PV Lê Minh tác nghiệp tại hiện trường trong vệt phóng sự điều tra "Nhức nhối nạn chông tặc hoành hành trên Tỉnh lộ 186, tỉnh Tuyên Quang |
NGHỀ BÁO LÀ MỘT “NGỌN LỬA”
Cũng chính câu nói ấy của nhà báo Hữu Thọ đã nuôi dưỡng cho tôi một phong cách làm báo riêng biệt, không hòa lẫn, không chủ hòa và không làm vừa lòng những nhóm lợi ích, những thế lực đôi khi có thể che được cả bầu trời.
Tôi vẫn nhớ như in những ngày bước chân vào giảng đường đại học, trong một bài báo tôi được biết đến câu nói nổi tiếng của nhà báo huyền thoại Henry Anatole Grunwald - nguyên Tổng biên tập Tạp chí TIME: “Báo chí không bao giờ có thể im lặng, đó là phẩm chất vĩ đại nhất và cũng là tội lỗi, tệ hại nhất của nghề báo. Báo chí phải cất lên tiếng nói và nói ngay lập tức, ngay khi vọng âm của những tiếng thắc mắc, những lời tuyên bố chiến thắng và những dấu hiệu của nỗi sợ hãi vẫn còn đang lơ lửng trong không trung”. Bài học đầu tiên về nghề báo với tôi là một câu hỏi mang tựa đề: Tại sao các em lại chọn nghề báo? Ngày đó, câu trả lời của tôi đơn giản chỉ là “Vì được đi nhiều nơi, được gặp nhiều người, được trải nghiệm cuộc sống”. Còn giờ đây, khi đã trải qua hơn 3 năm làm báo, tôi mới thấy rằng, làm báo không hề đơn giản...
Cái sự không đơn giản ở đây chính là những va vấp trong chặng đường tác nghiệp và ngay cả khi bài báo đã thành khuôn, đã xuất bản thì vẫn còn bao khó khăn đang chờ phía trước. Chính vì thế, một yếu tố mà một người làm báo không thể thiếu, đó là sự kiên định.
Bởi lẽ, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, các nhà báo, tòa soạn thường xuyên phải đối diện với một số thế lực có chức quyền hoặc những đối tượng làm ăn phi pháp, có nhiều tiền và quan hệ… Sự tác động của những “bàn tay đen” ấy đôi khi khiến một phóng viên có thể “trả giá đắt” nếu như không có sự ủng hộ từ tòa soạn, từ người chủ bút.
Sau hơn ba năm gắn bó với nghề báo, tôi nhận ra rằng làm báo dễ mà khó. Người không học đúng chuyên ngành báo chí cũng có thể làm báo, nhưng người trụ lại được với nghề thì rất ít. Nếu muốn trở thành một nhà báo thực thụ thì phải đi nhiều, phát hiện những đề tài mới mẻ và viết làm sao để tạo cho mình một dấu ấn riêng.
Chỉ có yêu nghề, say mê với nghề thì mới làm được điều đó. Bởi, khi khoác lên mình chức danh phóng viên, nhà báo cũng là lúc phải có ý thức và trách nhiệm nhiều hơn với nghề. Chấp nhận những khó khăn cơ bản như xa nhà cả tuần, thậm chí cả tháng, rong ruổi xe máy trên những cung đường quanh co, khúc khuỷu, hiểm trở, ngã nhiều thành quen, những chuyến đi “mất công không được việc gì” hay áp lực từ kế hoạch được giao... là những điều không phải ai cũng có thể kiên trì được.
Khó khăn là vậy nhưng những tấm gương nhà báo say nghề, không màng đến khó khăn, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng, gia đình không phải là hiếm. Họ là những nhà báo kiên định với lập trường, chính kiến từ những bằng chứng xác thực. Họ viết nên những sự thật, tố cáo những sai trái, đấu tranh với những thế lực thù địch, lợi ích nhóm. Họ chính là nguồn cảm hứng, sự khích lệ đối với một phóng viên trẻ như tôi.
Một người anh và cũng là một đồng nghiệp nổi tiếng với thể loại phóng sự điều tra từng nói với tôi rằng: “Khi đến gặp những người dân hoặc khi mắt thấy, tai nghe những điều bất công, những hiện tượng tiêu cực và những cái vô lý đã khiến tôi có một mong muốn là làm sao mình nói lên được một tiếng nói để bảo vệ được công lý, bảo vệ được lẽ phải, bảo vệ được những người yếu thế trong xã hội”.
NGƯỜI LÀM BÁO LÀ “VÀNG”
Phóng viên Vũ Công Thành |
Hoài Nam là cái tên của một phóng viên cần mẫn, say mê điều tra. Những tuyến bài điều tra của anh luôn gây nên những đợt sóng dư luận, phanh phui những tiêu cực, lôi những “con sâu” ra khỏi cái kén được bao phủ bởi những lớp quyền lực. Khi còn công tác ở Báo Thanh Niên, anh nổi tiếng với những loạt bài viết: “Nạn bảo kê đường của cảnh sát cơ động - trật tự”, “Người ghi hình lâm tặc phá rừng”, “Cà phê ớn lạnh”, “Giấy kiểm dịch bán như rau”, “Làm luật ở bến xe Mỹ Đình”, “Thâm nhập đường dây buôn lậu ở Móng Cái”, “Phanh phui đường dây bán hài cốt giả”…
Phải khẳng định rằng, Hoài Nam là một nhà báo bản lĩnh, có tài và có tâm. Để có tư liệu cho những bài điều tra, anh bất chấp nguy hiểm, gác qua mọi chuyện “cơm áo” để nhập vai thâm nhập vào những đường dây tội phạm: Làm bốc vác ở bến xe, phụ xe tải, người đi buôn rau, làm xe ôm để viết bài buôn bán ma túy…
Ấy vậy mà, sự nghiệp báo chí của anh đôi khi còn bị đứt đoạn bởi những “thế lực ngầm”. Có thời gian, anh phải ngừng viết báo, cuộc sống rơi vào bế tắc khi gánh nặng lo toan cho gia đình và niềm đam mê với báo chí “va” vào nhau… Nhưng rồi những khó khăn đó không cản bước được tình yêu với nghề báo. Khi không còn làm cho một tờ báo chính thống nào, anh vẫn miệt mài điều tra, tìm hiểu trong quyền hạn của một công dân, của một người tìm kiếm thông tin. Kết quả, anh đã giúp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) có thông tin để triệt phá đường dây rút ruột hàng nghìn lít xăng dầu mỗi ngày trong quá trình vận chuyển tại TP. Hồ Chí Minh. Trong một lần trò chuyện với tôi, anh thẳng thắn nói rằng: “Cách tác nghiệp của tôi là phối hợp đồng bộ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền cao nhất. Khi đã phối hợp được với các cơ quan này, cộng với kỹ năng nghiệp vụ của mình thì không có thế lực nào có thể ngăn cản được. Chúng ta làm những gì pháp luật không cấm, làm khi được phép của các cơ quan Trung ương thì sẽ đạt được hiệu quả công việc”.
Thế mới thấy rằng nghề báo là một “ngọn lửa” và người làm báo là “vàng”. Khi đã trở thành “vàng thật thì không sợ lửa”, những khó khăn và gian nguy cũng chỉ góp thêm phần khẳng định tình yêu với nghề báo hơn mà thôi
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.