Xử lý nghiêm xe chở quá tải chống đối lực lượng chức năng

An toàn giao thông 12/01/2016 14:30

Để giải quyết dứt điểm tình trạng chở quá tải, cần có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chống đối khi bị kiểm tra, xử lý.

quatai1
Bắt giữ 5 chiếc xe Hổ vồ chở quá tải trên Đại lộ Thăng Long

Cuối tuần qua, một sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận Thủ đô Hà Nội là sự chống đối quyết liệt của chủ xe, lái xe khi bị phát hiện, bắt giữ khi đang chở quá tải trên đại lộ Thăng Long. Cụ thể, từ 19h ngày 7/1, lực lượng Thanh tra giao thông thuộc Cục Quản lý đường bộ 1 đã phát hiện, bắt giữ 5 chiếc xe Hổ vồ chở quá tải trên Đại lộ Thăng Long thuộc địa phận xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Sau khi bị phát hiện, bắt giữ, chủ xe, lái xe và một số người lạ mặt đã có những hành vi chống đối, cản trở lực lượng thực thi công vụ. Có thời điểm, cả lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, công an huyện Thạch Thất cũng có mặt, nhưng chủ xe, lái xe vẫn không hợp tác, thậm chí dọa sẽ đốt xe nếu bị lực lượng chức năng “làm căng”. Phải mất 24h đấu tranh, chủ xe, lái xe mới chấp hành việc kiểm tra giấy tờ xe và đưa xe về nơi tạm giữ phương tiện vi phạm để giải quyết.

Điều đáng nói, đây không phải là trường hợp đầu tiên chủ xe, lái xe có thái độ bất hợp tác với lực lượng chức năng. 2 năm qua, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các lực lượng chức năng nhiều lần gặp tình huống chủ xe, lái xe khóa cửa bỏ đi khi bị phát hiện chở quá tải. Tháng 7/2015, trong lần kiểm tra xe quá tải trên đường Hồ Chí Minh, thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và huyện Lương Sơn (Hòa Bình), ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng bắt gặp một số trường hợp lái xe trốn vào đường nhánh, khóa cửa xe bỏ đi. Trước đó, tháng 12/2014, trong lần kiểm tra, xử lý xe quá tải trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ, ông Nguyễn Xuân Cường, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng gặp tình huống tương tự khi lái xe, phụ xe bắt xe khách bỏ trốn khi bị phát hiện chở quá tải. Chỉ đến khi ông Cường yêu cầu nhà thầu thi công dự án, đơn vị cung cấp vật liệu nhựa có mặt để giải quyết, nếu không sẽ xử lý theo hình thức vắng mặt, thậm chí không cho tiếp tục thi công công trình. Chỉ khi đó, lái xe mới chịu xuất hiện và chấp hành đưa xe vào cân tải trọng. Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, với các trường hợp thi công các dự án thuộc ngành giao thông, cần yêu cầu chủ đầu tư xử lý các nhà thầu không chấp hành đúng qui định trong việc nhập vật tư của phương tiện chở quá tải.

Ông Nguyễn Xuân Cường cho biết: Đề nghị chủ đầu tư xử lý, nhắc nhở đối với nhà thầu BOT và nhà thầu thi công và xử lý các nhà thầu phụ, loại bỏ nhà thầu phụ cố tình vi phạm.

Ông Đặng Văn Chung cho biết: Tôi cho rằng đến một thời điểm nào đó, nếu vẫn cố tình thì phải phạt nặng.Mà tới đây sửa nghị định 171 thì chế tài nặng hơn thì người ta cũng chả dám vi phạm.Ông Đặng Văn Chung, Phó vụ trưởng Vụ an toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng cho biết, bên cạnh việc vận động, tuyên truyền cho chủ xe, lái xe hiểu và chấp hành quy định không chở quá tải. Ông chung cũng cho rằng, với các trường hợp cố tình vi phạm, chống đối khi bị kiểm tra, xử lý cần có chế tài xử phạt nặng để tăng sức răn đe.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng đề xuất hình thức xử lý hình sự các trường hợp cố tình chở quá tải, nhất là các trường hợp chở quá tải từ 150% trở lên phải truy tố về hành vi phá hoại tài sản quốc gia.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thì cho rằng cần gắn trách nhiệm người đứng đầu các địa phương và cơ quan trung ương trong việc để lọt xe quá tải. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm cả 4 đối tượng liên quan đến hành vi chở quá tải, gồm: chủ hàng, đơn vị xếp dỡ, chủ phương tiện và lái xe đồng thời tăng cường kiểm tra tại nơi xếp hàng để ngăn chặn tình trạng chở quá tải.

Sau 2 năm thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện, lượng xe quá tải đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng chở quá tải, góp phần thiết lập lại thị trường vận tải cần có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chống đối lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Đặc biệt, cũng cần có cơ chế đặc thù cho lực lượng thực thi nhiệm vụ tại các trạm kiểm soát tải trọng xe, qua đó góp phần ngăn chăn tình trạng chung chi, bỏ lọt xe quá tải.

Ý kiến của bạn

Bình luận