Vì sao Trung Quốc muốn sở hữu động cơ máy bay quân sự Mỹ?

Ứng dụng 15/06/2016 05:43

Trung Quốc dường như sẽ làm mọi cách để có trong tay các động cơ máy bay phản lực công nghệ cao của Mỹ

 

20160613164325-f-35-my

Máy bay tiêm kích F-35 của quân đội Mỹ được trang bị động cơ do liên doanh Pratt & Whitney và General Electric (GE) chế tạo. Ảnh: CNN

 Tuần trước, một phụ nữ có tên Wenxia Man đã bị một tòa án ở bang Florida (Mỹ) kết tội âm mưu vi phạm các luật xuất khẩu của Mỹ, bằng cách thâu tóm và gửi trái phép các động cơ máy bay chiến đấu cũng như máy bay không người lái từ Mỹ tới Trung Quốc, theo Bộ Tư pháp Mỹ.

Các công tố viên cho biết, Man đã cùng một cộng sự ở Trung Quốc mua và xuất khẩu các động cơ do liên doanh Pratt & Whitney và General Electric (GE) chế tạo. Những động cơ này hiện đang được Mỹ sử dụng để trang bị cho hàng loạt máy bay quân sự hàng đầu của nước này, từ máy bay tiêm kích F-35, chiến đấu cơ F-22 đến các máy bay phản lực đa nhiệm F-16.

Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, trong quá trình điều tra, Man nhắc tới cộng sự của cô ta như một điệp viên "đại diện cho quân đội Trung Quốc để sao chép các món đồ thu được từ những nước khác và từng tuyên bố rằng, anh ta đặc biệt quan tâm đến công nghệ không người lái".

Việc kết tội Man là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến tình báo kinh tế đang tiếp diễn giữa Mỹ và Trung Quốc. Phía Mỹ cáo buộc, hoạt động gián điệp đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược hiện đại hóa đất nước của Trung Quốc trong các thập niên gần đây. Việc thâu tóm công nghệ trái phép đã giúp Trung Quốc đẩy nhanh quá trình này, vượt qua các vấn đề thường đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu và phát triển để giải quyết.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc liên tục phủ nhận các cáo buộc dính líu đến tình báo công nghiệp.

Các chuyên gia phân tích nhận định, tăng cường các khả năng của động cơ phản lực từ lâu đã là một ưu tiên hàng đầu đối với Trung Quốc, khi nước này tìm cách gia tăng sức mạnh quân sự.

Kế hoạch tăng trưởng 5 năm gần đây nhất của Trung Quốc coi việc phát triển cũng như sản xuất các động cơ và máy bay trong nước là một mục tiêu quan trọng. Song, đây là một lĩnh vực khó nắm bắt, buộc Trung Quốc phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu công nghệ.

Trong 4 năm qua, các động cơ chiếm tới 30% tổng các sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc, theo thống kê của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm. Ngay cả mẫu máy bay dân dụng cỡ lớn C919 mà Trung Quốc đang phát triển, với hy vọng cạnh tranh với Boeing, cũng đang sử dụng các động cơ do một liên doanh của Pháp và Mỹ sản xuất.

Tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ không cung cấp các chi tiết về lai lịch của Man. Nhưng, tờ Sun Sentinel ở Florida đưa tin, cô sinh ra ở Trung Quốc nhưng đã nhập tịch Mỹ. Man sẽ bị kết án vào tháng 8 tới và dự kiến có thể phải đối mặt với án phạt 20 năm tù giam.

Vụ việc của Man là sự cố mới nhất trong hàng loạt án tình báo kinh tế ở Mỹ, có liên quan đến Trung Quốc. Chúng xảy ra ở nhiều nhành kinh tế khác nhau, từ nông nghiệp đến hàng không. Các mục tiêu bị do thám bao gồm cả một nhà sản xuất pin mặt trời, các nhà sản xuất nhôm và thép, một công ty thiết kế nhà máy điện nguyên tử.

Hồi tháng 3, một người đàn ông Trung Quốc từng thừa nhận tội làm gián điệp trên mạng, khi xâm nhập vào các hệ thống của Boeing và một số công ty khác của Mỹ để đáng cắp thông tin nhạy cảm chuyển cho Trung Quốc.

Ý kiến của bạn

Bình luận