Xây dựng tốt quy hoạch phát triển giao thông vận tải góp phần quan trọng trong phát triển bền vững của khu vực Nam Trung bộ

28/05/2016 05:51

Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông trong khu vực hợp lý, ngoài việc thỏa mãn nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách trong tương lai, mà còn góp phần cho sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

ª TS. Trần Thị Quỳnh Như

Trường Đại học Xây dựng miền Trung

Người phản biện:

TS. Nguyễn Quỳnh Sang

TS. Trần Quang Phú

Tóm tắt: Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông trong khu vực hợp lý, ngoài việc thỏa mãn nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách trong tương lai, mà còn góp phần cho sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Từ khóa: .

Abstract: A reliable planning of transportation system in south-central region of Vietnam, not only enhancing demands of freight and passengers in future, but being a factor to sustainable developmemt of economy and scociety and also upgrading manufactory, improved life of scocial culture and security-defense.

Keywords: Transport systems, sustainable development, planning.

1. Đặt vấn đề

 Khu vực Nam Trung bộ nằm giữa hai miền Nam - Bắc là một lợi thế, do vậy cần phải nhanh chóng hoàn chỉnh một hệ thống giao thông hiện đại nhằm tạo tiền đề cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, củng cố an ninh quốc phòng,  giữ gìn nét đặc trưng riêng của khu vực.

Để đáp ứng được mục tiêu trên và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế, xã hội, công tác quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở GTVT trong khu vực phải thực sự đi trước một bước.

2. Vai trò và mục tiêu của quy hoạch GTVT với sự phát triển bền vững khu vực Nam Trung bộ

2.1. Vai trò của quy hoạch GTVT với sự phát triển bền vững khu vực Nam Trung bộ

Hiện nay, tuy quy hoạch phát triển giao thông khu vực Nam Trung bộ đã được phê duyệt, nhưng việc rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch là nhiệm vụ thường xuyên của các ngành và địa phương để quy hoạch phù hợp với quá trình phát triển trên quan điểm sau:

- Quy hoạch phát triển GTVT khu vực Nam Trung bộ phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT quốc gia, định hướng phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và của các địa phương khác có liên quan.

- Hệ thống giao thông trong khu vực phải là bộ phận hữu cơ trong hệ thống giao thông thống nhất của toàn quốc, tức là phải có sự kết nối hợp lý hệ thống giao thông địa phương với hệ thống giao thông quốc gia với mục đích tận dụng cơ sở hạ tầng của giao thông quốc gia để phát huy thế mạnh của địa phương trong việc nhập và xuất hàng hóa của địa phương đến các vùng trên cả nước và quốc tế.

- Phải chú trọng phát triển giao thông đường biển dọc bờ và xây dựng các tuyến vành đai biển, vừa tạo điều kiện cho phát triển kinh tế biển, vừa đảm bảo phục vụ tốt an ninh, quốc phòng, cũng như phòng chống thiên tai như hạn, mưa, lụt bão.

- Quy hoạch phát triển giao thông khu vực phải tập trung có trọng điểm nhằm tạo ra một hệ thống liên hoàn giữa các dạng giao thông, tức là: Tạo ra mối liên kết giữa giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy, đảm bảo mối liên hệ với hệ thống giao thông của cả nước, khu vực và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Phát huy lợi thế tối đa về địa lý và điều kiện tự nhiên của vùng là cầu nối giao lưu kinh tế Bắc - Nam, là cửa ngõ thông ra biển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; kết hợp hài hòa giữa các phương thức vận tải, tạo thành một mạng lưới vận tải thống nhất trong toàn tỉnh và khu vực; cần phát huy thế mạnh vận tải biển của khu vực, đặc biệt là những cảng nối với đường xuyên Á, đường hàng hải quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển và an ninh quốc phòng.

- Huy động tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt chú trọng nguồn lực ở địa phương dưới mọi hình thức và mọi thành phần kinh tế để đầu tư phát triển GTVT; xã hội hóa việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, người sử dụng hạ tầng giao thông có trách nhiệm đóng góp để bảo trì lâu dài và tái đầu tư xây dựng sơ sở hạ tầng giao thông, đồng thời giữ nét kiến trúc đặc thù của khu vực.

- Dùng quỹ đất hợp lý để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và đảm bảo hành lang ATGT; quy hoạch sử dụng đất cho cơ sở hạ tầng giao thông cần có sự thống nhất và phối hợp thực hiện đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ, ngành khu vực và địa phương.

Đối với các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ thì phát triển vận tải đường bộ hiện tại đang khai thác là phương thức vận tải chính phù hợp nhất. Hiện nay, tỷ trọng vận tải đường bộ chiếm khoảng 82% về hành khách và hàng hóa. Vận tải đường bộ phục vụ mọi mặt đời sống, sản xuất với địa bàn rộng lớn kể cả đồng bằng, ven biển trung du, miền núi.

2.2. Mục tiêu phát triển giao thông đường bộ khu vực Nam Trung bộ

Mục tiêu tổng quát của định hướng phát triển giao thông đường bộ là phát triển mạnh kết cấu hạ GTVT địa phương, đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn kết được mạng GTVT địa phương với mạng GTVT quốc gia, tạo sự liên hoàn thông suốt và chi phí vận tải hợp lí, phù hợp với đa số dân cư. Phải thực sự coi giao thông đường bộ là một mảng quan trọng trong hệ thống giao thông, là động lực phát triển kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp của đại bộ phận nhân dân, cũng phải được quan tâm đầu tư và bảo trì thỏa đáng theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả khai thác lâu dài. Bên cạnh đó cũng có sự liên kết với các loại hình giao thông khác như khai thác kết hợp đường biển và đường sắt trong vận chuyển hàng hóa để tạo hiệu quả cao trong khâu vận tải.

Duy trì và củng cố nâng cấp mạng lưới giao thông hiện có theo đúng tiêu chuẩn kĩ thuật đường giao thông, đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa; tiếp tục xây dựng hệ thống mạng lưới giao thông của mỗi tỉnh gắn với mạng lưới giao thông quốc gia; từng bước xây dựng hệ thống cầu chui, cầu vượt tại các giao cắt đường cao tốc, quốc lộ và đường địa phương, đảm bảo ATGT; cải tạo và xây dựng hệ thống cầu cống đạt tiêu chuẩn kĩ thuật theo yêu cầu của các cấp hạng đường.

Quy hoạch mạng lưới đườngbộ nhằm xác định chức năng của các tuyến đường bộ riêng biệt để đáp ứng nhu cầu tiếp cận của người dân bằng việc xây dựng các tuyến đường bộ gần các vị trí có các công trình, dịch vụ, các khu vực hoạt động kinh tế và phù hợp với cấu trúc không gian của các tỉnh, huyện, xã, với chức năng và nhu cầu tiếp cận các tuyến đường kết nối bằng việc đánh giá mức độ tiếp cận của phương tiện mà nó có thể mang lại; đồng thời sử dụng các số liệu về đặc tính kinh tế - xã hội của khu vực để xác định tầm quan trọng của các tuyến nối đường bộ trong việc xác định các ưu tiên đầu tư và phối hợp tại cấp tỉnh đầu tư vào mạng lưới đường tỉnh, huyện; quy hoạch phát triển chặt chẽ các đường tỉnh để cung cấp sự kết nối cấp cao hơn.

Ưu tiên nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ: Tạo mạng lưới giao thông thông suốt và dễ dàng cho vận tải hàng hóa và hành khách; xác lập hệ thống giao thông trong khu vực kinh tế trọng điểm mới được qui hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống khác phát triển; xác định mối liên hệ giữa mạng lưới giao thông quốc gia đi qua mỗi tỉnh; đảm bảo thuận tiện cho đi lại, không ách tắc, nhanh chóng, an toàn, giữ gìn cảnh quan môi trường và phát triển du lịch. Các tuyến quốc lộ này được thực hiện theo đúng chiến lược phát triển hệ thống quốc lộ do Bộ GTVT qui hoạch phù hợp với mạng lưới đường bộ chung của cả nước và được nâng cấp đường với kết cấu bê tông nhựa từ cấp I - cấp III đồng bằng. (hiện nay QL1A đang được nâng cấp).

