Ai cho phép nhà xe “chạy dù”, lập “bến cóc” giữa lòng Hà Nội?

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 06/03/2018 16:06

LTS: Thủ đoạn của các hãng “xe dù” khét tiếng tuyến Hà Nội - Thanh Hoá là sử dụng ô tô đăng ký chạy hợp đồng, xe du lịch để chở khách theo tuyến cố định; dùng văn phòng để bán vé, làm “bến cóc” và chạy lòng vòng trong nội thành đón khách, gây ùn tắc và mất an toàn giao thông. Nguyên nhân dẫn đến “xe dù, bến cóc” tăng trên tuyến vận tải này là do “xe dù” trốn được rất nhiều loại thuế và phí bến bãi. Đáng lo ngại hơn là ngày càng có nhiều nhà xe bỏ bến xe để ra “chạy dù” vì nếu làm ăn chân chính thì không thể cạnh tranh nổi với “xe dù, bến cóc”.


8247F4A8-EA9C-4E11-A5E2-004B40A397CA.
 ”Đại bản doanh”- kiêm ”bến cóc” độc quyền của nhà xe Vân Anh Limousine tại số 18 Nguyễn Lân (Thanh Xuân, Hà Nội)

Bài 1: "Vượt rào" các quy định, xe dù thách thức các cơ quan chức năng?

Chỉ cần vào google.com và gõ tên các tuyến xe khách từ Hà Nội đi Thanh Hoá, chúng tôi dễ dàng tìm thấy hàng chục hãng “xe khách cao cấp” quảng cáo, mời chào đặt vé qua mạng internet và qua điện thoại. Thậm chí, một số “tập đoàn xe dù” như: Vân Anh, Đại Nam, Vĩnh Quang Limousine... còn mang vé hoặc đưa xe đến đón tận nhà nếu khách ở các quận nội thành.

Trong vai hành khách muốn đi Thanh Hoá, chúng tôi liên hệ với nhà xe Vân Anh Limousine và được hướng dẫn tới mua vé, đón xe tại điểm: 18 Nguyễn Lân (Thanh Xuân).  Tại văn phòng này, nhà xe Vân Anh “vô tư” bán vé và đón khách đi Thanh Hoá, hình thành các “bến cóc” gây ách tắc giao thông. Dưới mác xe hợp đồng, nhà xe Vân Anh “lách luật” bằng cách thu tiền trực tiếp của từng hành khách tại văn phòng hoặc ngay khi lên xe, rồi hỏi họ tên và địa chỉ của hành khách để điền vào danh sách hợp đồng được in sẵn. Nếu lực lượng chức năng kiểm tra thì nhà xe sẽ đưa ra danh sách này ra và bao biện rằng đó là khách đi xe hợp đồng chứ không phải bán vé cho khách lẻ như xe khách chạy tuyến cố định.

Đặt chỗ công khai, thu tiền như bán cá

B610C549-6030-49CD-9194-9A86CAB49BB0.
Bán vé, thu tiền trực tiếp chẳng khác gì xe tuyến cố định

Thực tế là vậy, song khi được hỏi về nhà xe này, đại diện một lực lượng thuộc Sở GTVT Hà Nội lại quả quyết rằng: “nhà xe này hoạt động rất bài bản, thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến xe hợp đồng, vì thế chưa phát hiện ra sai phạm gì lớn...”

Để làm rõ kết luận có phần vội vàng, chủ quan này, trong các ngày đầu tháng 3/2018, PV Tạp chí GTVT “mục sở thị” hoạt động của hãng xe Vân Anh. Cụ thể, ngày 3/3, lấy số điện thoại “mời đặt chỗ” trên internet của Cty cổ phần TM&DV và Vận tải Vân Anh, chúng tôi đặt xe từ Hà Nội đi Thanh Hoá thì được nhân viên nhà xe tư vấn: “Trung bình 1 tiếng có 2 chuyến đi Thanh Hoá. Xe chạy liên tục từ 4h sáng tới 21h tối. Giá vé ghế VIP 180 nghìn đồng, nghế thường 160 nghìn; xe đón trả khách miễn phí tại nhà...”.

“Trước giờ xe chạy ít nhất 40 phút, anh di chuyển ra văn phòng 18 Nguyễn Lân (Thanh Xuân)  để lấy vé và thanh toán tiền”, nhân viên này căn dặn thêm.

Sau khi hoàn tất các thủ thục thanh toán, hành khách được nhà xe Vân Anh cấp cho một tấm phiếu xác nhận đặt chỗ với đầy đủ thông tin như: thời gian xe khởi hành, điểm đón, điểm trả… 

Trong khi đó, theo Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (theo đó, xe chở khách theo hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch chỉ được thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết cho cả chuyến xe; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức...; không được hoạt động thường xuyên trên một tuyến như xe khách đăng ký chạy tuyến cố định).

