Xe công vụ gây TNGT, ai chịu trách nhiệm bồi thường?

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 16/05/2023 15:31

Trong trường hợp xe công vụ gây TNGT khi đang thi hành công vụ và người thi hành công vụ đã có vi phạm giao thông thì trách nhiệm bồi thường ban đầu sẽ thuộc về cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng xe.

Lai Châu
Xe công vụ gây TNGT, ai chịu trách nhiệm bồi thường? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ TNGT liên quan đến xe công của CSGT-TT huyện Tam Đường

Liên quan đến vụ TNGT do xe chuyên dụng CSGT-TT huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) mất lái đâm vào xe tải và tông tiếp 4 xe máy trên tuyến QL32 quan địa bàn xã Bản Bo (huyện Tam Đường), luật sư Mai Quốc Việt – Công ty Luật MMT & Partners, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng nhìn nhận: "Nếu công an giao thông gây ra TNGT thì họ cũng phải chịu trách nhiệm và bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm, mức độ bồi thường cụ thể, trong trường hợp cụ thể sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự điều tra, chứng minh và xem xét từ cơ quan công an, đơn vị bảo hiểm và các bên liên quan khác".

Vào khoảng 13h5 ngày 15/5, tại Km 399+650, QL32, thuộc địa phận bản Mới, xã Bản Bo, huyện Tam Đường (Lai Châu) đã xảy ra vụ TNGT giữa xe ô tô BKS 25A-003.48 (xe chuyên dụng của CSGT) và ô tô BKS 25C-036.34 đang đỗ ven đường theo hướng ngược lại.

Lái xe gây tai nạn là anh Bùi Hiểu T. (SN 1995), cán bộ Đội CSGT-TT, Công an huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu điều khiển theo hướng huyện Tân Uyên về huyện Tam Đường.

Sau khi va vào xe tải, xe chuyên dụng CSGT đâm tiếp vào 4 xe mô tô khác đang dựng ở ven đường, rất may không có người ở đây.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người điều khiển phương tiện không làm chủ tay lái nên gây ra vụ tai nạn. Qua kiểm tra tài xế Bùi Hiểu T., cơ quan chức năng không phát hiện người này có nồng độ cồn trong hơi thở.

Luật sư Việt thông tin, theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nêu rõ:

"Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này."

Cùng với đó, theo Điều 598 Bộ luật Dân sự 2015 về Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, quy định: "Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước".

"Như vậy, theo quy định nêu trên, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đặt ra khi sức khoẻ, tài sản,…quyền, lợi ích hợp pháp của một người bị người khác tác động, gây thiệt hại. Trong trường hợp xe của cơ quan công an (xe công vụ) gây tai nạn khi đang thi hành công vụ và người thi hành công vụ đã có vi phạm giao thông, không làm chủ tốc độ thì trách nhiệm bồi thường ban đầu sẽ thuộc về cơ quan công an chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng xe", luật sư Việt nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo luật sư Việt, nếu cơ quan công an chứng minh rằng người điều khiển xe gây tai nạn không do lỗi của mình gây ra, thuộc trường hợp bất khả kháng, hoặc người điều khiển xe không trong quá trình thi hành công vụ thì trách nhiệm bồi thường có thể chuyển sang bên thứ ba khác là tác nhân gây tai nạn, hoặc chính người điều khiển tự mình bồi thường (trường hợp không thi hành công vụ) hoặc cơ quan bảo hiểm.

"Nếu công an giao thông gây ra tai nạn thì họ cũng phải chịu trách nhiệm và bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm, mức độ bồi thường cụ thể, trong trường hợp cụ thể sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự điều tra, chứng minh và xem xét từ cơ quan công an, đơn vị bảo hiểm và các bên liên quan khác.

Nguyên tắc bồi thường, đó là thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần", luật sư Việt lý giải.

Luật sự Việt cho biết thêm, tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 thì thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: "Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định."

Như vậy, các khoản thiệt hại có thể là bồi thường để sửa chữa hoặc khôi phục lại tài sản bị hư hỏng. Bồi thường cho sự bất tiện và mất công của chủ sở hữu tài sản khi không thể sử dụng xe trong quá trình sửa chữa. Bồi thường chi phí thay thế tài sản bị hư hỏng bằng tài sản tương đương hoặc nếu tài sản bị hư hỏng gây mất lợi nhuận kinh doanh hoặc thu nhập khác, người bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường mất lợi nhuận trong một khoảng thời gian nhất định.