Ưu tiên mở rộng, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ: Thực hiện nâng cấp, mở rộng các tuyến tỉnh lộ tạo năng lực vận tải phù hợp trong tình hình mới. Đây là các tuyến nối giữa các huyện trong tỉnh với nhau nên lưu lượng vận tải qua lại tương đối lớn. Đời sống của người dân đã được cải thiện. Các khu vực kinh tế phát triển ở một số tỉnh thành chủ yếu tập trung tại miền đồng bằng, các khu vực giáp gianh và có cự ly ngắn đến các trung tâm đô thị, các khu vực nông thôn cung cấp các dịch vụ cho các trung tâm đô thị, các làng nghề, các khu vực buôn bán hàng hóa nông sản ở nông thôn… Lưu lượng hàng hóa trao đổi và hành khách đi lại giữa các khu vực có kinh tế phát triển với trung tâm đô thị ngày một gia tăng. Các loại phương tiện cơ giới lưu thông trên đường cũng gia tăng đáng kể cả về chủng loại và số lượng, đặc biệt là các phương tiện chạy tốc độ cao hơn lưu thông ngày càng nhiều. Chính vì vậy, nhu cầu đòi hỏi hệ thống giao thông đường bộ cần thiết phải đuợc nâng cấp, cải tạo phù hợp với nhu cầu mới. Về lâu dài và để phát triển hệ thống giao thông bền vững thì đầu tư phát triển các tuyến tỉnh lộ sẽ khai thác và tận dụng công suất trong quá trình khai thác vận chuyển trong nội tỉnh, hay các vùng lân cận để giảm áp lực lên các trục giao thông chính như quốc lộ hiện nay.

3. Thực trạng quy hoạch giao thông khu vực Nam Trung bộ

Như đã đề cập, hiện nay chưa có qui hoạch cụ thể từng giai đoạn từng khu vực theo sự phát triển của dân cư, cơ cấu kinh tế nên trong quá trình đầu tư các công trình giao thông còn lúng túng, chưa đúng trọng tâm. Các công trình giao thông khi tiến hành xây dựng phải chú trọng đến tính lâu dài và dự báo nhu cầu vận tải trong tương lai, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, tạo khó khăn cho việc phát triển giao thông sau này. Với nguồn vốn còn thiếu như hiện nay, trong khi đó lại quá nóng vội trong quá trình đô thị hóa, mở rộng nên dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, không tập trung trọng điểm các khu vực cần ưu tiên.

Ngoài ra, tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng (biển, du lịch, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, nguồn nhân lực dồi dào...), các ngành kinh tế chủ lực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của các địa phương có sự trùng lặp nên địa phương nào cũng bị phân tán nguồn lực đầu tư (cả nhà nước lẫn tư nhân). Tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp vẫn còn khá lớn nên hiện nay nguồn vốn đầu tư mới đáp ứng một phần yêu cầu phát triển, nhất là yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng; thiếu các cơ chế, chính sách cho việc huy động vốn cũng như liên kết kinh tế. Mặc dù có tốc độ phát triển kinh tế khá cao nhưng các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp.

Tuy nhiên, khu vực Nam Trung bộ đang dần dần hình thành những khu kinh tế trọng điểm, những khu đô thị mới nên sẽ tránh được những sai lầm đáng tiếc trong qui hoạch trước đây mà các tỉnh thành khác đã mắc phải. Bên cạnh đó, quỹ đất chưa sử dụng khá dồi dào, rất thuận lợi và dễ dàng hơn trong qui hoạch hay giải tỏa; khả năng thu hút đầu tư của khu vực này với những chính sách ưu đãi đặc biệt đang được sự chú ý quan tâm của những nhà đầu tư trong và ngoài nước trong tương lai. Mặc khác, sự ưu tiên đầu tư của chính phủ vào những tỉnh thành ở khu vực này mang tầm chiến lược quốc gia, từ đó cũng tạo ra những thách thức đối với khu vực trong qui hoạch tổng thể và chi tiết để phù hợp với từng gian đoạn, đòi hỏi phải có tầm chiến lược, tránh qui hoạch manh mún, nhỏ lẻ cho từng dự án, từng thời kỳ, khi đó sẽ gặp lại những sai lầm. Do đó, đối với qui hoạch giao thông nên quan tâm hơn nữa đối với khả năng liên kết các dự án, các vùng lại với nhau trong tương lai.

4. Một số giải pháp phát triển hệ thống giao thông đường bộ khu vực Nam Trung bộ

Căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế của các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ đến năm 2020, đồng thời kết hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển miền Trung Việt Nam và định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng lần thứ XI đặt ra, phát triển GTVT nói chung và giao thông đường bộ nói riêng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển GTVT theo hướng hiện đại, ứng dụng các phương thức vận tải tiên tiến, quan tâm hơn về vận tải đa phương thức, nâng cao dịch vụ vận tải, đặc biệt là vận tải đường bộ.

