Như Tạp chí Giao thông vận tải đã thông tin, liên tục từ tháng 10/2019 đến nay, tình trạng xếp hàng quá tải tại bến Lời (xã Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) trở thành “điểm nóng” gây bức dư luận. Sau nhiều ngày theo dõi, chiều 17.10, PV quyết định chốt lộ trình điều tra để làm rõ hành vi chở hàng quá tải hoạt động ngang nhiên từ khu vực bến Lời ra QL5, chúng tôi đã điện thoại phản ánh vụ việc cho ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ông Huyện đã điện thoại yêu cầu ông Trần Hưng Hà – Cục trưởng Cục Đường bộ 1 (Tổng cục ĐBVN) chỉ đạo lực lượng phối hợp với PV để bắt xe vi phạm. Ngay sau khi nhận được thông tin, ông Bùi Thanh Thái, Đội trưởng Đội TTGT Cục QLĐB 1 trực tiếp liên hệ với PV đề nghị cung cấp thông tin, lên kế hoạch mật phục bắt quả tang xe quá tải theo chỉ đạo của Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện.
Những chiếc xe đeo logo mang ký hiệu ‘T’ và ‘HT’ vô tư chạy trên nhiều tuyến đường từ Gia Lâm (Hà Nội) sang Văn Lâm (Hưng Yên). Ảnh: Vũ Thành |
Trong khi chờ đợi động thái tích cực phía Tổng cục ĐBVN, thì ở thời điểm hiện tại, các hoạt động vận tải quá tải đường bộ tại bến Lời đi QL5 vẫn ngang nhiên tồn tại. Đối với mặt hàng sắt cuộn, thay vì hoạt động vào ban ngày như trước kia, thì nay đêm xuống tắt điện, các xe đầu kéo đánh đèn pha ô tô để bí mật xếp dỡ.
Về phía cơ quan chức năng như Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Công an và chính quyền địa phương đều kêu khó về chủ trương, nhân lực và phương tiện khi thực hiện chiến dịch "không xe quá tải". Trong khi đó, lực lượng CSGT ứng trực trên QL5 vẫn để lọt xe quá tải như cơm bữa.
Theo nguồn tin riêng của PV, liên tục trong 1 tháng gần đây, nhu cầu nguyên vật liệt phục vụ sản xuất sắt thép tại khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) tăng cao, hàng vạn tấn sắt cuộn được tập trung về bến Lời. Để giữ khách, tăng lợi nhuận, chủ bến bất chấp các quy định "bật đèn xanh" chất hàng trăm tấn sắt lên các xe tải trọng trên dưới 30 tấn đi tiêu thụ.
Tại thời điểm tác nghiệp, chúng tôi ghi nhận có gần chục chiếc sà lan chở đầy thép cuộn đang neo đậu gần đó chờ bốc hàng. Trên bến, mặc dù chỉ là bến thủy chủ yếu tập kết vật liệu xây dựng nhưng xuất hiện 1 chiếc cần cẩu lớn chuyên dụng để cẩu những cuộn thép có trọng lượng lên đến vài chục tấn. Dưới chân chiếc cần cẩu là những chiếc xe tải sơ mi rơ-moóc loại 6 trục mang BKS: 89C-053.69; 89C-156.08; 89C- 07907,... đang chờ sẵn để bốc hàng. Tất thảy những chiếc xe này đều có một điểm chung, đó là đeo logo "HT" làm bùa hộ mệnh, như một lệnh bài tránh sự "hỏi thăm" của các lực lượng chức năng.
Bến Lời- được xem là ‘thủ phủ’ của xe quá tải, đặc biệt là các xe chở sắt cuộn lên tới hàng trăm tấn. Ảnh: Vũ Thành |
Ngoài các xe chở sắt cuộn, mỗi ngày tại bến Lời có hàng trăm lượt xe chở cát đeo logo "T" vô tư hoạt động, ra sức quần thảo tuyến đê sông Đuống. Bám theo nhiều chuyến xe này từ điểm ‘ăn hàng’ là bãi cát An Thịnh về tới điểm trả hàng là huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Bằng mắt thường có thể nhận thấy, những chiếc xe này phần lớn đều hoán cải thành thùng xe, chở trọng tải gấp 2-3 lần cho phép.
Trên chiếc xe tải nhãn hiệu Hổ Vồ loại 17 tấn, chở cát tại dốc Lời, tài xế Tùng liên tục phải kéo những hồi còi dài để báo hiệu cho các phương tiện đi phía trước. Anh giải thích: “Đường đê sông Đuống vừa xấu lại hẹp, xe mình thì nặng thế, không kéo còi từ xa lúc đến gần sợ không phanh kịp”.
Chúng tôi hỏi: “Xe chở gì, bao nhiêu tấn?”. Anh đáp: “Chở cát, cả xác xe và hàng vào khoảng 40 tấn, gấp hơn 2 lần tải trọng cho phép. Nếu đưa lên bàn cân, với mức quá tải như thế này có thể bị phạt lên tới 50 triệu đồng. Bởi, cát vừa được đưa lên từ tàu nên rất nặng, đặc biệt khi bị ngấm nước. Tuy vậy, chỉ cần phủ lên trên thùng một lớp bạt mỏng che đậy đám vật liệu nặng nề bị lèn chặt phía dưới, chiếc xe của anh Tùng cứ thế vun vút lao đi.
Ra tới đường 5, trước mặt chúng tôi là một chốt CSGT đang làm nhiệm vụ khiến giao thông hơi ách lại. Tài xế Tùng cho xe giảm tốc độ rồi từ từ vượt qua chốt mà không vấp phải bất cứ một sự truy cản nào. Chúng tôi ngỡ ngàng đặt câu hỏi. Anh Tùng nói, bởi trước mũi xe anh có đeo logo ‘H’ để lực lượng nhận biết nên hầu như không bao giờ bị ‘hỏi thăm’ vặt.
Xử lý nghiêm đối tượng “bảo kê” cho hoạt động của xe quá tải Tại cuộc họp giữa Bộ Công an - Bộ GTVT về phối hợp kiểm soát tải trọng xe, vi phạm tải trọng, lãnh đạo Bộ Công an cho biết sẽ giao Cảnh sát Hình sự tổ chức nắm tình hình, phát hiện xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống đối người thi hành công vụ; phòng ngừa, đấu tranh với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện, bảo kê môi giới dẫn dắt, tiếp tay cho hoạt động vi phạm quá tải trọng, quá khổ để xử lý theo quy định của pháp luật. |
Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.