Sáng 23/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình, Công ty tư vấn thiết kế xây dựng Giao thông thủy và các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT về báo cáo đề xuất Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp với thủy điện (đoạn Việt Trì - Lào Cai).
Dự án được đầu tư theo hình thức BOO (Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh) với tổng mức đầu tư lên tới 1,1 tỷ USD (tương đương 24.510 tỷ đồng). Thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 25 năm bao gồm cả thời gian xây dựng. Đề xuất của Dự án cho thấy, khi Dự án hoàn thành sẽ tạo ra các lợi ích kinh tế xã hội rất lớn, khu vực Dự án được hưởng lợi về giao thông, điện khí hóa và là động lực chính để phát triển kinh tế xã hội.
Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng (đoạn Việt Trì - Lào Cai) sẽ mang lại lợi ích về giao thông, điện khí hóa và là động lực chính để phát triển kinh tế xã hội |
Kỹ sư Hoàng Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế xây dựng Giao thông thủy (đơn vị tư vấn Dự án) cho biết, Dự án sẽ tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Lào Cai đến Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400 tấn đến 600 tấn, kết hợp sản xuất điện với tổng công suất khoảng 228 MW tương đương 912 triệu kWh/năm.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống 7 cảng dọc tuyến theo quy hoạch của ngành đường thủy nội địa (ĐTNĐ) sẽ góp phần đẩy mạnh công nghiệp khoáng sản, hóa chất, luyện kim, vật liệu xây dựng vốn là thế mạnh của các địa phương dọc tuyến.
Điểm đặc biệt trong Dự án này là việc xây dựng thủy điện, tạo điều kiện phát triển dân sinh, kinh tế, du lịch, thủy lợi, thủy sản vùng trung du miền núi phía Bắc; khai thác tổng hợp chống cạn kiệt nguồn nước; kết hợp bảo vệ chống xói lờ đường bộ, đường sắt ven sông. Trong đó, mục tiêu số 1 là phát triển và thay đổi bộ mặt giao thông.
Theo đề xuất phương án từ phía Nhà đầu tư, Dự án xây dựng tối thiểu 3 công trình đập thủy điện hoặc tối đa 6 công trình dọc theo chiều dài tuyến đoạn Yên Bái đến Lào Cai. Tuy nhiên, ý kiến đóng góp từ phía các Cục, Vụ chuyên môn của Bộ cho rằng, Nhà đầu tư cần nghiên cứu và làm rõ cơ sở đề nghị số công trình đập giao thông kết hợp với thủy điện nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế của Doanh nghiệp nhưng vẫn phải đặt mục tiêu giao thông thủy lên hàng đầu.
Tại buổi làm việc, đại diện Nhà đầu tư đã đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương các đề xuất ưu đãi đã nêu trong đề xuất dự án phương án hiệu chỉnh. Cụ thể là đồng ý giá bán điện đặc thù cho công trình, đồng thời có lộ trình tăng giá bán điện để hỗ trợ bù giá thu phí vận tải thủy và chi phí quản lý thu phí, duy tu bảo dưỡng công trình.
Theo đó, mức giá được Nhà đầu tư đề nghị cho phép là 1.900 đ/kWh trong 5 năm đầu; 5 năm tiếp theo là 2.380 đ/kWh; các năm tiếp theo tối thiểu là 2.970 đến 3.560 đ/kWh và theo quy định của ngành điện.
Đồng thời, Nhà đầu tư cũng đề nghị được miễn 4 loại thuế gồm: thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên nước, thuế dịch vụ môi trường rừng, thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm hoàn vốn.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, quan điểm của Bộ GTVT là luôn ủng hộ Dự án. Tuy nhiên, Dự án liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, vì vậy Ban PPP và Nhà đầu tư cần tích cực phối hợp, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ hợp lý đề xuất và xin ý kiến của các Bộ, địa phương có liên quan theo sự hướng dẫn của Bộ GTVT trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Về những đề nghị của Nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu Nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ số bậc thang thủy điện cũng như những ưu đãi để Dự án khả thi, mang lại lợi ích xã hội thực sự và đặc biệt là đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của giao thông đường thủy tại khu vực.
Theo tính toán của đề xuất Dự án, các lợi ích của Dự án ước tính khoảng 2.700 tỷ đồng/năm, bao gồm: tiết kiệm chi phí vận tải hàng hóa đường bộ khoảng 600-750 tỷ đồng/năm; góp phần làm tăng GDP các tỉnh trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của Dự án (khoảng 5% GDP), lượng hóa khoảng 2.100 tỷ đồng/năm. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.