Khu vực ngoại thành Hà Nội hiện vẫn còn rất nhiều cầu cũ, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT (Ảnh: Báo dân sinh) |
Cầu Zét, xã Tốt Động (Chương Mỹ) là một trong 34 cây cầu được đưa vào danh mục cầu yếu cấp bách cần thay thế, xây mới của Hà Nội từ năm 2011. Cuối năm 2016, cầu Zét được xây mới lại với tổng mức đầu tư gần 65 tỷ đồng. Người dân sinh sống hai bên bờ sông cho biết, trước đây cứ mưa lớn, nước lên là cầu Zét cũ lại bị ngập, chia cắt. Nhưng từ ngày có cầu mới, tình trạng này đã chấm dứt. Điều này cũng được đại diện Phòng Quản lý đô thị, UBND huyện Chương Mỹ, Hà Nội xác nhận.
Theo vị địa diện này, cầu Zét nằm trên trục đường liên xã, kết nối thẳng ra đường Hồ Chí Minh nên có vai trò rất quan trọng. Từ ngày có cây cầu mới, việc giao thương, đi lại của nhân dân khu vực đã được đảm bảo, kể cả trong mùa mưa lũ. Tương tự như vậy, nhiều cây cầu tuy chỉ có vốn đầu tư từ 5 - 50 tỷ đồng, nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với giao thông nông thôn của Hà Nội đã được hoàn thành đưa vào sử dụng như: cầu Từ Châu (Thanh Oai); Cầu Bầu (Ứng Hòa); cầu Chi Phú (Ba Vì); cầu Đào Xuyên (Gia Lâm)…
Trên công trường cầu Đầm Mơ bắc qua sông Bùi, nối 2 xã Quảng Bị và Hồng Phong (huyện Chương Mỹ), anh Trịnh Đình Chung, một người dân địa phương cho biết, hiện muốn qua lại khúc sông này phải dùng đò kéo dây, đi lại rất nguy hiểm, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Theo anh Chung, cả vùng có ột cái chợ nằm bên kia sông, người dân ở bên này muốn sang mua bán rất khó khăn. Từ khi bắt đầu xây dựng cầu Đầm Mơ, hầu như tuần nào anh cũng đến xem cầu sắp xong chưa.
Anh Chung chia sẻ: “Cầu này trước đây là đò kéo tay thôi, chưa có cầu, chỉ kéo bằng đò rồi bắc dây thép từ bên này sang bên kia kéo để cho người dân đi lại thuận tiện. Nếu cầu này được xây dựng và đưa vào sử dụng thì sẽ rất thuận tiện cho người dân bởi vì thứ nhất là an toàn, thứ 2 lưu thông đi lại sẽ dễ dàng hơn cơ giới hơn. Thế còn đò ngày trước mỗi lần mưa lũ rất nguy hiểm và người dân hầu như không thể đi được.”
Trên thực tế, khu vực ngoại thành Hà Nội hiện vẫn còn rất nhiều cầu cũ, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng lưu thông và đời sống của người dân. Có thể kể đến một số như cầu Cao Thiên (huyện Thạch Thất), bề rộng 2,3m, hiện tại đã hư hỏng nặng, lại nằm trên trục kết nối tỉnh lộ 419 với đường huyện đường huyện số 10 đã được mở rộng mặt cắt lên 9m.
Hay cầu Tây Ninh (huyện Phúc Thọ), với dầm thép đã bị han gỉ, trùng võng; lan can hầu như hư hỏng gần hết... Hoặc như cầu Là (huyện Thường Tín), lớp bê tông bên ngoài bị vỡ, lộ cả cốt thép tại một số trụ, mố và bề mặt cầu; lan can nứt, gối thép han gỉ; cầu còn đang có hiện tượng lún dần…
Mặc dù đã cũ, hỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT song hàng ngày người dân sinh sống quanh khu vực vẫn phải đi lại qua những cây cầu nêu trên. Đặc biệt, một số nơi chưa có cầu, người dân còn phải sang sông bằng đò hoặc làm cầu phao tự chế rất nguy hiểm. Đơn cử như trên khúc sông Bùi, đoạn qua xã Thanh Bình (Chương Mỹ), ngay ven đường nhựa lớn chúng tôi vẫn được chứng kiến một chuyến đò chở cả người lẫn xe máy qua sông mà người lái đò chỉ bám vào dây thừng giăng ngang hai bên bờ sông để kéo đò di chuyển. Người dân khu vực này cho hay, đó là cách duy nhất để qua sông nên dù biết là không an toàn vẫn phải chấp nhận.
Ông Nguyễn Anh Đức Trưởng phòng Kế hoạch, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết: theo khảo sát của các địa phương, trên địa bàn Thành phố còn khoảng 30 cầu yếu và vị trí cần xây cầu để đảm bảo ATGT, kết nối khu vực nông thôn Hà Nội. Đơn vị đangcùng với Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất UBND Thành phố, trong đó tập trung trong năm 2018 đầu tư trước 14 cây cầu yếu với nguồn kinh phí khoảng 350 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Anh Đức nói: “Rất mong thành phố bổ sung vào kế hoạch đầu tư coogn trung hạn 2017-2020 và bố trí ngay trong năm 2018 kế hoạch vốn cho 14 cây cầu yếu này để triển khai thi công các công trình này để giải quyết nhu cầu hiện nay đang rất bức thiết về mặt giao thông đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế của các xã, các huyện ngoại thành của Thành phố.”
Được biết, tổng mức đầu tư cho cả 30 cây cầu này chỉ khoảng trên 600 tỷ đồng; nhưng chúng lại có ý nghĩa lớn và vô cùng cấp thiết đối với đời sống của nhân dân khu vực ngoại thành Hà Nội.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.