Trên tuyến đường Huyền Trân Công Chúa (tuyến đường du lịch trọng điểm từ TP. Huế lên khu du lịch đồi Vọng Cảnh) cứ khoảng vài phút lại có hàng loạt xe ben, xe tải chở cát, sạn nối đuôi nhau chạy với vận tốc lớn, theo chân các chuyến xe này chúng tôi tìm đến khu vực cầu Bối, đây là đầu mối cho hoạt động khai thác, tập kết và vận chuyển cát, sạn về vùng phụ cận.
Từ lâu, khu vực này được xem là một “tam giác vàng” nằm tiếp giáp giữa ngã ba xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy và Phường Thủy Xuân, Thủy Biều, TP. Huế. Vấn nạn khai thác cát, sạn ở khu vực này đã gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ dân xung quanh.
Nếu trước đây các xe tải chở cát, sạn chạy xe theo hướng về Huyền Trân Công Chúa, qua Lê Ngô Cát để qua thành phố, thì nay các điểm này được cơ quan chức năng chốt chặn, kiểm tra nên cánh tài xế đổi hướng đi theo con đường dân sinh ở thôn Cư Chánh 2 để về quốc lộ 49 khiến con đường dân sinh nơi đây bị ‘cày nát’ đầy những ổ voi, ổ gà gây khó khăn cho việc sinh hoạt và qua lại của người dân và phương tiện tham gia giao thông.
Theo quan sát, khoảng vài phút lại có chuyến xe di chuyển vào lấy cát, sạn tại bãi tập kết rồi quay lại để ra đường liên thôn, một số khác chạy theo hướng Huyền Trân Công Chúa rồi dừng, đổ ngay bên đường thành những đoàn dài.
Theo một số hộ dân ngụ ở thôn Cư Chánh 2, trước đây họ đã nhiều lần lên tiếng phản đối nhưng chủ khai thác vẫn phớt lờ, đặc biệt có trường một thanh niên trong thôn bị “cát tặc” hành hung dẫn đến trọng thương vì đã phản ứng.
Trao đổi với ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều được biết, chính quyền đã nhiều lần gửi văn bản đề xuất lên UBND tỉnh và các sở, ngành đề nghị phối hợp giải quyết vấn đề xe tải, xe ben chở cát sạn gây bụi bẩn, ô nhiễm và ảnh hưởng đến hoạt động du lịch nhưng sau nhiều lần vẫn không có kết quả, điều này đã gây khó khăn cho việc quy hoạch và định hướng phát triển ở địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho rằng, từ năm 2014 đã có chủ trương của tỉnh về quy hoạch và xây dựng tuyến đường vận tải để hạn chế tác động của các phương tiện vận chuyển cát sạn lên đường dân sinh đảm bảo đời sống cho người dân, nhưng sau hai năm đề án vẫn chưa được triển khai thực hiện.
Tình trạng xe tải ‘né’ sự kiểm soát các lực lượng chức năng nên đi vào đường dân sinh làm hư hỏng nặng tuyến đường cấp phối chủ yếu là đất mền và có gia công thêm gạch đá, phụ phẩm xây dựng cũng không chịu được tác động của hàng trăm lượt xe chuyên chở từ 5 đến 10 mét khối qua lại từ sáng đến chiều.
Ông Nguyên cho biết thêm, mỗi lần lực lượng chức năng địa phương phối hợp cùng các ban ngành đi kiểm tra, giám sát thì hoàn toàn vắng bóng các loại xe vận chuyển, các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển cũng dừng lại. Nhưng khi chính quyền quay đi thì đâu lại vào đó, họ còn lợi dụng vào những ngày cuối tuần, nghỉ lễ để hoạt động nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Để có thể giải quyết vấn đề trên, theo ông Nguyên là không chỉ có cấp địa phương mà cần sự phối hợp vào cuộc của các lực lượng chức năng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.