Xe buýt Hà Nội: Thách thức mới, cơ hội mới

14/02/2016 06:33

Năm mới Bính Thân đang đến gần, những thách thức mới xuất hiện cùng với những cơ hội mới đang mở ra. Hướng tới tương lai, xe buýt Hà Nội tiếp tục được nhân dân Thủ đô gửi gắm niềm tin nhờ mạng lưới tuyến luôn được cải thiện và mở rộng; dịch vụ được đổi mới, xe buýt tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình trong mạng lưới giao thông đô thị Hà Nội.

dich-vu-xe-buyt
Xe buýt Hà Nội tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng phục vụ

Năm 2015 xe buýt tiếp tục được tăng cường thông qua nhiều giải pháp như cải thiện chất lượng phục vụ, đổi mới phương tiện, hợp lý hóa và phát triển mạng lưới, tăng cường quản lý và ứng dụng công nghệ. Nhờ đó, xe buýt đã thu hút hơn người sử dụng dịch vụ, góp phần giảm sử dụng phương tiện cá nhân, giảm UTGT và TNGT.

Mạng lưới tuyến tiếp tục phát huy hiệu quả với tổng số 91 (gồm 72 tuyến trợ giá, 11 tuyến không trợ giá và 8 tuyến kế cận). Trong năm, mạng lưới được hợp lý hóa, điều chỉnh và mở rộng với số lần điều chỉnh là 156 lần đối với 68 tuyến, tiếp tục vươn tới các khu dân cư, khu đô thị và các quận, huyện ngoại thành.

Đoàn phương tiện được đổi mới và tăng cường chất lượng hơn. Năm 2015 đã có 119 đầu phương tiện được đổi mới (chiếm tỉ lệ 10%), 100% số phương tiện được lắp thiết bị giám sát hành trình, đa số phương tiện đã lắp thông tin tuyến bằng đèn LED và có thông tin báo điểm dừng bằng âm thanh hỗ trợ hành khách. 

Bên cạnh đó, một loạt các dự án ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành được triển khai… Dự án thẻ vé thí điểm trên tuyến số 06 với sự hỗ trợ của Tổ chức JICA; đã trang bị phần mềm và thiết bị phát hành kiểm soát trên xe; phát hành 200.000 thẻ vé tháng cho người sử dụng. Dự án thiết lập hệ thống chốt điện tử ứng dụng công nghệ RFID đã được triển khai trong năm 2015, tham gia kiểm soát chuyến lượt cho 800 đầu xe buýt. Rõ ràng, các dự án ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang và góp phần tích cực vào việc tăng cường quản lý và cải thiện chất lượng dịch vụ xe buýt Thành phố.

Tổng hợp của nhiều giải pháp tích cực đã dẫn đến chất lượng phục vụ được cải thiện, đảm bảo các tiêu chí vận hành về chuyến lượt, biểu đồ, dừng đỗ. Những nét văn hóa trong giao tiếp, hướng dẫn bảo vệ hành khách, nhường ghế cho người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật đã trở nên phổ biến. Đây là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của cơ quan quản lý, của các doanh nghiệp và trên 4.000 lao động là nhân viên lái xe, nhân viên phục vụ hàng ngày trên mạng lưới xe buýt Hà Nội. Trong mắt người dân, xe buýt đã trở nên sạch hơn, đẹp hơn, văn minh hơn và thân thiện hơn.

Kết thúc năm 2014, xe buýt Hà Nội chuẩn bị chặng đường mới với nhiệm vụ tiếp tục cải thiện và mở rộng mạng lưới, đầu tư phát triển hạ tầng, đổi mới phương tiện, tăng cường ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh quản lý, kiểm tra giám sát để cải thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, Thành phố đang chuẩn bị cho một bước chuyển đổi mới về mạng lưới và tổ chức cho việc ra đời của các loại hình mới là BRT và đường sắt đô thị trong các năm sắp tới để hình thành một hệ thống vận tải công cộng đa phương thức.

