“Xe buýt đầu gấu” nỗi ám ảnh của người dân Hà Tĩnh

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 29/10/2019 06:35

Bắt chẹt hành khách, lạng lách đánh võng trên đường, hành xử côn đồ... là cảnh thường gặp trên những chiếc “xe dù” đội lốt xe buýt từ TP. Hà Tĩnh đi huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

 

Anh1.

Mặc dù là xe hợp đồng, tuy nhiên với màu sơn “nhái xe buýt”, xe khách mang BKS 38B-012.63 tổ chức bắt khách, thu tiền bán vé công khai

Từ lời than vãn của nhiều người dân và các tài xế xe buýt, trong vòng gần một tháng qua, nhóm PV Tạp chí GTVT đã thâm nhập vào “thế giới” của những chiếc “xe buýt đầu gấu” nhưng lại hoạt động rất rầm rộ trên tuyến TP. Hà Tĩnh - huyện Kỳ Anh, ghi lại nhiều câu chuyện khó tin. Đó là những tuyến buýt luôn hành xử theo... “luật rừng” khiến hành khách khiếp đảm, e sợ, gọi với cái tên “tập đoàn xe đầu gấu”.

Có mặt tại cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi nhận diện ngay chiếc xe mang BKS 38B-012.63, vốn đã bị Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh rút giấy phép hoạt động và được giới tài xế ở Hà Tĩnh “chỉ điểm” là xe “đầu gấu”, luôn hành xử côn đồ.

Một buổi trưa đầu tháng 8/2019, chiếc xe có màu sơn giống xe buýt mang BKS 38B-012.63 với lộ trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh - huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) ghé trạm buýt tại ngã 3 Trần Phú - Hà Huy Tập cho nhân viên xuống bắt khách. PV Tạp chí GTVT cùng anh L.M.H (trú tại xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) bị nữ nhân viên đẩy lên xe. Chúng tôi nói đang chờ xe buýt về khu kinh tế Fomosa, huyện Kỳ Anh, không lên xe này nhưng nhân viên vừa đẩy vừa la: “Xe buýt xịn đây, đợi gì nữa”. Vừa leo lên xe, chúng tôi lập tức bị thu liền mỗi người 40.000 đồng mà không hề có vé.

Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định xe chở khách theo hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch chỉ được thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết cho cả chuyến xe; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức...; không được hoạt động thường xuyên trên một tuyến như xe khách đăng ký chạy tuyến cố định. Như vậy, cách thức hoạt động của chiếc xe trên là trái với quy định.

Xe buýt thật đang bị “ăn cắp”

Anh3
Xe buýt nhái chèn, ép xe buýt thật

Ngày 10/8 vừa qua, chiếc xe treo bảng “1A” và bảng biển Kỳ Phương, Kỳ Anh mang BKS 38B-001.16 dừng trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Nhân viên của xe nhào xuống đường hỏi chúng tôi đi đâu. Vừa nghe nói: “Cầu Rác, Cẩm Xuyên”, lập tức anh này nắm tay lôi PV xồng xộc lên xe, chỉ tay xuống ghế: “Ngồi đây, đưa tiền xe luôn, 30.000 đồng”. PV thắc mắc giá vé xe buýt 1B bình thường có 20.000 đồng, anh này hất mặt: “Giá lên, được không?”.

Ngày 15/8, chúng tôi đón xe tại trạm xe buýt Cầu Phủ, TP. Hà Tĩnh. Chiếc xe 24 chỗ có màu sơn giống xe buýt mang BKS 38B-012.63 để bảng “1A” dừng lại đón khách. Thấy khách đông, tài xế vội vàng lấy bảng biển “Kỳ Phương, Kỳ Anh” để trước xe. Nữ nhân viên hò hét: “Buýt Kỳ Phương, Kỳ Anh đây, về trong khu kinh tế Fomosa luôn…”. Cùng với nhiều người khác, PV bị kéo lên xe. Đi từ Cầu Phủ tới thị trấn Kỳ Anh bình thường chỉ mất khoảng 40.000 đồng thì xe này thu của PV đến 50.000 đồng. Thấy một chiếc xe buýt mang mã số tuyến “1B” của Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Hà Tĩnh vừa ghé, tài xế xe này cũng rồ ga, bẻ lái, lấn đường không cho xe của Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Hà Tĩnh vượt lên.

Một hành khách vỡ lẽ: “Trời ơi, mình đi nhầm “xe dù” rồi”. Đứng hơn một giờ đồng hồ mà chiếc xe trên vẫn không chạy, nhiều hành khách hỏi thì tài xế thản nhiên: “Chưa đủ ghế”. Nhiều người bước xuống vây phụ xe đòi trả lại tiền nhưng nữ phụ xe thách thức: “Đi thì lên đi, chứ không có việc trả lại tiền đâu”.

