Sẵn sàng các giải pháp nhằm đảm bảo nhịp điệu thi công được liên tục, không bị ngắt quãng trong dịp Tết Quý Mão 2023 để đưa công trình vào khai thác đúng yêu cầu của chủ đầu tư.
Chuẩn bị nguồn vật liệu thi công xuyên Tết
Trên công trường dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn, ông Trần Nguyên Đán - Tư vấn giám sát trưởng gói thầu XL01 cho biết, khó khăn nhất khi thi công dịp Tết là vấn đề về vật liệu. Ngày thường nhiều lúc còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vật liệu thì trong dịp Tết lại càng khó hơn khi các mỏ đất, mỏ đá hay các nhà cung cấp vật liệu khác đều cho người lao động nghỉ Tết sớm. Thậm chí, nhiều nơi, nhiều chỗ còn cho người lao động nghỉ từ 23 tháng Chạp đến tận rằm tháng Giêng.
Để có thể duy trì thi công, nhà thầu phải chuẩn bị nguồn vật liệu trước rất nhiều ngày. Đây cũng là áp lực rất lớn về mặt tài chính của các đơn vị thi công. Mặt khác, việc thi công trong những ngày Tết cũng bị giới hạn khá nhiều khi không được để khói bụi, tiếng ồn cản trở giao thông, ảnh hưởng tới không khí đón Tết của nhân dân trên địa bàn dự án.
Tại dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, ông Nguyễn Tấn Đạt - Tư vấn giám sát thường trú gói thầu XL14 (CTCP Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long) cho hay, các nhà thầu xây lắp và đơn vị tư vấn giám sát sẽ không tránh khỏi tình trạng có những cá nhân có tư tưởng chán nản, làm việc thiếu tập trung gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng thi công.
Dù các đơn vị cho thấy những nỗ lực thi công xuyên Tết để đáp ứng tiến độ, song thực tế không khí Tết trên công trường khó có thể nhộn nhịp, sôi động như ngày thường. Bởi lẽ, tư tưởng người lao động dù ở lại nhưng chắc chắn sẽ cảm thấy bâng khuâng khi phải xa nhà vào dịp Tết Nguyên đán. "Điển hình như năm ngoái thi công xuyên Tết, thực tế trên công trường cũng chỉ có thể duy trì khoảng 30% các mũi thi công hiệu quả", ông Đạt nêu thực trạng.
Theo ông Đạt, sự khác biệt lớn nhất khi thi công trong ngày Tết với ngày thường là các đơn vị cung cấp vật liệu tại địa phương đa phần đều cho người lao động nghỉ Tết nên nguồn vật liệu gặp rất nhiều khó khăn. Việc thiếu vật liệu trong những ngày Tết lâu nay là bài toán nan giải và ảnh hưởng lớn tới thực tế thi công.
Để phòng tránh việc nhà thầu tranh thủ sử dụng nguồn vật liệu không đúng với quy định, đơn vị tư vấn giám sát phải "căng mình" để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc vật liệu mà nhà thầu sử dụng trong thời điểm này. Đây là yếu tố quan trọng quyết định việc giám sát thi công đảm bảo chất lượng công trình.
"Tôi mong các cấp lãnh đạo ngành GTVT có cái nhìn thực tế hơn về người lao động, nên tập trung chỉ đạo các đơn vị tham gia dự án phải nghiêm túc thi công đảm bảo tiến độ ngay trong các giai đoạn đầu triển khai dự án, đồng thời tập trung nguồn lực thi công khẩn trương các hạng mục đường găng để có quỹ dự phòng về thời gian", ông Đạt bày tỏ quan điểm.
Quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ công trình trọng điểm
Ở khu vực phía Nam, trên sông Tiền rộng lớn, cầu Mỹ Thuận 2 đang dần thành hình chạy song song với cầu Mỹ Thuận hiện hữu. Cây cầu này sẽ hoàn thành trong năm 2023, đáp ứng niềm mong mỏi bấy lâu nay của hàng chục triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long trong việc kết nối giao thương, giảm tải lưu lượng cho cầu Mỹ Thuận.
Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Trịnh Trường Hải - Giám đốc điều hành dự án cầu Mỹ Thuận 2 (Ban QLDA 7 - chủ đầu tư), cho biết, để đảm bảo tiến độ cán đích vượt dự kiến, hiện nay, các nhà thầu trên công trường đang tập trung triển khai nhiều mũi thi công, chia 3 ca 4 kíp làm liên tục suốt ngày đêm. Tính đến cuối tháng 12/2022, dự án đã hoàn thành 2 trụ neo, nhà thầu đang gia cố bờ sông dọc hai bên bờ, thi công đường công vụ phục vụ vận chuyển vật liệu vào công trường và đường dẫn hai đầu cầu phía Tiền Giang, Vĩnh Long.
Đặc biệt, hai trụ chính dây văng T15, T16 đã thi công xong các đốt bằng ván khuôn leo và đang tập trung căng cáp dự ứng lực, bơm vữa, căng cáp dây văng... Giá trị xây lắp của dự án đang vượt gần 5% so với kế hoạch. Các gói thầu XL01, XL02 thi công đường dẫn phía Tiền Giang, XL04 thi công đường dẫn phía Vĩnh Long dự kiến cũng sẽ hoàn thành trong tháng 12/2022.
Theo đại diện Ban QLDA 7, thân trụ tháp cầu Mỹ Thuận 2 có thiết kế hình dạng "kim cương", được chia làm 33 đốt đúc, hai nhánh thân trụ hợp long tại vị trí từ đốt S29 đến S33. Thông thường, việc thi công khối dầm đầu tiên được đúc tại chỗ trên đà giáo tại trụ tháp (khối dầm K1) sẽ được triển khai thi công sau khi hoàn thành thi công trụ tháp.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công, nhà thầu thi công đã đề xuất tăng cường các hệ giằng liên kết tạm giữa hai nhánh thân trụ tháp để tăng độ cứng và ổn định của trụ tháp trong quá trình thi công. Thông qua đó, nhà thầu thi công có thể triển khai thi công đồng thời thân trụ tháp và khối dầm K1. Ngoài ra, việc chủ động triển khai thi công bó cáp văng đầu tiên sau khi hợp long thân trụ tháp đến đốt S30 giúp đẩy nhanh công tác chuẩn bị cho việc triển khai đúc hẫng các khối dầm, góp phần hoàn thành công trình trong năm 2023.
Kỹ sư Hoàng Đăng Hậu - cán bộ kỹ thuật phụ trách thi công của nhà thầu Trung Nam 18 E&C chia sẻ: "Để đảm bảo cơ bản tiến độ, thời gian qua, các nhà thầu đều tập trung thi công và chủ động đăng ký làm xuyên Tết. Chủ trương này được Công ty đặt ra cách đây hơn 1 tháng. Bản thân tôi được Công ty giao nhiệm vụ điều hành anh em công nhân làm xuyên Tết. Thời gian qua, phía chủ đầu tư và nhà thầu luôn động viên anh em công nhân làm việc để sớm hoàn thành dự án".
Anh Hậu chia sẻ thêm, đa số các anh em công nhân quê ở các tỉnh phía Bắc như: Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nghệ An... Với trách nhiệm cùng dự án, anh em đều động viên nhau vượt lên nỗi nhớ gia đình, vì mục tiêu tiến độ và chất lượng.
Anh Lê Văn Toàn (quê Vĩnh Phúc) - Tổ trưởng Tổ thi công trụ T16 cho biết, suốt 18 năm theo nghề cầu đường, đây là lần đầu tiên anh tham gia một công trình trọng điểm và có ý nghĩa lớn như cầu Mỹ Thuận 2. Hơn nữa, đây là cây cầu đầu tiên hoàn toàn do người Việt tự thiết kế và thi công. Theo anh Toàn, để đảm bảo an toàn cho người lao động tại công trường, phía công ty thường xuyên tổ chức tập huấn các yêu cầu kỹ thuật. Trước khi vào làm việc, công nhân đều được họp và phổ biến quy định an toàn lao động, không uống rượu, bia. "Nếu công nhân nào bị ốm đều được cấp phát thuốc, nghỉ ngơi và không cho phép lên trụ tháp thi công", anh Toàn nói và chia sẻ thêm, việc thi công dự án trên khu vực trụ tháp rất cao, cách mặt nước hàng chục mét nên công nhân phải luôn nêu cao tinh thần bảo đảm an toàn lao động.
Được biết, cầu Mỹ Thuận 2 là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5.003 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị hơn 3.389 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu khớp nối với đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (nút giao An Thái Trung, huyện Cái Bè), điểm cuối khớp nối với dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (nút giao QL80, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.