BA9B40F9-67BB-4B7F-8881-16FB5032B3AC.
Những bản hợp đồng “chống chế” được nhà xe Vân Anh thiết lập sơ sài, không có chữ kí, không có biển số xe theo quy định

Theo điều tra của PV Tạp chí GTVT, hiện nhà xe Vân Anh đang sử dụng khoảng 25 xe hợp đồng tham gia chạy “trá hình” tuyến Hà Nội - Thanh Hoá. Mỗi ngày, ước tính có khoảng 100 lượt xe hoạt động ở cả hai đầu bến.

Chưa hết, trong những ngày “phục kích” tại các “bến cóc” (18 Nguyễn Lân, Thanh Xuân), chúng tôi thấy bình quân mỗi giờ có 2 xe Limousine của nhà xe Vân Anh vào đón khách, cả xe gắn phù hiệu xe hợp đồng do Sở GTVT Thanh Hoá cấp.

“Bó tay” trước “xe dù”?

Ngoài ra xe Vân Anh, tinh vi hơn, hãng xe “khét tiếng” khác là Đại Nam Limousine cùng hoạt động trên tuyến Hà Nội Thanh Hoá, có “đại bản doanh” tại C86, ngõ 153 Trường Chinh (Thanh Xuân) tỏ ra lộng hành khi sử dụng những chiếc xe hoán cải, gắn tem hợp đồng do Sở GTVT Hà Nội cấp,  tham gia “chạy dù”, lập “bến cóc” giữa “trốn thanh thiên bạch nhật” trước sự thờ ơ của nhiều lực lượng chức năng thành phố Hà Nội?

Theo điều tra của PV Tạp chí GTVT,  mỗi ngày nhà xe Đại Nam có trên 50 lượt xe hoạt động “trá hình” công khai cả ngày lẫn đêm, trung bình mỗi xe chạy 4 lượt/ngày.

172340BD-EAEB-4843-A315-2995033F23A9.

Văn phòng nhà xe Đại Nam tại ngõ 153 Trường Chinh(Thanh Xuân) đông nghẹt hành khách xếp hàng mua vé đi Thanh Hoá

Cũng giống như Vân Anh Limousine, nhà xe Đại Nam sử dụng các xe 4 và 7 chỗ luồn lách vào tận đường sâu, ngõ hẻm khắp các tuyến phố nội đô “gom khách”. Sau đó “câu” về VP có địa chỉ tại C86, ngõ 153 Trường Chinh, Thanh Xuân xếp lên những chiếc xe Limousine nằm chờ sẵn.

Tại đây, luôn duy trì từ 2 - 3 chiếc xe Limousine biển Hà Nội chờ trực “ăn khách”. Điều đáng nói, trước sự nhức nhối, phức tạp của “bến cóc” này, đã nhiều lần PV phản ánh trực tiếp tới lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, song đến nay tình trạng trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm, còn bộc lộ nhiều dấu hiệu bất thường trong công tác thanh, kiểm tra của lực lượng chức năng khi vi phạm hiện hữu ngay trước mắt.

D3C633CF-A62C-4D8F-8A83-98154B1133CA.
”Lệnh bài” được nhà xe Đại Nam bán ra cho hành khách với giá 180 nghìn đồng 

Đi sâu vào tìm hiểu hoạt động “trá hình” của nhà xe Đại Nam, ghi nhận của PV cho thấy, nhà xe này vi phạm nghiêm trọng các quy định trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng. Cụ thể, nhà xe tổ chức bán vé, viết phiếu thu, xác nhận đặt chỗ, lập danh sách hành khách chống chế qua mặt các cơ quan quản lý nhà nước.

Ngược với cảnh tấp nập của các “bến cóc” thuộc sự vận hành độc quyền của nhà xe Vân Anh, Đại Nam Limousine mọc trái phép trong nội đô, thì ở Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm lại vắng vẻ vì ít xe vào đây. Điều này cho thấy hoạt động vận tải khách trên tuyến Hà Nội - Thanh Hoá có quá nhiều bất cập. Chính vì thế, lần đầu tiên (đầu năm 2016),  Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng "xe dù, bến cóc" đang ngày càng “nóng” lên, khiến các nhà xe làm ăn chân chính rất khó khăn, bức xúc. Thế nhưng, hiện nay tình trạng này vẫn vô cùng nhức nhối. Điển hình là tuyến vận tải Hà Nội - Thanh Hoá.

Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn

Bình luận