Bước sang năm 2016, giao thông Hà Nội vẫn phải đối mặt với những thách thức, khó khăn về áp lực giao thông và yêu cầu ngày càng cao về đảm bảo TTATGT. Tính đến thời điểm hiện nay, lượng phương tiện giao thông đăng ký lên tới gần 5 triệu xe máy; 500.000 xe ô tô con; hàng nghìn xe tải các loại và hàng chục nghìn phương tiện giao thông vãng lai thường xuyên ra, vào thành phố mỗi ngày. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố, hàng tháng bình quân lại có gần 20.000 xe máy và gần 8.000 ô tô được đăng ký mới. Lãnh đạo UBND Thành phố cũng đã cảnh báo, nếu Thành phố không có giải pháp quyết liệt từ lúc này, trong khoảng 4 - 5 năm tới, tình hình giao thông Thủ đô sẽ rất phức tạp.

2016 vẫn tiếp tục là năm các công trình giao thông quan trọng được triển khai và gấp rút đẩy nhanh tiến độ, trong đó có việc thi công hai tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) và số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội). Việc triển khai thi công các tuyến đường sắt sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động và sản lượng của các tuyến buýt trên 2 trục đường này do nhiều điểm dừng bị thu hồi, di chuyển.

Tiếp theo, việc giảm giá xăng dầu liên tục trong năm qua, một mặt góp phần giảm đáng kể chi phí vận hành xe buýt (qua đó góp phần giảm trợ giá khoảng 50 tỉ đồng), mặt khác tạo điều kiện cho nhu cầu sử dụng xe máy gia tăng. Thêm vào đó, cùng với sự xuất hiện và gia tăng của loại hình xe đạp điện, taxi giá rẻ (Uber, Grab) làm gia tăng mức độ cạnh tranh của xe buýt với các loại hình giao thông cá nhân.

Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn thách thức, xe buýt có nhiều cơ hội mới để khẳng định và phát triển.

Năm 2016, theo dự kiến, tuyến buýt nhanh BRT sẽ được đưa vào vận hành, các năm tiếp theo sẽ là các tuyến đường sắt số 2A và số 3. Đây sẽ là cơ hội để mạng lưới xe buýt được cơ cấu và tổ chức lại theo hướng hợp lý hơn, hiệu quả hơn.

Năm tới, đối mặt với các vấn đề giao thông, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, quản lý bao gồm: Thi công mới, mở rộng, cải tạo nhiều đường nút giao thông, tiếp tục xử lý các điểm đen về giao thông, triển khai đề án hạn chế phương tiện cá nhân, triển khai quy hoach phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2030… Đây cũng là cơ hội để xe buýt được cải thiện mạng lưới và dịch vụ theo hướng bền vững, hiệu quả.

Nhiệm vụ trọng tâm của xe buýt Hà Nội trong năm 2016 sẽ tập trung vào các nội dung sau:

· Tiếp tục cải thiện và mở rộng tăng cường năng lực và chất lượng phục vụ của mạng lưới tuyến. Dự kiến năm 2016 sẽ đưa vào vận hành 7 tuyến buýt mới có trợ giá, đưa tổng số tuyến buýt toàn mạng lên 98 tuyến, phấn đấu vận chuyển trên 465 triệu lượt khách.

· Tổ chức lại mạng lưới xe buýt để kết nối hiệu quả với các tuyến BRT, tuyến đường sắt số 2A và số 3.

· Tiếp tục triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành, bao gồm Dự án hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông do JICA tài trợ, Dự án nhân rộng hệ thống chốt điện tử RFID.

· Củng cố tổ chức và bổ sung trang, thiết bị, công nghệ để hình thành trung tâm quản trị hệ thống vé điện tử và trung tâm điều hành giao thông công cộng Thành phố tại số 1 Kim Mã.

Bước vào năm 2016 với những khó khăn thử thách, thêm vào đó là áp lực từ việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về năng lực và chất lượng dịch vụ của nhân dân Thủ đô, đòi hỏi xe buýt phải có những bước chuyển mình vượt bậc. Những cơ hội mới sẽ là động lực không nhỏ để xe buýt gặt hái những thành công mới, góp phần tích cực hơn nữa vào việc giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, giảm UTGT, TNGT và ô nhiễm môi trường.

Ý kiến của bạn

Bình luận