Người cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng) thì sẽ không được cấp phép lái xe A1 và B1. (Ảnh minh họa: IT) |
Chia sẻ với PV ngày 31.5, ông Trịnh Công Thanh - Chủ tịch CLB Thanh niên khuyết tật Việt Nam - cho biết, điều này không mới.
Trước đó Thông tư liên tịch số 24/2015 giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế cũng đã quy định về điều này, tuy nhiên việc thực hiện và điều kiện của các sở giao thông vận tải của các tỉnh, thành không đồng đều dẫn đến việc thực hiện còn lúng túng chưa được rộng khắp.
Ngày 15.4.2017, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký ban hành Thông tư số 12/2017/TT - BGTVT (Thông tư số 12) quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1.6.2017. Thông tư này quy định đào tạo, sát hạch đối với một số trường hợp đặc thù (trong đó có người khuyết tật), quy định rõ việc học lý thuyết, thực hành và sát hạch lái xe đối với người khuyết tật để điều khiển xe máy hạng A1 và ô tô hạng B1 (số tự động). |
“Với quy định chi tiết hơn về việc học và sát hạch cấp giấy phép lái xe trong Thông tư 12, mong rằng người khuyết tật sẽ bớt gặp khó khăn hơn trong việc học và có được giấy phép lái xe ba bánh, xe gắn máy và xe ô tô số tự động hạng B1” - ông Thanh nói.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), để được cấp giấy phép lái xe thì các công dân phải đảm bảo các quy định về sức khỏe. Trước đó, Bộ Y tế và Bộ GTVT đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 24/2015 quy định về Tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe, có hiệu lực từ ngày 10.10.2015.
Thông tư có bảng phụ lục nêu rõ những người không đủ tiêu chuẩn cấp giấy phép lái xe, bao gồm cả người lành lẫn người khuyết tật. Phụ lục nêu rõ các tiêu chuẩn không đạt điều kiện sức khỏe thuộc 9 chuyên khoa: Tâm thần, thần kinh, mắt, tai mũi họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết và các chất hướng thần.
Người cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng) thì sẽ không được cấp phép lái xe A1 và B1. (Ảnh minh họa: IT)
Nếu là người khuyết tật vận động thì trong mục Cơ - xương - khớp đã quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe hạng A1 và hạng B1: Cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng) là không đủ điều kiện để lái xe hạng A1 và hạng B1.
Như vậy, nếu một người chỉ bị cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân, các chân và tay còn lại vẫn hoàn toàn bình thường cả về giải phẫu và chức năng thì người đó đủ điều kiện (về cơ - xương - khớp) để lái xe hạng A1 hoặc hạng B1.
Ông Nguyễn Văn Sơn - giảng viên dạy lái xe ở Trường CĐ số 13 Bộ Quốc phòng - cho biết, thực tế trong quá trình dạy lái xe cho các học viên, ông chưa thấy có học viên nào là người khuyết tật đăng ký tham gia học bằng lái xe.
Đánh giá về khả năng tham gia giao thông của người khuyết tật khi lái xe ô tô, ông Sơn cho biết: “Người khuyết tật nhẹ, kể cả chỉ mất vài ngón tay nếu muốn học bằng lái xe đều phải trải qua quá trình giám định sức khỏe nghiêm ngặt. Còn nếu khuyết tật vận động, khuyết tật nặng, mất một tay hoặc một chân thì việc lái xe sẽ rất khó”.
Ông Sơn cũng cho biết, tùy thuộc vào mức độ khuyết tật nặng nhẹ mà đánh giá việc họ có thể lái xe tham gia giao thông hay không. Tuy nhiên, nếu đã khuyết tật vận động thì khả năng lái xe sẽ không thể linh hoạt được như người bình thường. Điều này sẽ gây khó khăn nhất định cho bản thân họ và gây nguy hiểm cho người khác khi tham gia giao thông. Vì thế, khi cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật cần phải rất thận trọng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.