Các chuyên gia, doanh nghiệp đã thảo luận, hiến kế và đưa ra các giải pháp trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cho ngành xây dựng Việt Nam tại buổi Toạ đàm "Xanh trong xây dựng" do Báo Giao thông tổ chức chiều 7/10 tại TP. HCM.
Nêu ý kiến tại buổi toạ đàm, TS. Phan Hữu Duy Quốc, Thành viên HĐQT Tổng công ty Xây dựng số 1 cho rằng, hiện nay các dự án giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang phụ thuộc vào nguồn cát dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường như sạt lở. Do vậy, cần nghiên cứu thi công cầu cạn vì chi phí bảo trì của cầu cạn thấp hơn đường giao thông truyền thống. Hơn nữa, công nghệ bê tông mới hiện nay có cường độ cao hơn gấp 3 lần so với công nghệ cách đây 5 năm. Cường độ bê tông cao giúp số trụ giảm đi, nhịp tăng lên. Do vậy, công trình sẽ giảm sự phụ thuộc vào cát, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Hơn nữa quá trình làm đường trên cao sẽ giảm tác động đến môi trường, giảm chi phí giải phóng mặt bằng vì chi phí giải phóng mặt bằng ở đô thị có thể chiếm hơn 50% chi phí dự án và làm đường trên cao ít ảnh hưởng đến giao thông, hạn chế tác động đến đời sống người dân, ông Quốc cho biết thêm.
Là đơn vị chuyên sản xuất cung cấp vật liệu xi măng, ông Nguyễn Hoàng Hà, Giám đốc Tư vấn Kỹ thuật và phát triển kinh doanh Fico-YTL cho biết, theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ về COP26, vào năm 2026 ngành xi măng, sắt thép sẽ được đưa vào danh sách bị áp trần phát thải CO2; đây là thử thách, áp lực của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Công ty cũng chấp nhận đón đầu đi trước nên trong thời gian 5 năm vừa qua, chúng tôi đã đầu tư, nghiên cứu để đưa ra dòng xi măng xanh, giảm phát thải với nhiều dòng xi măng giảm phát thải từ 30 - 60% so với trước đó, hướng đến đảm bảo theo quy định và tăng tính cạnh tranh.
Dù vậy, ông Hà cũng nhìn nhận, việc áp lực giảm CO2 là thử thách lớn vì đặc trưng của xi măng là dùng đá vôi và nung nên sẽ gây ra lượng phát thải. Chúng tôi cũng cần có đầu tư, nghiên cứu, làm việc với các đơn vị để có công nghệ mới nhằm giảm phát thải hơn; cố gắng tăng tỷ lệ thay thế nguyên liệu (than đá, dầu hóa thạch lên đến 30%); nghiên cứu công nghệ thu hồi CO2, thu hồi nhiệt thừa để phát điện, nguồn điện có thể sử dụng thắp sáng... đây là định hướng đến 2030 của Công ty.
"Chúng tôi rất mong muốn, Chính phủ có nguồn vốn hỗ trợ, lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp có thể tiếp cận đầu tư công nghệ đáp ứng theo quy định", ông Hà kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thanh Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bê tông Đường thuỷ cho biết, hầu hết các công trình giao thông hiện nay đều sử dụng vật liệu ít tác động đến môi trường. Đây có thể nói là xu hướng xanh trong xây dựng đang được chú trọng. Gần đây chúng tôi cung cấp vật liệu bê tông cho các công trình giao thông trọng điểm như: Cầu Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2, Đại Ngãi 2, Nhơn Trạch… Tất cả các dự án đều kiểm soát vật liệu đầu vào chặt chẽ để giảm ảnh hưởng tác động đến môi trường trong quá trình thi công.
Ở khía cạnh nghiên cứu khoa học, PGS. TS. Trần Văn Miền, Đại học Bách khoa TP. HCM (Đại học Quốc gia TP. HCM) đánh giá, hiện nay các công trình xây dựng nào khi thi công cũng ảnh hưởng đến giao thông do rào chắn, giảm diện tích lòng đường, gây tắc đường, khói bụi... Đô thị lớn như TP. HCM thì hiện tượng khói bụi thi công là tất yếu. Dù vậy, rất cần rà soát các chế tài chặt chẽ để buộc nhà thi công thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trường Đại học Bách khoa TP. HCM cũng đang nghiên cứu công nghệ in 3D thiết kế thi công tự động hóa không cần ván khuôn. Loại bê tông đặc biệt này sẽ in theo mô hình đã được lập trình. Ưu điểm của công nghệ này là nhân công ít, lượng phát thải công trình xây dựng thấp, tốc độ thi công nhanh (24/24). Công nghệ này hướng đến các kiến trúc độc đáo, không lặp lại.
Thậm chí, các loại ván khuôn bằng bê tông sau này có thể tận dụng làm cấu kiện trong xây dựng. Việc in 3D cũng giúp lưu trữ, "nhốt" CO2 cũng tốt hơn (tức nhốt CO2 trong bê tông). Nhiều nước áp dụng công nghệ in 3D vào thi công cầu bộ hành, nhịp cầu ngắn qua kênh khoảng 15 - 20m, hay cầu đi bộ. Tuy nhiên, việc này Trường Đại học Bách khoa TP. HCM chỉ mới bắt đầu nghiên cứu do chưa có tiêu chuẩn định mức cho loại công nghệ này để áp dụng vào các công trình đại trà.
Theo PGS. TS. Trần Văn Miền, nhà nước cần có quy định yếu tố bắt buộc và có lộ trình phù hợp, đồng thời đưa ra chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm thuế đầu ra, hỗ trợ để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ hướng đến hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững "Xanh trong ngành xây dựng".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.