Một đoạn tuyến Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội-Thái Nguyên |
Ban quản lý dự án 2 vừa có đề nghị lên Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng cho phép thu phí để xử lý nợ nhà thầu (của dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội-Thái Nguyên) dự án đầu tư hoàn chỉnh Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội-Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc theo hình thức Hợp đồng BOT.
Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội-Thái Nguyên được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, đã thông xe vào ngày 18/01/2014.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban quản lý dự án 2, đến nay một số hạng mục trên tuyến vẫn chưa hoàn thành do các hạng mục thay đổi và tăng chi phí xây lắp so với quyết định duyệt, kinh phí còn thiếu nằm trong hợp đồng xây lắp phải trả nợ cho nhà thầu là khoảng 873,7 tỷ đồng (chưa bao gồm 10% thuế VAT).
“Giá trị kinh phí trả nhà thầu trên giảm so với giá trị đã trình của Ban Quản lý dự án 2 tại Tờ trình số 40ATTr-BQLDA2 ngày 20/1/2015 là 1.292 tỷ đồng (giảm khoảng 418,2 tỷ đồng),” lãnh đạo Ban quản lý dựa án 2 cho hay.
Vào cuối tháng 1/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 1278/BGTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương thực hiện hoàn chỉnh Quốc lộ 3 mới đáp ứng quy mô cao tốc theo hình thức Hợp đồng BOT, trong đó có báo cáo thiếu vốn khoảng 1.292 tỷ để thanh toán cho các khoản công nợ cho nhà thầu xây lắp thi công dự án Quốc lộ 3 mới.
Ngày 28/7/2015 Bộ GTVT đã có văn bản số 9803/BGTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc một số nội dung liên quan đến chủ trương thực hiện hoàn chỉnh Quốc lộ 3 mới đáp ứng quy mô cao tốc theo hình thức Hợp đồng BOT.
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1501/TTg-KTN ngày 20/8/2015 gửi Bộ Giao thông Vận tải đồng ý về nguyên tắc đầu tư theo hình thức Hơp đồng BOT đối với phần đầu tư hoàn chỉnh Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc.
Để có cơ sở chỉ đạo nhà đầu tư lập dự án, Ban quản lý dự án 2 đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thực hiện việc hoàn trả kinh phí còn thiếu cho các nhà thầu thi công trong đó 50% giá trị còn thiếu sẽ thanh toán khi nhà đầu tư ký được Hợp đồng tín dụng. 30% giá trị còn thiếu sẽ thanh toán khi công trình hết thời hạn bảo hành có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. 20% giá trị còn lại sẽ thanh toán khi Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt giá trị quyết toán từng gói thầu.
Trước đó, liên danh các nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Việt Xuân Mới, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất, thương mại, dịch vụ Yên Khách và Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp dầu khí IMICO sẽ đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục của dự án quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội-Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc, nâng tốc độ khai thác trên toàn tuyến này lên 100-120km/giờ đồng thời thanh toán nợ cho các nhà thầu xây lắp do nguồn vốn thiếu trong quá trình thực hiện dự án.
Tổng mức đầu tư dự kiến là 3.258 tỷ đồng, trong đó đầu tư các hạng mục bổ sung cần 1.966 tỷ đồng và hơn 1.200 tỷ đồng trả nợ các nhà thầu.
Cụ thể, tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư các hạng mục hoàn chỉnh bao gồm thi công hoàn chỉnh quy mô mặt cắt ngang đoạn km26+900-km63+800 tăng chiều rộng làn xe và dải an toàn, thi công các điểm dừng khẩn cấp.
Ngoài ra, tuyến đường sẽ được thảm lớp bêtông nhựa tạo nhám dày 2cm trên toàn bộ mặt đường kể cả làn dừng xe khẩn cấp để tăng độ nhám mặt đường đảm bảo an toàn xe chạy theo tốc độ thiết kế đường cao tốc.
Dự án cũng sẽ xây dựng hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông, trạm dịch vụ và nhà điều hành đường cao tốc, hệ thống thu phí kín, hệ thống giao thông thông minh (ITS), hoàn thiện các đường gom.
Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên được khởi công từ tháng 11 năm 2009 với tổng chiều dài 63,8km đường đi qua 3 địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên trong đó có 18 cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài 2,7km, 15 cầu vượt đường ngang. Quy mô bề rộng nền đường là 34,5m trong đó đoạn Ninh Hiệp-Sóc Sơn dài 26,9km có bề rộng mặt đường là 21m với 4 làn xe chạy và 2 làn xe dừng khẩn cấp, đoạn Sóc Sơn-Thái Nguyên dài gần 37km có bề rộng mặt đường 18m với 4 làn xe chạy. Tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, trong đó 6.600 tỷ từ nguồn vay JICA, còn lại là vốn đối ứng trong nước. Hiện, tuyến đường có tốc độ khai thác từ 80km/giờ lên 100km/giờ. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.