Nhiều chiếc xe buýt loại to nối đuôi nhau trong khung giờ cao điểm cũng khiến cho giao thông thêm ùn tắc. Ảnh C.T.V |
Chết oan do xe buýt
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông chết người liên quan đến xe buýt trên trục đường Cầu Giấy - Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Cụ thể, vụ tai nạn xảy ra ngày 23.2 khiến một phụ nữ tên Nguyễn Thị Thảo (SN 1987, ở Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội) tử vong tại chỗ. Chưa đầy một tuần sau, ngày 29.2, nam thanh niên Nguyễn Văn Hoàn (25 tuổi) đi xe máy BKS 29X3 - 062.71 cũng bị xe buýt chèn qua người tử vong. Các vụ va chạm giao thông liên quan đến xe buýt cũng xảy ra thường xuyên trên trục đường này khiến người tham gia giao thông lo lắng.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay đường Cầu Giấy - Xuân Thủy đang bị rào chắn đến 2/3 mặt đường để thi công đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội nên các phương tiện lưu thông rất khó khăn. Vào các giờ cao điểm, lượng phương tiện giao thông qua đây rất đông. Các phương tiện đôi lúc phải tìm cách giải thoát là leo lên vỉa hè. Nhiều ý kiến cho rằng, lòng đường chật hẹp, xe máy lưu thông khó khăn, trong khi xe buýt cỡ lớn chiếm đa phần diện tích đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm.
Khi đường bị thu hẹp do thi công, xe buýt không có làn riêng mà phải đi chung với các phương tiện khác. Nếu là xe nhỏ thì sẽ đỡ chật và nguy hiểm hơn. “Nhiều hôm, mấy chiếc xe buýt “khổng lồ” nối đuôi nhau, chiếm trọn cả lòng đường khiến những người đi xe máy không còn chỗ để di chuyển. Đã chật hẹp như vậy nhưng nhiều người cứ cố luồn lách lên rất nguy hiểm”, anh Nguyễn Văn Sơn (32 tuổi ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay.
Trong buổi làm việc với Lao Động, khi PV đặt vấn đề phải chăng nên thay xe buýt loại nhỏ như một số ý kiến nêu ra, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, đây là một phương án cần được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện. “Chúng ta cần phải xét tất cả các điểm được, điểm chưa được của đề xuất đó. Nếu trường hợp mà hội tụ được những điểm tốt nhiều và về lâu dài thì cũng nên thực hiện. Còn nếu để giải quyết trước mắt, không thay thế được lâu dài, chỉ chộp giật thì không nên”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, trước việc lòng đường bị thu hẹp vì công trình, đơn vị đã giảm đáng kể 1/3 tần suất xe buýt đi trong giờ cao điểm tại tuyến đường này. Nói về nguyên nhân các vụ tai nạn chết người liên quan đến xe buýt xảy ra vừa qua, ông Hải cho rằng đều do người đi xe máy bị ngã, diện tích mặt đường quá nhỏ nên xe buýt không phanh kịp và không còn diện tích để tránh.
Thay xe buýt nhỏ có khả thi
Liên quan đến vấn đề này, đại úy Đặng Thành Trung - Đội phó Đội CSGT số 6 (Công an Hà Nội) cho rằng, trong thời gian vừa qua, lãnh đạo đội đã có văn bản báo cáo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt Hà Nội, đồng thời đã có một số kiến nghị lên Sở Giao thông Vận tải về việc thay thế xe buýt loại to bằng xe buýt cỡ nhỏ để hoạt động trên trục đường bị rào chắn Xuân Thủy - Cầu Giấy. “Theo đánh giá của tôi, với thực tế như hiện nay, đoạn đường Xuân Thủy - Cầu Giấy đang bị thu hẹp do công trường xây dựng, nếu thay xe buýt cỡ nhỏ chắc chắn giao thông sẽ được cải thiện và tính khả thi rất cao...”, đại úy Trung khẳng định.
Theo đại úy Trung, khi mặt đường nhỏ hẹp, nếu xe loại nhỏ lưu thông sẽ giảm áp lực cho các phương tiện khác, nới rộng diện tích mặt đường, tạo độ thông thoáng và tầm quan sát cho các phương tiện đặc biệt là xe máy.
Trao đổi với PV, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay: Hiện nay, loại xe buýt nhỏ rất phù hợp với cầu đường của chúng ta, tuy nhiên, về tần suất của các loại xe buýt nhỏ sẽ tăng lên đặc biệt là vào giờ cao điểm. Đối với các loại xe buýt lớn thì có tải trọng lớn nhưng nó giảm bớt được tần suất. “Về quan điểm thay xe buýt nhỏ hay vẫn để xe buýt lớn hoạt động là một bài toán về giao thông của nội đô. Bây giờ cần phải xem xét lại ở những tuyến đường hẹp thì có thể cho những xe buýt tải trọng thấp hơn. Những loại đường lớn nó phải sử dụng xe buýt lớn”, ông Liên nói.
Theo ông Liên, trong giờ cao điểm thì có thể dùng xe buýt lớn. Hiện, nhiều tuyến đường giờ thấp điểm rất ít khách như thế cũng làm lãng phí xăng dầu, ô nhiễm. Ở đây đòi hỏi sự hài hòa linh hoạt. “Rõ ràng gắn cái đó sẽ khó cho cơ quan đầu tư vì nó nhiều chủng loại còn về đơn vị quản lý cũng rất phức tạp cho nên đây là vấn đề cần nghiên cứu”, ông Liên nói thêm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.