Vinasun và Grab tiếp tục 'cuộc chiến' bồi thường gần 42 tỷ

Đường dây nóng 17/10/2018 15:38

Grab đề nghị tòa triệu tập giám định viên, không cho Vinasun tiếp cận tài liệu kinh doanh của mình nhưng không được chấp thuận.

 

Vinasun và Grab tiếp tục 'cuộc chiến' bồi thường g
Tài xế Vinasun không được tham dự phiên xử phải ngồi ở sân và cầu thang tòa. Ảnh: Hữu Khoa.

Sáng 17/10, TAND TP HCM mở lại phiên xử Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gần 42 tỷ đồng.

Cũng như những lần trước, hàng trăm tài xế Vinasun có mặt từ rất sớm để tham dự phiên xử, song chỉ những người được tòa triệu tập mới được vào phòng.

Trong phần thủ tục, đại diện Grab một lần nữa yêu cầu tòa dừng xử vì Công ty Cửu Long (giám định thiệt hại của Vinasun) vắng mặt. Theo phía bị đơn, kết quả giám định có vai trò rất quan trọng, liên quan đến toàn bộ vụ án, HĐXX phải triệu tập giám định viên để đảm bảo tính khách quan.

Ngoài ra, Grab cũng đề nghị tòa không cho nguyên đơn tiếp cận các tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình bởi "đây là bí mật".

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục làm việc, không chấp nhận các đề nghị của bị đơn, khi nào tòa thấy cần thiết phải có mặt giám định viên sẽ triệp tập sau. Trước đó, yêu cầu không cho Vinasun tiếp cận tài liệu kinh doanh mà Grab cung cấp, bị đơn đã gửi đơn đề nghị lên Chánh án TAND TP HCM nhưng cũng bị bác bỏ.

vinasun-kien-garb-3-4503-1539747928
Đại diện Vinasun tại phiên xử. Ảnh: Hữu Khoa.

Vì sao Vinasun đòi bồi thường?

Theo đơn khởi kiện, Vinasun cho rằng, Grab lợi dụng việc Bộ GTVT ban hành Quyết định 24 về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường.

Nguyên đơn cung cấp cho tòa nhiều văn bản, hình ảnh và hàng chục video... được cho là "chứng cứ Grab kinh doanh vi phạm pháp luật tại Việt Nam". Cụ thể, Vinasun chỉ ra, theo Đề án 24, Grab khẳng định chỉ tham gia kinh doanh phần mềm ứng dụng, không kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hãng taxi công nghệ này đã định giá cước, thu tiền, điều chỉnh giá cao điểm....

Vinasun cho rằng hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây nhiều hệ lụy cho công ty này. Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, trong đó do Grab gây ra là gần 42 tỷ nên yêu cầu đơn vị này bồi thường.

vinasun-kien-garb-2-1207-1539747928
Đại diện người Singapore của Grab. Ảnh: Hữu Khoa.

Grab khẳng định không sai

Tại phiên xử hồi tháng 2, đại diện Grab cho biết, không thay đổi ngành nghề kinh doanh như đã đăng ký với các cơ quan chức năng là "cung ứng phần mềm kinh doanh vận tải" và không hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi. Mức giá Grab áp dụng cho khách hàng là do hợp tác xã đưa ra. Căn cứ để thường xuyên thay đổi mức giá là phụ thuộc vào thời gian, thời tiết, nhu cầu thị trường và lập trình dựa trên đơn giá cũng do hợp tác xã cung cấp.

Theo hãng taxi công nghệ, họ có hay không vi phạm pháp luật, có hay không làm đúng Đề án 24... thì chỉ có Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là cơ quan có thẩm quyền xử lý. Và việc này Vinasun chưa cung cấp được bằng chứng. Nếu cho rằng hoạt động của Grab gây thiệt hại, Vinasun phải khiếu nại quyết định cho phép đề án thí điểm lên Bộ trưởng GTVT hoặc khiếu kiện hành chính, chứ không phải vụ kiện này.

Sau hai ngày tranh luận gay gắt, HĐXX tạm dừng phiên tòa, yêu cầu các đơn sự cung cấp thêm chứng cứ về giấy phép đăng ký kinh doanh, hình thức hoạt động, số liệu liên quan...

Khoảng một tháng sau, TAND TP HCM tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện để chờ kết quả thu thập chứng cứ từ Sở GTVT, Sở Công thương, Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM và Bộ GTVT...

Đến tháng 9, tòa tiếp tục hoãn xử do đại diện Grab vắng mặt với lý do "đang khiếu nại kết quả thẩm định thiệt hại của Vinasun" lên Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM. Kết quả thẩm định này được cho là chưa khách quan bởi Vinasun trực tiếp mời cũng như trả tiền cho công ty thẩm định. Ngoài ra, phía nguyên đơn còn cung cấp cho Grab số tài liệu hơn 5.000 trang nên bị đơn yêu cầu có thời gian để nghiên cứu tài liệu một cách thấu đáo.

Trước khi đâm đơn kiện, hồi giữa năm ngoái Vinasun từng kiến nghị Thủ tướng rằng, hãng Uber và Grab liên tục thực hiện các chương trình khuyến mại tuỳ tiện, không đăng ký và được sự cho phép của cơ quan quản lý. Doanh nghiệp này đề xuất sớm chấm dứt hoạt động cạnh tranh không lành mạnh vì sẽ để lại nhiều hệ lụy kinh tế, tính công bằng và trật tự xã hội.

Phiên xử dự kiến kéo dài trong hai ngày.

Ý kiến của bạn

Bình luận