Từ thị trấn Cẩm Xuyên lên thị trấn Kỳ Anh khoảng 40km có rất nhiều điểm đón khách, mỗi lần đến gần những điểm đón khách này thì lái, phụ xe BKS 38B-012.63 đều tìm cách nạt nộ tài xế xe buýt của Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Hà Tĩnh để không cho đón khách.

Lên đến trạm thu phí Cầu Rác (huyện Kỳ Anh), khi xe đang chạy bon bon thì phát hiện phía trước mặt có đông khách đứng đợi, chiếc xe “buýt rởm” liền bật xi-nhan phải nhưng vẫn dừng chính giữa đường, vừa đón khách vừa ngăn không cho xe buýt phía sau vượt lên. Rất nhiều hành khách đi xe sau bức xúc nhưng không ai dám phản ứng trước vẻ côn đồ của gã lơ xe phía trước.

Không nghe là chém

Theo một lãnh đạo Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Hà Tĩnh, nhiều năm qua hai chiếc xe dù nhái xe buýt BKS 38B-011.16 và 38B-012.63 do hai anh em ruột là Phan Văn Lĩnh và Phan Văn Định điều khiển dù không được cấp phép hoạt động xe buýt, cũng không được cấp tuyến cố định nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động và thường xuyên lạng lách, chèn ép, giành giật khách. Một tháng trước, tài xế Lĩnh điều khiển xe BKS 38B-011.16 còn hành hung tài xế của Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Hà Tĩnh.

Cụ thể, nạn nhân bị đánh là anh Phan Đình Hải (sinh năm 1970, trú tại TP. Hà Tĩnh) là nhân viên lái xe của Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Hà Tĩnh. Anh Hải cho biết, sáng ngày 9/02 (mồng 5 Tết Kỷ Hợi 2019), khi anh điều khiển xe buýt từ phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) chạy ra TP. Hà Tĩnh, đến ngã ba Formosa (phường Kỳ Liên) đang đón khách thì chiếc “xe dù” BKS 38B-011.16 từ phía sau chạy lên chèn bên cửa không cho hành khách lên xe buýt. Thấy vậy, anh Hải điều khiển xe tiến lên để khách lên xe thì tài xế chiếc “xe dù” Phan Văn Lĩnh đã lái xe nhào lên đâm hỏng nhiều ghế nhựa của một nhà dân bên đường rồi bất ngờ cầm ghế ném vào anh Hải. Tài xế Lĩnh còn cầm tuýp sắt đánh vào đầu anh Hải khi anh đang cầm vô lăng ngồi trong xe buýt.

“Sau khi bị đánh, đầu tôi chảy máu rất nhiều, tôi choáng váng chạy vào đồn công an ở phường Kỳ Liên cạnh đó trình báo rồi đi Bệnh viện thị xã Kỳ Anh khâu vết thương”, tài xế Hải kể.

Trước đó, chị Võ Thị Hoài (27 tuổi, trú tại xóm 8, xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đã có đơn trình báo lên Công an thị trấn Cẩm Xuyên. Theo đó chiều ngày 11/3, do nhầm là xe buýt nên chị Hoài đã đón chiếc xe BKS 38B-011.16 từ TP. Hà Tĩnh để về xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Khi lên xe, tài xế điều khiển phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách. Sợ bị tai nạn nên chị đã xuống xe ở thị trấn Cẩm Xuyên rồi dùng điện thoại để chụp ảnh nhằm gọi đến đường dây nóng phản ánh. Tuy nhiên, khi vừa chụp ảnh chị liền bị người của nhà xe này xông đến giật điện thoại, hành hung khiến chị bị chảy máu mũi, sưng môi.

Vụ việc sau đó đã được Công an thị trấn Cẩm Xuyên chuyển hồ sơ lên Công an huyện Cẩm Xuyên xử lý. Theo Công an huyện Cẩm Xuyên, chiều ngày 12/3, bà Phan Thị Thu Hiền đã đến trình diện với Công an. Tại đây, Công an xác định bà Hiền chính là nhân viên tham gia cùng chồng là tài xế Phan Văn Lĩnh điều khiển chiếc xe BKS 38B-011.16 hành hung nữ hành khách Võ Thị Hoài chiều ngày 11/3.

Có thể nói, tình trạng xe “đầu gấu” lộng hành trên QL1 từ TP. Hà Tĩnh đi huyện Kỳ Anh vốn dĩ trở thành một thực trạng hết sức nhức nhối, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách, gây mất TTATGT cũng như an ninh trên tuyến, là mối đe dọa của những doanh nghiệp, cá nhân hoạt động vận tải hành khách chân chính, đây cũng là nguyên nhân khiến người dân trên địa bàn phẫn nộ và khiếp đảm. 

Thiết nghĩ, các lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này để đem lại sự bình yên cho hành khách, trả lại sự bình đẳng, lành mạnh trong cạnh tranh vận tải về xe buýt trên địa bàn tỉnh

Ý kiến của bạn

Bình luận