Khánh thành cụm công trình 75 triệu USD cửa sông Lạch Giang

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 23/11/2015 03:40

Cụm công trình lớn đầu tiên được đầu tư trong lĩnh vực ĐTNĐ sẽ tạo ra cửa ngõ kết nối vận tải ven biển với những đoàn tàu lên đến 3.000 tấn.

 

DSC08365_Snapseed
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng đại diện Ngân hàng Thế giới tại VN cắt băng khánh thành cụm công trình Luồng qua cửa Lạch Giang thuộc Dự án WB6

Sáng 22/11, Bộ GTVT đã tổ chức Lễ khánh thành cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang thuộc Dự án WB6 (dự án đầu từ bằng nguồn tài trợ của Ngân hàng thế giới World Bank). Cụm công trình lớn đầu tiên được đầu tư trong lĩnh vực đường thủy nội địa (ĐTNĐ) này được xây dựng tại Km 208, QL21, khu vực Cửa Lạch Giang, Thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Đây là cụm công trình lớn nhất của dự án WB6, gồm 8 Hợp đồng xây dựng với tổng giá trị 75 triệu USD (tương đương 1.600 tỷ đồng). Các gói thầu thuộc cụm công trình này được ký Hợp đồng từ cuối năm 2013, lệnh khởi công đầu năm 2014, Bộ GTVT đã tổ chức lễ động thổ ngày 23/2/2014.

DSC08374_Snapseed
Bộ trưởng Đinh La Thăng tham quan Dự án

Ông Phạm Đình Nghị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, Cửa Lạch Giang được đầu tư xây dựng cải tạo đã giải quyết được vấn đề tồn đọng từ nhiều năm nay là các tàu có tải trọng lớn hơn 600 tấn không thể đi qua thông qua. Với việc khánh thành cụm công trình vận tải ven biển này, các tàu pha sông biển trọng tải 1.000 tấn có thể lên đến Hà Nội, tàu 2.000 – 3.000 tấn có thể hoạt động trên sông Ninh Cơ và vào cảng Ninh Phúc (sau khi kênh nối Đáy – Ninh Cơ được đầu tư), từ đó giảm chi phí vận tải, giảm gánh nặng cho đường bộ đang bị quá tải, nhiều tai nạn và ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực Đồng bằng Bắc Bộ

Báo cáo về Dự án, ông Lê Huy Thăng, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đường thủy cho biết, quá trình thi công cụm công trình đã gặp phải rất nhiều khó khăn do khu vực thi công thuộc vùng cửa sông ven biển trong vùng nước cạn; chịu ảnh hưởng rất lớn của sóng cồn, sóng vỡ, dòng chảy và thủy triều, đặc biệt là gió mùa Đông Bắc.

"Nếu sử dụng các sà lan lớn chịu được sóng thì sẽ mắc cạn, sử dụng sà lan nhỏ thì không chịu được sóng. Do đó, trong thời gian đầu, các gói thầu có sự chậm trễ về tiến độ, các nhà thầu phải tìm tòi, thử nghiệm và đưa ra các giải pháp thi công phù hợp. Với quyết tâm cao, Ban QLDA và các nhà thầu đã đưa cụm công trình Luồng qua cửa Lạch Giang thuộc Dự án WB6 về đích trước 1 tháng so với kế hoạch đề ra sau 23 tháng triển khai" - ông Thăng cho biết.

DSC08329_Snapseed
Ông Lê Huy Thăng cho biết, Cửa Lạch Giang được đầu tư xây dựng cải tạo đã giải quyết được vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay

Phát biểu buổi lễ, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết, các hạng mục quan trọng nhất đã hoàn thành với chất lượng công trình được đảm bảo và không tăng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các tàu pha sông biển (1000T-3000T) có thể vào sâu trong đất liền dẫn đến giảm chi phí vận chuyển, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường.

"Công trình này là minh chứng cho những bước tiếp cận, đầu tư phát triển hạ tầng tích hợp và cũng là thực hiện các giải pháp kỹ thuật khả thi từ lâu nay là tâm điểm của mối quan hệ đối tác lâu dài, bền vững giữa Ngân hàng thế giới và Việt Nam" - bà Victoria Kwakwa khẳng định. 

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam phải tổ chức lực lượng duy trì chế độ quản lý duy tu, bảo dưỡng đối với luồng tuyến của dự án.

Thứ trưởng Nhật cũng đề nghị UBND tỉnh Nam Định phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ GTVT triển khai quản lý hành lang an toàn, tổ chức khai thác, vận hành cụm công trình cũng như hỗ trợ, phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng khu vực kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ để dự án tiếp tục được triển khai ngay sau khi bổ sung vốn.

Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu Ban QLDA Đường thủy khẩn trương triển khai gói thầu phao tiêu báo hiệu nhằm nâng cao khả năng hoạt động an toàn của tàu thuyền trên tuyến luồng của Dự án.

DSC08340_Snapseed
Cụm công trình lớn đầu tiên được đầu tư trong lĩnh vực ĐTNĐ với trị giá khoảng 1.600 tỷ đồng

Dự án WB6 được đầu tư xây dựng hạ tầng ĐTNĐ khu vực phía Bắc trên phạm vi 14 tỉnh/thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ với tổng mức đầu tư 200 triệu USD. Trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới 170 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 30 triệu USD. Mục tiêu của dự án là ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến Hành lang đường thủy chính, các cảng sông và bến khách ngang sông thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ nhằm nâng cao năng lực, tính hiệu quả và an toàn cho hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức; đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống nhân dân trong vùng.

Theo báo cáo của Ban QLDA đường thủy, Dự án tập trung đầu tư trong 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là tuyến Hành lang đường thủy số 1 (Việt Trì - Quảng Ninh qua sông Đuống) là hành lang đường thủy trọng yếu của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, kinh phí đầu tư khoảng 60 triệu USD, đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sau khi hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển vận tải thủy giữa các khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Việt Trì, giúp cho các tàu (đặc biệt là tàu container) có thể vào sâu trong đất liền và hoạt động hiệu quả.

DSC08333
Phối cảnh Dự án

Giai đoạn 2 cải tạo hành lang đường thủy số 3 (Hà Nội - Lạch Giang), thực hiện các công trình chỉnh trị sông, ổn định luồng (kè chắn, kè hướng dòng, kè bảo vệ bờ, bạt mom, lắp đặt phao tiêu báo hiệu toàn tuyến) cơ bản đạt tiêu chuẩn kỹ thuật luồng cấp 1 và đầu tư cải tạo, chỉnh trị luồng qua cửa Lạch Giang với giá trị xây lắp theo Hợp đồng là 110 triệu USD.

Cụm công trình cải tạo, chỉnh trị cửa Lạch Giang (75 triệu USD) là hạng mục chính của giai đoạn 2, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy nội địa khu vực và kết nối giao thông thủy nội địa khu vực với cả nước thông qua hình thức vận tải pha sông biển, giúp cho tàu pha sông biển có trọng tải 1000T đến các cảng trên sông Hồng và 2000-3000T đến các cảng trên sông Ninh Cơ và cảng Ninh Phúc (sau khi kênh nối Đáy - Ninh Cơ được đầu tư xây dựng). Đây là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ. 

Ý kiến của bạn

Bình luận