Chủ đầu tư, bên mời thầu có trách nhiệm trả lời kiến nghị của nhà thầu
Trao đổi về những vấn đề liên quan đến đấu thầu gói thầu Duy trì cây xanh đô thị, điện chiếu sáng ở Hội An (Quảng Nam), Luật sư Mai Duy Phước – Công ty Luật MMT & Partners, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho biết, trong quá trình tham gia dự thầu, khi nhà thầu nhận thấy những vấn đề liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu đang gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của mình thì có quyền kiến nghị để yêu cầu xem xét.
Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 91 Luật Đấu thầu 2013 thì: "Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu, nhà đầu tư có quyền: Kiến nghị với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; về kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy trình giải quyết kiến nghị quy định tại Điều 92 của Luật này."
"Như vậy, kiến nghị này có thể liên quan đến các yêu cầu kỹ thuật, điều kiện hợp đồng, quy trình đấu thầu, hoặc bất kỳ vấn đề nào khác mà nhà thầu cho rằng cần được xem xét hoặc điều chỉnh. Trở lại với sự việc của Công ty CP Công trình công cộng Hội An thì Công ty có quyền gửi kiến nghị tới bên mời thầu, chủ đầu tư để được giải quyết", luật sư Phước thông tin.
Theo luật sư Phước, trong thời hạn luật định, khi nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu thì Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu.
"Tuy nhiên, theo thông tin mà Công ty CP Công trình công cộng Hội An trình bày thì Công ty đã gửi đơn kiến nghị trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu. Đến nay, đã thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng Công ty vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi.
Như vậy, nếu Chủ đầu tư, Bên mời thầu đã nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu nhưng không có phản hồi, thông báo lại cho nhà thầu thì có cơ sở xác định rằng Chủ đầu tư, Bên mời thầu đã không thực hiện đúng các quy định, trình tự về giải quyết kiến nghị trong quá trình lựa chọn nhà thầu", luật sư Phước nhìn nhận.
Cần làm rõ quy trình đấu thầu?
Liên quan đến hồ sơ nhận sự có bằng đại học giả, luật sư Phước cho hay: Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau: "Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào." Như vậy, nếu nhà thầu cố ý sử dụng bằng cấp giả nhân sự của mình để tham gia đấu thầu thì đây là hành vi gian lận bị cấm trong hoạt động đấu thầu.
Luật sư Phước cho biết thêm: Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Điều này được quy định cụ thể tại Điều 90 Luật Đấu thầu 2013 và khoản 1 Điều 122 của Nghị định số 63/2014/ NĐ-CP.
Chế tài xử lý với hành vi vi phạm gian lận trong hoạt động đấu thầu nêu trên đã nhấn mạnh và làm rõ rằng chủ thể thực hiện hành vi với lỗi là cố ý, có nghĩa rằng chủ thể thực hiện hành vi hiểu rõ, biết được các hậu quả sẽ xảy ra nhưng vẫn làm, là hoạt động có chủ đích.
Tuy nhiên, nếu có cơ sở xác định rằng, Nhà thầu không có lỗi cố ý, chỉ là nạn nhân trong sự việc nhân sự cố tình sử dụng bằng giả, che dấu thông tin thì việc xác định Nhà thầu có lỗi cố ý trong việc sử dụng bằng giả là không đúng.
"Để làm rõ lỗi, động cơ, mục đích trong việc sử dụng bằng giả, gian lận trong đấu thầu thiết nghĩ cơ quan chức năng cần thận trong trong việc xác minh, xử lý, để tránh xử lý "oan" cho nhà thầu", luật sư Phước nhìn nhận.
Nói về vấn đề nhà thầu có được thay đổi hồ sơ nhân sự khi phát hiện sai sót hay không, luật sư Phước cho hay: Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, trong quá trình dự thầu nếu phát hiện ra nhân sự chủ chốt mà nhà thầu kê khai không đáp ứng yêu cầu, có sai sót thì nhà thầu được phép gửi tài liệu, thay đổi, bổ sung nhân sự đến bên mời thầu để được làm rõ.
Trong sự việc của Công ty CP Công trình công cộng Hội An thì Chủ đầu tư hiện đang cho rằng Nhà thầu vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 nên không được thay đổi nhân sự hồ sơ dự thầu.
Việc thay đổi nhân sự hồ sơ dự thầu theo quy định trích dẫn nêu trên được đặt ra trong trường hợp Nhà thầu có sự sai sót, thiếu tài liệu và việc làm rõ hồ sơ dự thầu, thay đổi nhân sự hồ sơ dự thầu phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi bản chất của nhà thầu.
"Hiện nay, cơ quan Công an, cơ quan chức năng chưa có quyết định, văn bản trả lời chính thức nào rằng Nhà thầu cố ý gian lận trong đấu thầu, cố tình sử dụng văn bằng giả của nhân sự để dự thầu. Do đó, việc không cho phép Công ty CP Công trình công cộng Hội An thay đổi nhân sự trong hồ sơ dự thầu là hơi nóng vội.
Thiết nghĩ, để tạo sự khách quan, công bằng và sự "tâm phục, khẩu phục" cho các nhà thầu khi tham gia dự thầu, tránh việc khiếu nại, khiếu kiện thì cơ quan chức năng cần sớm có phản hồi, làm rõ việc ai đúng ai sai trong hoạt động đấu thầu, rà soát lại quy trình đầu thầu", luật sư Phước nhận định.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.