn của từ "miễn phí", đáng buồn thay, lại chỉ thu hút những đám đông không phải mục tiêu. Trong khi đó, cộng đồng mục tiêu (những người giàu hơn và có xe riêng), lại không mấy bị tác động bởi sự thay đổi về giá cả.

Một báo cáo khác được thực hiện 10 năm sau đó, xem xét tổng quan gần 40 thành phố và thị trấn ở Mỹ có hệ thống giao thông công cộng miễn phí. Hầu như số lượng hành khách ở mọi địa điểm đều tăng lên nhưng nó chỉ xuất hiện ở những cộng đồng có nhu cầu đi lại khác biệt so với các thành phố lớn:

Gần như tất cả các khu vực trong nghiên cứu đều là thành phố nhỏ, các khu nghỉ dưỡng và các thị trấn có trường đại học. Nói cách khác, miễn phí phương tiện giao thông công cộng chắc chắn sẽ không phát huy tác dụng ở các thành phố lớn.

Việc làm có ý nghĩa hơn miễn phí giao thông công cộng trên diện rộng chính là triển khai hình thức này như một công cụ chuyên dụng. Chẳng hạn vào mùa hè năm 2013, các quan chức ở Singapore nhận thấy hệ thống tàu điện ngầm bị quá tải vào giờ cao điểm (8:15 đến 9:15 vào buổi sáng). Họ liền miễn phí các phương tiện công cộng cho bất kỳ ai ra khỏi tàu điện ngầm ở khu trung tâm trước 7:45.

Quyết định này đã tạo ra một sự thay đổi lớn. Trước khi có quy định này, những người đi tàu vào giờ cao điểm đông gấp 3 lần số người đi vào các giờ khác; Sau khi quy định này được đưa ra, tỉ lệ này đã giảm xuống còn gấp gần 2 lần.

Ngoài ra, giúp mọi người ít băn khoăn hơn về ý tưởng miễn phí các phương tiện giao thông công cộng có thể đơn giản chỉ là cho họ biết về chi phí vận hành hệ thống này. Giao thông công cộng cực kỳ đắt đỏ, nhưng lại được nhà nước trợ cấp rất nhiều. Một nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí Transportation Research cho thấy để người dân biết hệ thống giao thông công cộng đắt đỏ như thế nào sẽ khiến họ sẵn sàng bỏ thêm tiền ra để mua vé.

Có lẽ chi phí giao thông công cộng không nên được xem xét dưới góc độ nhằm giảm ách tắc và khí thải. Đó là một vấn đề đáng quan tâm nhưng rõ ràng những người đi lậu vé ở Thụy Điển nêu trên cũng có cái lý của họ. Có lẽ giao thông công cộng miễn phí nên được coi là một quyền cơ bản; những công dân nghèo cũng có quyền được đi lại một cách tiện lợi như những người giàu có.

Nếu cuộc tranh luận này chuyển từ tư duy thực dụng sang chủ nghĩa quân bình thuần túy, thì hy vọng về một hệ thống giao thông công cộng miễn phí mới có thể trở thành hiện thực. Nếu không, sẽ luôn có những người như Planka.nu.

Ý kiến của bạn

Bình luận