Chết oan do xe buýt chiếm trọn lòng đường

Ý kiến phản biện 01/04/2016 17:02

Những cái chết tức tưởi liên tiếp xảy ra trên trục đường Xuân Thủy - Cầu Giấy (Hà Nội ) trong thời gian qua đã được lực lượng chức năng cho rằng do xe buýt quá to, trong khi trục đường này bị thu hẹp.

 

Chết oan do xe buýt chiếm trọn lòng đườn
Xe buýt chiếm phần lớn diện tích đường, xe máy rất khó khăn để lưu thông - Ảnh: Minh Chiến

Thời gian gần đây, các vụ va chạm giao thông liên quan đến xe buýt thường xuyên xảy ra trên trục đường Cầu Giấy - Xuân Thủy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội). Chỉ trong tháng 2 đã có liên tiếp 2 vụ xe buýt cán chết người trên trục đường này. Cụ thể, ngày 23.2, xảy ra một vụ tai nạn xe buýt khiến chị Nguyễn Thị Thảo (29 tuổi, ở Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội) tử vong. Ngày 29.2, nam thanh niên Nguyễn Văn Hoàn (25 tuổi) cũng bị xe buýt chèn qua người tử vong.

Phân tích về nguyên nhân, trung tá Nguyễn Trung Thành, Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Công an TP.Hà Nội) cho rằng, các vụ tai nạn vừa qua đều cho thấy do đường hẹp, xe buýt cồng kềnh, buộc các phương tiện xe máy leo lên hè lấn làn để lưu thông. “Khi đi trên vỉa hè ghồ ghề, vướng nhiều chướng ngại vật, người điều khiển xe máy chệch tay lái, trượt ngã xuống đường đúng thời điểm xe buýt lao đến, nên xảy ra tai nạn thảm khốc”, trung tá Thành nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đường Cầu Giấy - Xuân Thủy đang bị rào chắn đến 2/3 mặt đường để thi công đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, nên các phương tiện lưu thông rất khó khăn. Lòng đường chật hẹp, trong khi xe buýt cỡ lớn chiếm đa phần diện tích đường, nên hầu như không còn lối đi cho xe máy. Chị Bùi Thanh Huyền (P.Cầu Diễn, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Từ ngày đường Cầu Giấy - Xuân Thủy bị rào chắn, tôi di chuyển bằng xe máy rất khó khăn. Đặc biệt khi xe buýt cồng kềnh đi qua, không có làn riêng nên xe máy phải đi sát xe buýt, rất nguy hiểm”.

Kiến nghị thay xe buýt cỡ nhỏ

Theo trung tá Thành, Đội CSGT số 6 đã có văn bản báo cáo Phòng CSGT Đường bộ đường sắt Hà Nội, đồng thời kiến nghị lên sở GTVT thay thế xe buýt hiện tại bằng xe buýt cỡ nhỏ, để hoạt động trên trục đường này. Ông Thành cho biết, xe buýt cỡ nhỏ lưu thông sẽ giảm áp lực cho các phương tiện khác, nới rộng diện tích mặt đường, tạo độ thông thoáng và tầm quan sát cho các phương tiện, đặc biệt là xe máy.

Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, để thay thế xe buýt cỡ lớn bằng xe buýt cỡ nhỏ, sẽ liên quan đến nhiều vấn đề, đặc biệt là năng lực vận chuyển, số lượng phương tiện và nhân lực phục vụ. “Khi thay 1 xe buýt to thì cần ít nhất từ 2 đến 3 xe buýt nhỏ mới đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách. Trong khi đó, tăng lượng xe sẽ ảnh hưởng đến kinh phí sắm phương tiện, nhiên liệu và tăng thêm số lượng nhân lực. Nếu xe cỡ to vẫn đáp ứng được thì nên sử dụng, phối hợp thêm với các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông khác”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, trước việc lòng đường bị thu hẹp vì công trình, đơn vị đã giảm đáng kể 1/3 tần suất xe buýt đi trong giờ cao điểm tại tuyến đường này. Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, nguyên nhân các vụ tai nạn chết người liên quan đến xe buýt xảy ra vừa qua, đều do người đi xe máy bị ngã, diện tích mặt đường quá nhỏ nên xe buýt không phanh kịp và không còn diện tích để tránh.

Ý kiến của bạn

Bình luận