ACV trần tình về đề xuất tăng phí dịch vụ hàng không

Giao thông 24h 11/08/2016 14:22

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tiếp tục gửi văn bản giải trình cụ thể về đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.

may_bay_cham_kyte_rygy
 

 Kế hoạch đầu tư các dự án giai đoạn 2016 – 2020, trong đó đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa trình lên Bộ Giao thông vận tải đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ phía các cơ quan truyền thông và các nhà chuyên môn. Mới đây ACV đã tiếp tục gửi Bộ Giao thông vận tải một văn bản khác, giải trình cụ thể về đề xuất điều chỉnh này. 

ACV: Phải chịu khoản bù lỗ chi phí đầu vào cho các hãng trong nước! 

Văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải của ACV cho thấy, chính sách giá dịch vụ hàng không giữa các hãng hàng không quốc nội và nước ngoài đang có sự chênh lênh khá lớn. Cụ thể, giá phục vụ hành khách quốc nội tại Việt Nam chỉ bằng 12 – 15% giá phục vụ hành khách quốc tế, trong khi tại các nước trong khu vực, mức giá này chỉ chênh lệch vào khoảng 10% giữa các hãng nội địa và quốc tế. Tương tự, giá hạ cất cánh quốc nội bằng 34% giá hạ cất cánh quốc tế nhưng chi phí đầu tư và khai thác như nhau; giá dịch vụ sân đỗ tàu bay, mức soi chiếu an ninh… cũng có sự chênh lệch đáng kể.

Chỉ tính riêng năm 2015, sản lượng phục vụ hành khách từ các hãng nội địa của ACV đạt trên 22 triệu hành khách, nhưng chỉ mang lại doanh thu 1.299 tỷ đồng, trong khi với hơn 9,6 triệu khách khai thác qua các hãng quốc tế, ACV thu được 3.914 tỷ đồng, cao hơn 3 lần. Tỷ lệ hạ, cất cánh của các hãng hàng không nội địa mặc dù cao gấp gấp 2,2 lần so với các hãng hàng không quốc tế, nhưng ACV cũng chỉ thu được 383 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức doanh thu 940 tỷ đồng từ các hãng hàng không quốc tế. 

Theo ACV, thực tế chính sách giá hiện nay đang ưu đãi các hãng hàng không trong nước bằng hình thức bù lỗ chi phí đầu vào thông qua mức giá dịch vụ hành không nội địa bị nhà nước khống chế. “Khoản bù lỗ chi phí cho các hãng hàng không trong nước đã tác động trực tiếp làm giảm doanh thu dịch vụ hàng không của ACV”, Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng nêu rõ, “Phải gánh chịu khoản bù lỗ chi phí đầu vào cho các hãng hàng không trong nước nên ACV không thể có nguồn lợi nhuận ổn định từ dịch vụ hàng không nhằm tích lũy tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng hàng không”. 

Lý do tăng giá 

ACV tính toán, triển khai Kế hoạch đầu tư các dự án giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư lên tới 26.206,8 tỷ đồng. Để có thể huy động đủ nguồn vốn nói trên, Tổng công ty kiến nghị được sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp, trích trước chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định hàng năm, đồng thời kiến nghị Bộ Giao thông vận tải phê duyệt lộ trình điều chỉnh khung giá đối với hành khách đi tuyến quốc nội và quốc tế theo hướng thu hẹp khoảng cách xuống từ 2 – 4 lần trong vòng 5 năm sau cổ phần hóa để đảm bảo hiệu quả trong đầu tư và khai thác tài sản. 

Cụ thể, ACV đề nghị tăng giá phục vụ hành khách quốc nội từ mức 70.000 đồng/khách lên mức 100.000 đồng/khách từ ngày 1/1/2017, đồng thời bỏ hình thức thuê bao trọn gói sân bay căn cứ (home base) với máy bay trong nước, chuyển sang áp dụng bằng 75% mức giá thu theo giờ trong khung giá dịch vụ sân đậu máy bay. Ngoài ra, ACV cũng sẽ thu thêm phí soi chiếu an ninh với phương tiện, thiết bị vào khu cách ly như xăng dầu, suất ăn hàng không… 

Những kiến nghị của ACV về việc điều chỉnh chính sách giá dịch vụ hàng không về bản chất, đơn vị này cho rằng, không phải là tăng giá dẫn đến tăng chi phí đầu vào của các hãng hàng không trong nước mà mục đích là điều chỉnh giá dịch vụ hàng không quốc nội tiệm cận với giá thành thực tế của hàng không trong nước mà ACV đang phải gánh chịu, đồng thời đạt tỷ lệ phù hợp với giá dịch vụ hàng không quốc tế theo thông lệ quốc tế. 

Các hãng hàng không lên tiếng 

Trái ngược với những lý lẽ mà ACV đưa ra, các hãng hàng không nội địa cho rằng mức giá, phí khai thác tại các cảng hàng không Việt Nam hiện đang tăng một cách “vô lý”. Văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nêu rõ: “Giá, phí dịch vụ tại các cảng hàng không ngày càng tăng, tác động lớn đến khai thác, làm tăng chi phí của Vietnam Airlines”. 

Theo tính toán của Vietnam Airlines, tổng chi phí tăng thêm trong năm 2016 do ACV tăng giá và thu mới dịch vụ tại một số cảng hàng không sẽ khiến hãng này phải chi thêm 202,5 tỷ đồng. Trong đó, thu phí dịch vụ kiểm tra an ninh tại các cảng hàng không Nội Bài, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất đối với xe suất ăn/xăng dầu trước khi vào sân bay trong khu vực hạn chế tăng thêm 56,5 tỷ đồng/năm; tăng 10% đối với các dịch vụ thuê mặt bằng, bang chuyền trả hành lý, quầy thủ tục, cầu ống lồng… vào khoảng 33 tỷ đồng; giá dịch vụ sân đậu tàu bay tăng thêm 5 tỷ đồng… 

Tương tự, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific giãi bày, giá/phí sử dụng dịch vụ tại một số cảng hàng không hiện đang quá cao, cụ thể là giá thuê quầy, mặt bằng tại các sân bay chính như Nội Bài, Cam Ranh… 

Vietjet Air kiến nghị giảm giá phục vụ chuyến bay quốc tế tại các cảng hàng không địa phương (Cam Ranh, Huế,, Phú Quốc, Cần Thơ). Theo ông Lưu Đức Khánh, Tổng giám đốc Vietjet, thời gian qua, Vietjet đã tích cực mở các đường bay quốc tế mới đến Việt Nam thông qua các sân bay nêu trên nhưng mức giá phục vụ mặt đất áp dụng đối với các chuyến bay thuê chuyến tại các sân bay này lại không giống nhau và cao hơn đáng kể so với sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. 

Liên quan tới vấn đề này, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, đề xuất thay đổi mức phí của ACV được thực hiện theo đúng quy định của Luật Hàng không. Theo ông Thanh, việc xem xét lại giá thành dịch vụ hàng không là một việc cần thiết, Cục Hàng không sẽ xem xét, thẩm định và xin ý kiến của các đơn vị liên quan trước khi trình phương án lên Bộ Giao thông vận tải. 

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, từ trước tới nay nhà nước chưa phải bù lỗ cho ngành hàng không. “Các đơn vị lớn của ngành hàng không như Tổng Công ty Cảng hàng không, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam suốt nhiều năm qua đều có lãi và Nhà nước chưa bao giờ phải bù lỗ cả”, ông Thanh nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận