Vốn đầu tư đường sắt bố trí nhỏ giọt, chưa đáp ứng 6% nhu cầu

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 06/04/2022 11:57

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, ngân sách nhà nước dự kiến bố trí 14.025 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021-2025.

Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá lượng vốn ngân sách nhà nước bố trí để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt chưa đảm bảo được mục tiêu về chính sách của Nhà nước về phát triển đường sắt được nêu tại Luật Đường sắt 2017. (Ảnh minh họa)

Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá lượng vốn ngân sách nhà nước bố trí để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt chưa đảm bảo được mục tiêu về chính sách của Nhà nước về phát triển đường sắt được nêu tại Luật Đường sắt 2017. (Ảnh minh họa)

Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho đường sắt cần khoảng 240.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13% toàn ngành.

Tuy nhiên, hiện ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021-2025 là hơn 14.025 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được 5,8% nhu cầu. Vì vậy, nhu cầu vốn trong giai đoạn 2026-2030 cần đến hơn 227.000 tỷ.

Trong số hơn 14.000 tỷ được bố trí trong giai đoạn 2021-2025, riêng các dự án nâng cấp hạ tầng đường sắt hiện có đã chiếm hơn 13.400 tỷ đồng. Cụ thể, dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) được bố trí 583 tỷ đồng; Dự án Cải tạo, nâng cấp khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện tuyến đường sắt Bắc - Nam được bố trí 2.644 tỷ đồng; Dự án Cải tạo tuyến đường sắt khu vực Khe Nét được bố trí 1.736 tỷ đồng.

Các dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM được bố trí 1.401 tỷ đồng; cải tạo nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh bố trí 1.963 tỷ đồng; Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang bố trí 2.425 tỷ đồng; cải tạo nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn bố trí 2.256 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp các ga đường sắt trên các tuyến đường sắt phía Bắc bố trí 333 tỷ đồng...

Trước đó, giai đoạn 2016 - 2021, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đạt 6,8% toàn ngành; vốn bố trí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đạt 43%. Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá nguồn kinh phí như vậy chưa đảm bảo được mục tiêu về chính sách của Nhà nước về phát triển đường sắt được nêu tại Luật Đường sắt 2017.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030 là cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Cụ thể:

Về vận tải, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40%.

Về kết cấu hạ tầng, nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 07 tuyến đường sắt hiện có; quy hoạch 09 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362 km. Trong đó, ưu tiên triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP. HCM); ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối TP. HCM với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.

Ý kiến của bạn

Bình luận