Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Getty Images |
Chỉ 9 ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tạm ngưng cuộc chiến thương mại, phía Mỹ và Trung Quốc đang trở lại thế đối đầu khi Tổng thống Donald Trump quay trở lại quan điểm đánh thêm thuế với hàng Trung Quốc. Điều này làm những nỗ lực hướng đến thỏa thuận thương mại giữa hai nước chững lại.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross sẽ đến Trung Quốc trong 3 ngày kể từ thứ Bảy tuần này để tham vào vòng đàm phán thương mại thứ 3 giữa hai nước, tuy nhiên với những gì đang diễn ra ở hiện tại, việc có một giải pháp nhanh cho những căng thẳng thương mại khó xảy ra.
Trong tuyên bố thông báo về chính sách đánh thuế mới được đưa ra vào ngày thứ Ba, Nhà Trắng nhấn mạnh: “Đã nhiều năm nay, Trung Quốc đã theo đuổi chính sách công nghiệp và thương mại không công bằng khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ không thể cạnh tranh trong một sân chơi bình đẳng”.
Washington thông báo sẽ áp thuế 25% đối với khoảng 50 tỷ USD hàng Trung Quốc để đáp trả lại việc Trung Quốc vi phạm bản quyền trí tuệ. Như vậy kế hoạch đánh thuế từng bị loại bỏ trước đây trong các cuộc đàm phán thương mại nay lại đang được áp dụng trở lại.
Mục tiêu chính của chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross lần này đến Trung Quốc là để đưa ra những bước cụ thể nhằm tăng xuất khẩu một số loại mặt hàng ví như khí đốt hay sản phẩm nông nghiệp.
Trung Quốc cũng đưa ra một số danh sách mặt hàng mà Trung Quốc có thể nhập khẩu thêm từ Mỹ, dù cho đến nay, chưa thể rõ liệu Trung Quốc có thể làm được đến đâu nhằm đáp ứng yêu cầu giảm 200 tỷ USD trong 375 tỷ USD thặng dư thương mại mà Trung Quốc đang có với Mỹ.
Việc đưa ra được một quan điểm chung về vấn đề công nghệ - yếu tố then chốt trong các cuộc tranh cãi về thương mại - trở nên ngày một khó khăn hơn khi mà hai bên đang cố gắng cạnh tranh với nhau trong lĩnh vực công nghệ.
Nhà Trắng đã tuyên bố rằng kế hoạch đánh thuế sẽ bao gồm những sản phẩm có liên quan đến chương trình "Made in China 2025" đầy tham vọng của Trung Quốc để hiện đại hóa ngành sản xuất nước này.
Theo chương trình này, chính phủ Trung Quốc sẽ trợ cấp nhiều cho những công ty công nghệ để khuyến khích phát triển nhiều sản phẩm công nghệ cao ví như robot công nghiệp. Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ về quan điểm muốn cắt bỏ sự hỗ trợ này.
Sau các cuộc đối thoại liên quan đến vấn đề Mỹ cấm xuất khẩu công nghệ Mỹ cho công ty viễn thông ZTE, Tổng thống Trump cho biết chính Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã trực tiếp đề nghị ông gỡ bỏ lệnh cấm vận. Trong ngày thứ Sáu mới đây, Tổng thống Trump đồng ý làm điều này với điều kiện ZTE phải nộp phạt 1,3 tỷ USD và chấp nhận thay đổi quản lý. Mỹ đồng thời muốn đưa thêm một số người giám sát tuân thủ vào ZTE.
Việc phía Mỹ bất ngờ quay trở lại quan điểm cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc xuất phát từ xung đột bên trong chính quyền Tổng thống Donald Trump xung quanh cách tiếp cận với vấn đề Trung Quốc.
Sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin tuyên bố tạm ngưng chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer lại nói đến quan điểm khác, ông cho rằng việc gây sức ép để Trung Quốc nhập thêm hàng Mỹ quan trọng, thế nhưng vấn đề quan trọng hơn chính là giải quyết các vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ, tin tặc và bảo vệ sáng chế của nước Mỹ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.