Hình thành mạng lưới giao thông đường bộ khép kín phủ rộng khắp khu vực Nam Trung bộ và được bố trí một cách hợp lý, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách trong khu vực và các vùng lân cận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, khu vực và cả nước; xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo mạng đường GTVT đến năm 2020:

- Tiến hành xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh bằng cách từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của từng địa phương khớp nối với hệ thống giao thông đường bộ liên tỉnh và với quốc tế;

- Triển khai các trục dọc, hoàn chỉnh và kết nối các đoạn tuyến du lịch ven biển, các hầm qua đèo trong khu vực;

- Nâng cấp các đường hành lang Đông - Tây, kết nối cảng biển lên Tây Nguyên và các cửa khẩu.

Đối với hệ thống quốc lộ đang nâng cấp và sẽ đạt đường cấp I đến cấp III đồng bằng theo mạng lưới đường bộ chung của cả nước theo quy hoạch Bộ GTVT, chỉ giới xây dựng 60m và đường cao tốc Bắc - Nam.

Đối với đường tỉnh khu vực Nam Trung bộ, phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản sẽ đạt kết cấu đường cấp III đến cấp IV đồng bằng (với yêu cầu kỹ thuật: Mặt 7m, nền 12m); xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo mạng đường huyện và xã đến năm 2020, đảm bảo 75% mặt đường được bê tông hóa và nhựa hóa. Trong đó, mặt đường huyện đảm bảo 85% được bê tông hóa và nhựa hóa, 100% các công trình thoát nước trên huyện được vĩnh cửu. Kết cấu đường nhựa và bê tông xi măng từ cấp V đến cấp VI là phổ biến.

Ngoài ra, từ những bài học kinh nghiệm về qui hoạch giao thông của các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ giúp cho việc lập qui hoạch giao thông của các tỉnh trong khu vực được dễ dàng hơn, khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả sử dụng, nâng cao năng lực phục vụ.

  5. Kết luận

Tóm lại, có thể nói về mạng lưới, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực Nam Trung bộ đã đảm bảo sự liên kết vận tải giữa các vùng, miền trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng, là cầu nối giữa hai miền Bắc, Nam, đồng thời là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, về chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông cũng như chất lượng dịch vụ vận tải còn nhiều hạn chế. Đường bộ là phương thức vận tải quan trọng nhất trong khu vực (chiếm khoảng 82%) nhưng còn đang trong quá trình xây dựng, cải tạo và nâng cấp, hiện chưa có đường bộ, đường sắt cao tốc, các trục giao thông chính yếu còn hạn chế về quy mô, năng lực thông qua của đường, nhiều đoạn còn chưa thông suốt, sự kết nối giữa các trục chính còn thiếu, một số tuyến đường tránh đô thị lớn trong vùng còn chưa được xây dựng.

Cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, nhu cầu vận chuyển, sự giao lưu qua lại tác động lẫn nhau giữa các khu vực, vùng miền để trao đổi là không thể thiếu được, mà ngày càng có xu hướng tăng, đặc biệt là những vùng kinh tế trọng điểm, nơi thu hút sản xuất với năng suất rất cao. Hiện nay, các tỉnh, thành trong khu vực Nam Trung bộ có tốc độ phát triển ngày càng gia tăng một cách đáng kể, cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Kinh tế phát triển ở khu vực kéo theo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cũng tăng theo, cả về vật chất lẫn tinh thần ngày càng được nâng lên. Trong đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như hành khách cũng tăng lên không ngừng, báo hiệu một tiềm năng to lớn đối với phát triển vận tải hàng hóa và hành khách trong khu vực, đặc biệt các khu vực đồng bằng, trung du.

Để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong khu Nam Trung bộ cũng như của toàn quốc, quy hoạch phát triển giao thông và quy hoạch phát triển các ngành phải thực sự đi trước một bước. Có như vậy mới đảm bảo cho việc nâng cao hiệu quả đầu tư, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững.

Tài liệu tham khảo

[1]. Báo cáo tổng kết ngành GTVT các tỉnh khu vực Nam Trung bộ qua các năm 2010 - 2015.

[2]. Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (2006), Nghiên cứu phát triển giao thông đường bộ khu vực miền Trung.

[3]. Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (2007), Báo cáo quy hoạch phát triển giao thông ven khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020.

[4]. Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (2010), Chiến lược quy hoạch và chính sách phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, 2030.

Ý kiến của bạn

Bình luận