Việt Nam là nước nhận nhiều dự án nhất từ JICA

Thị trường 07/12/2016 16:08

Tính từ khi bắt đầu triển khai Chương trình đối tác phát triển của JICA (JPP- năm 2002) đến tháng 12-2016, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã và đang thực hiện 88 dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam. Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo giới thiệu về JPP được JICA tổ chức sáng 7-12 tại Hà Nội.

 

Việt Nam là nước nhận nhiều dự án nha
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: H.Nụ

Được biết, JPP là chương trình hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở toàn diện và tổng thể của JICA được thực hiện với mục đích hỗ trợ các hoạt động hợp tác quốc tế của các tổ chức phi Chính phủ (NGO), trường đại học, chính quyền địa phương, tổ chức… của Nhật Bản có nguyện vọng tiến hành các hoạt động hợp tác nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người dân địa phương tại các nước đang phát triển. Đây không phải là chương trình có quy mô và ngân sách lớn nhưng đã và đang đóng góp hiệu quả cho sự phát triển địa phương tại Việt Nam. Tại Việt Nam, từ khi bắt đầu triển khai JPP vào năm 2002 đến nay, JICA đã và đang thực hiện 88 dự án trong các lĩnh vực như: cải thiện hệ thống cấp và thoát nước, tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai của cộng đồng, phát triển nông nghiệp và nông thôn, chăm sóc sức khỏe y tế; quản lý môi trường, hỗ trợ công nghiệp phụ trợ…Phát biểu tại buổi giới thiệu, ông Masuda Chikahiro Phó trưởng địa diện JICA Việt Nam cho biết, hiện nay chương trình này đang được triển khai trong các lĩnh vực trực tiếp góp phần cải thiện cuộc sống và sinh kế của người dân địa phương tại hơn 89 quốc gia. Việt Nam cũng là nước nhận nhiều dự án nhất từ JICA.

Theo ông Masuda Chikahiro, tùy theo số năm kinh nghiệm hoạt động và quy mô ngân sách của cơ quan thực hiện Nhật Bản mà kinh phí của mỗi dự án sẽ dao động từ 10 triệu -100 triệu Yên Nhật với thời gian thực hiện từ 2 đến 5 năm. JICA đã và đang áp dụng phương châm “đưa hợp tác quốc tế trở thành văn hóa Nhật Bản” vào trong các chương trình hợp tác có sự tham gia của người dân. Do vậy, một trong những mục đích của việc thực hiện JPP là “tạo cơ hội thúc đẩy sự tham gia và tăng cường hiểu biết của người dân Nhật Bản về các hoạt động hợp tác quốc tế”.

“Mặc dù JPP có quy mô nhỏ nhưng lại đáp ứng trực tiếp những nhu cầu của người dân địa phương, nên tôi tin rằng JPP là cây cầu vô hình cho tình hữu nghị giữa người dân 2 nước Việt Nam - Nhật Bản”, ông Masuda Chikahiro nhấn mạnh. 

Ý kiến của bạn

Bình luận