Xe "trá hình" "đội lốt" tuyến cố định tung hoàng dọc qua 3 tỉnh, thành phố từ Hải Phòng cho tới Nam Định |
"Phớt lờ" chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Mặc dù “tập đoàn xe dù Kết Đoàn” hoạt động chuyên tuyến sân Cát Bi – Thái Bình – Nam Định lộ nguyên hình là đơn vị chạy “trá hình” tuyến cố định, là vấn đề bức xúc trong suốt thời gian qua, mặc dù đích thân Thủ tướng Chính phủ cùng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhiều lần chỉ đạo các Bộ, Ban ngành và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm, tuy nhiên đến nay việc xử lý vi phạm vẫn chây ì, “bắt cóc bỏ đĩa”, đặc biệt là có dấu hiệu “chống lệnh” chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Như đã phân tích ở những bài trước, để thực hiện hoạt động đón, trả khách trái phép tuyến sân bay Cát Bi – Thái Bình – Nam Định và ngược lại ở tất cả các khung giờ cố định trong ngày, nhà xe Kết Đoàn đã lách luật bằng cách gom những khách lẻ để…lập thành khách đoàn, “cốp mác” phòng vé Kết Đoàn đi – phòng vé Vĩnh Bảo – phòng vé Thái Bình – phòng vé Nam Định nhằm hợp thức hóa hành vi đón, trả khách “trá hình” tuyến cố định.
Đặc biệt, nhà xe này “núp bóng” danh nghĩa đưa, đón khách tại các phòng vé máy bay “án ngữ” tại các tỉnh Nam Định và Thái Bình để “gom khách” tuyến cố định.
Nhà xe Kết Đoàn đón, trả khách tại số 75 Trần Anh Tông, thành phố Nam Định |
Cụ thể, tại thành phố Nam Định, tại số nhà 75 Trần Anh Tông (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) không hề tồn tại phóng vé máy bay theo lời quảng cáo của nhà xe, thực chất tại địa chỉ này là một “bến xe ngầm” độc quyền tuyến Nam Định – sân bay Cát Bi của Cty TNHH vận tải Kết Đoàn.
Tại đây, nhà xe này gần như chiếm dụng 2/3 lòng đường Trần Anh Tông làm nơi đón trả khách, bốc xếp hàng hóa…tạo thành một điểm đen về giao thông.
Còn tại sân bay Cát Bi, theo quy luật, mỗi khi có hành khách bước lên xe, nhà xe này “áp dụng” ngay màn “phỏng vấn” nhanh. Cụ thể, nhà xe “tra hỏi” hành khách những thông tin cá nhân như: họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc...
Đặc biệt, như một bắt buộc, hành khách phải cung cấp chính xác tên chuyến bay đến và đi sân bay Cát Bi và nhà xe ung dung dựng nên một bản hợp đồng kèm theo danh sách hành khách “ma” nhằm qua mặt các cơ quan chức năng.
Đặc biệt hơn, mức giá vé được nhà xe áp dụng đối với quãng ngắn hay dài là 50 nghìn đồng/ người. Đối với các hành khách đi Thái Bình là 90 nghìn đồng/ người và Nam Định là 100 nghìn đồng/người.
Nhân viên nhà xe Kết Đoàn thu tiền trực tiếp từ hành khách |
Theo lý giải của nhân viên, mức giá này đã bao gồm thuế VAT và bảo hiểm hành khách.
Trao đổi với PV, ông Thân Văn Thanh – nguyên Phó Chủ tịch Hiệp Hội vận tải ô tô Việt Nam phải thốt lên những lời cay đắng: “Bậy nào. Luật nào cho phép xe hợp đồng nào được phép xác nhận đặt chỗ, thu tiền trực tiếp từ khách lẻ, đón trả khách trái phép. So với các xe khách đăng ký chạy tuyến cố định trong bến, các xe khách trá hình Kết Đoàn mặc định trốn được 10% thuế VAT, trốn phí bến bãi, thuế thu nhập, không cần đóng bảo hiểm cho hành khách…nên lợi nhuận rất cao”
“Tôi cho rằng, nếu không có sự bao che, làm ngơ của thanh tra giao thông, chính quyền địa phương thì nhà xe này không thể lộng hành đến vậy. Ví dụ như nhà dân có giỗ, tiệc tùng công an, chính quyền địa địa bàn còn nắm được, huống gì những chiếc xe khách “khủng” lù lù từ sáng sớm tới đêm xuyên qua 3 tỉnh, thành phố mà không có lực lượng nào biết, xử lý. Quả thật là vô lý” – ông Thanh nhấn mạnh.
Tấm các vi rít tố cáo sai phạm của nhà xe dù hoạt động chuyên tuyến sân bay Cát Bi - Thái Bình - Nam Định |
"Không xử lý được là quá vô lý"
Tỏ ra bất bình trước việc xe dù “đại náo” từ sân bay Cát Bi đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định, một chuyên gia vận tải Hà Nội (xin được giấu tên) cho rằng: Nếu các địa phương vẫn kêu khó khi xử lý xe trá hình sân bay thì quả thực thiếu thuyết phục. Bởi, hiện nay, với những văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực vận tải khách (cụ thể là Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP) thì hoàn toàn đã đủ cơ sở pháp lý để xử lý triệt để xe “trá hình” sân bay Cát Bi chạy tuyến cố định.
Mặt khác, chỉ cần theo dõi “xe dù sân bay” qua thiết bị giám sát hành trình thì mười mươi nhìn thấy sai phạm để xử lý. Xin nhắc lại đây là những chiếc xe cỡ lớn, họ đi đâu, hoạt động ở tuyến nào, lộ trình ra sao, dừng dỗ đón, trả khách bao nhiêu lần… có trích xuất giám sát này là biết hết.
Thực tế, trong quá trình điều tra để viết loạt bài này, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị xử lý xe “trá hình” tuyến sân bay Cát Bi – Thái Bình – Nam Định và ngược lại đến các Sở GTVT Hải Phòng, Sở GTVT Nam Định, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN…song đến nay “tập đoàn xe dù” vẫn ngang nhiên lộng hành, bất chấp các quy định của Nhà nước.
Thử hỏi, nhà xe vi phạm “nhờn thuốc” hay văn bản chỉ đạo của cấp trên cũng bị “nhờn”…? |
Nghiêm trọng hơn khi, thời gian qua, Thủ tướng và Phó thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã ban hành khá nhiều chỉ thị, công điện chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý dứt điểm tình trạng xe khách trá hình, “xe dù, bến cóc”…
Đối với trường hợp cụ thể là nhà xe Kết Đoàn, thử hỏi các Bộ, Ban ngành từ Trung ương đến địa phương đã làm gì để xử lý dứt điểm tình trạng “xe dù” đội lốt tuyến cố định tuyến sân bay Cát Bi – Thái Bình – Nam Định?!
Điều này khiến dư luận đặt ra gghi án: Chính quyền địa phương các tỉnh Nam Định, Thái Bình và thành phố Hải Phòng thời có dấu hiệu “phớt lờ” chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc xử lý dứt điểm “xe dù”, “bến cóc”.
Và liệu rằng mình nhà xe vi phạm “nhờn thuốc” hay văn bản chỉ đạo của cấp trên cũng bị “nhờn”…
Chúng tôi tiếp tục thông tin ở bài sau./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.