Lễ khởi công xây dựng cầu dân sinh Cáng Dông thuộc xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: I.C |
Cầu Cáng Dông dự kiến sẽ được hoàn thành sau 3 tháng, có chiều dài 32m, rộng 4m (gấp gần 4 lần so với cây cầu thô sơ hiện tại), tải trọng cho phép 8 tấn, đường dẫn vào cầu dài 242m. Nó sẽ thay thế hoàn toàn cho cầu trước đó làm bằng gỗ dài 10m rộng 1,5m, chỉ lưu thông được xe thô sơ. Việc cây cầu này được xây dựng sẽ chấm dứt cảnh gần 1.200 người dân sống tại hai bên cầu thường xuyên phải qua sông bằng cầu tạm, cầu tre đã tồn tại nhiều năm qua; các cháu học sinh đi lại qua song an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ. Vị trí cầu nằm tại xã Nậm Khắt, cũng một trong những địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn.
Được biết, nhiều năm nay, người dân xã Nậm Khắt gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại qua suối Nậm Cai với cây cầu tạm bắc qua bằng hai thanh dầm sắt và mấy miếng gỗ sơ sài làm nền ở phía trên, mỗi khi có người đi qua đều rung lên bần bật. Năm 2016, cây cầy này bị trôi mất 2 lần vì nước lớn. Năm nay cũng bị trôi mất 1 lần, mặc dù mới đầu mùa mưa lũ. Khi nước lũ dâng cao, 100 hộ dân bản Páo Khắt thường xuyên bị cô lập. hoặc phải vất vả tìm đường khác vượt suối để ra trung tâm xã mua nhu yếu phẩm. Ngược lại, học sinh không thể tiếp cận ngôi trường nằm trong bản, đành phải nghỉ học.
Ông Lê Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: “Cầu cũ hiện nay do bà con tự dựng bằng gỗ đã nhiều lần bị lũ cuốn trôi trong mùa mưa. Chỉ tính năm 2016 đến nay, cầu đã bị cuốn trôi 3 lần. Khi trời mưa lũ, việc đi lại của người dân, đặc biệt là các cháu học sinh gần như bị gián đoạn. Cầu Cáng Dông mới do Viettel tài trợ khi đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo nhu cầu đi lại an toàn, tạo tiền đề để giảm bớt khó khăn trong đời sống, phát triển kinh tế xã hội cho người dân nơi đây, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho các cháu nhỏ đến trường”.
Trước đó, trong năm 2016, Viettel cũng phối hợp Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng 5 chiếc cầu dân sinh khác tại các xã, huyện nghèo: Cầu Mới (xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An); Ngòi Hút (xã Đông An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái); Na Cho (xã Căm Muộn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An); Cầu 603 (thôn 3, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng); Bản Mới (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của chương trình “Nhịp cầu yêu thương” do Bộ GTVT phát động với số tiền để xây 6 cây cầu là 25 tỷ đồng”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.