Lực lượng CSGT phải xử lý
Theo báo Tiền phong Online phản ánh, ngày 3/9, những chiếc xe tải mang biển số 29C 42644 của Công ty Vận tải Phú Sơn, có gắn nhiều đèn màu trên nóc và quanh xe đúng theo ngoại hình của một chiếc xe cứu hộ giao thông, đi vào trung tâm Hà Nội, chở một chiếc xe Toyota Forturner màu đen mới coóng, chưa gắn biển số.
Chiếc xe này đi vào thành phố đúng giờ cao điểm, nhưng có dàn đèn ưu tiên nên chiếc xe khá thuận lợi trong việc giành đường để tiến lên với tốc độ cao nhất dòng phương tiện trên đường.
Thế nhưng, thực chất, có rất nhiều xe ô tô cứu hộ của các công ty vận tải Phú Sơn, Khang Minh hay Cty Vận tải và Thương mại Veam, đều đang chở xe mới thuộc nhãn hiệu Toyota, từ nhà máy của Cty Toyota Việt Nam đặt tại thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) về các salon ô tô tại HN. Đặc biệt, các xe này đều đi vào trung tâm thành phố đúng giờ cao điểm, đường ken đặc xe cộ.
Xe cứu hộ nối đuôi nhau ra vào nhà máy của Toyota Việt Nam nhận xe |
Một tài xế lái chiếc xe cứu hộ của Cty Vận tải và Thương mại Veam kể, đây là một trong những xe cứu hộ của lô xe công ty mới nhập về. Ngày đầu tiên anh này được giao xe và lên nhà máy Toyota chở xe mới về đại lý. Anh này “khoe”, xe cứu hộ của anh có thể kéo dài bệ, chở được cả xe khách 30 chỗ.
Trao đổi với Đất Việt, ngày 8/9, về sự việc này, ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết: "Việc quản lý sử dụng các dòng xe ưu tiên trên địa bàn thành phố thuộc trách nhiệm của phòng CSGT thành phố HN.
Sở GTVT chỉ cấp phép cho các xe đặc chủng làm nhiệm vụ quan trọng, còn các xe ưu tiên như xe cứu hộ thì thuộc trách nhiệm của phòng CSGT thành phố".
Bên cạnh đó, theo ông Tân thì xe cứu hộ thuộc trong nhóm xe ưu tiên trong luật giao thông quy định.
Ông khẳng định: "Cho nên nếu sử dụng xe ưu tiên vào mục đích khác, trái với mục đích ưu tiên, không thực hiện công vụ thì lực lượng CSGT và lực lượng liên ngành phải kiểm tra, xử lý.
Ví dụ như xe chở khách mà đi buôn lậu thì cũng phải căn cứ theo quy định mà xử lý sai phạm, tránh tái diễn".
CSGT không được dừng vì...
Trong khi đó, theo thông tin trên Tiền Phong, Thượng úy Đào Việt Long- Đội trưởng Đội CSGT số 6 (đơn vị phụ trách tuyến đường Phạm Văn Đồng), đoạn có xe cứu hộ đi qua cho biết, nếu là xe tải thông thường, đi theo lộ trình như trên sẽ vi phạm về tổ chức giao thông của Hà Nội.
Tuy nhiên, ông Long cho biết, Đội CSGT số 6 không được phép dừng xe cứu hộ giao thông để xử lý vì đây là một trong những xe được quyền ưu tiên. Muốn dừng kiểm tra phải có giấy phép của Phòng CSGT.
Chiếc xe cứu hộ chở theo xe mới xuất xưởng, phóng nhanh trên đường nội đô Hà Nội trong giờ cao điểm |
Thượng úy Long cũng cho hay, giả sử có dừng được loại xe này, việc xác định xe chở theo hàng mới xuất xưởng hay xe bị tai nạn cũng không thuộc thẩm quyền của lực lượng CSGT, mà cần sự tham gia của quản lý thị trường hoặc các lực lượng chuyên ngành khác.
Bên cạnh đó, một vị lãnh đạo của Đội CSGT số 5 Hà Nội cũng cho rằng, việc xe cứu hộ giao thông chở xe mới như vậy là “bình thường” và QL 5 qua Hà Nội không cấm xe theo giờ nên đơn vị không xử lý.
Trong khi đó, nếu chiếu theo Thông tư 18/2013 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định: Dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, trong đó, tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ cứu hộ phương tiện khi phương tiện giao thông đường bộ bị tai nạn hoặc gặp sự cố kỹ thuật trên đường.
Thế nhưng, bất chấp phố cấm, ùn tắc giao thông, hàng loạt xe cứu hộ giao thông đang không làm đúng chức năng mà được dùng chuyên chở xe ô tô mới sản xuất từ nhà máy luồn lách vào nội thành Hà Nội.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.