Bàn giao hồ sơ cắm mốc GPMB cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 15/03/2022 14:46

Đẩy nhanh công tác GPMB là yêu cầu chung cho 5 địa phương có dự án đi qua, đến cuối năm phải đạt 70% mặt bằng để khởi công dự án.

 

Các đại biểu ký biên bản bàn giao

Các đại biểu ký biên bản bàn giao

Ngày 15/3, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB đợt 1 cho Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau tại tỉnh Hậu Giang. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm và lãnh đạo UBND các địa phương có dự án đi qua như: Cần Thơ,  Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022. Trong đó có đoạn Cần Thơ đi Cà Mau gồm 02 Dự án thành phần là Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau trải dài qua 05 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài hơn 109km, tổng mức đầu tư khoảng 27.254 tỷ đồng (đoạn Cần Thơ – Hậu Giang 9.769 và đoạn Hậu Giang – Cà Mau 17.485 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm khẳng định: “Chúng ta phải hoàn tất các thủ tục và các bước chuẩn bị để đến 30/6 phê duyệt dự án và tháng 12/2022 có thể khởi công. Hiện nay, tiến độ dự án rất sát, trong khi đó mặt bằng đi qua nhiều địa phương và thủ tục liên quan đến nhiều nhiều ban, ngành. Do đó, việc phối hợp với giữa các đơn vị với ban QLDA và Bộ GTVT phải chặt chẽ. Với 109 km đi qua các tỉnh, dự án cơ bản tránh được các khu dân cư đông đúc nên giảm được một số khó khăn trong công tác GPMB. Bộ GTVT cũng tham vấn các công tác xử lý nền đất yếu để có thể rút ngắn thêm thời gian. Tuy nhiên, để dự án sớm thực hiện và đưa vào khai thác, chúng ta cần sớm hoàn thiện các bước chuẩn bị dự án, làm tốt công tác GPMB và nguồn cung vật liệu xây dựng, đất cát. Bởi, 3 vấn đề này là cốt lõi quyết định đến chất lượng và tiến độ của dự án. Do đó, các địa phương bàn giao mặt bằng cho dự án càng sớm càng tốt”.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, hiện nay, các đơn vị tư vấn đang khẩn trương hoàn thành công tác lập dự án đầu tư để đảm bảo tiến độ trình Bộ GTVT phê duyệt trước ngày 31/5/2022. Bước đầu đã hoàn thành được hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB hơn 36 km để bàn giao cho các địa phương, đồng thời tổ chức cắm cọc GPMB tại hiện trường để bàn giao cho các đơn vị thực hiện. Kế hoạch bàn giao các đoạn tuyến còn lại trước ngày 30/4/2022 (khoảng 53 km) và hoàn thành bàn giao 100% (các nút giao và các vị trí có thay đổi) cho các địa phương trước ngày 30/6/2022.

Ngay sau khi dự án được Quốc hội thông qua chủ trương, Ban QLDA Mỹ Thuận đã chủ động đăng ký làm việc với UBND các tỉnh/thành phố và các sở, ngành liên quan của địa phương để báo cáo thông tin về dự án và đề ghị triển khai một số công việc nhằm thực hiện công tác bồi thường GPMB, đảm bảo tiến độ khởi công dự án trong tháng 11/2022. Đến nay, hầu hết các nội dung công việc đã thực hiện trong thời gian qua đều cơ bản đảm bảo được yêu cầu tiến độ chung của dự án. Cụ thể, các tỉnh đều đã có chủ trương thành lập ban chỉ đạo và văn bản giao nhiệm vụ cho đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (trong đó, tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang và Cà Mau giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất của tỉnh thực hiện; TP. Cần Thơ giao cho quận Cái Răng và tỉnh Kiên Giang giao cho huyện Vĩnh Thuận thực hiện). Đây là cơ sở để các đơn vị phối hợp bàn giao - tiếp nhận hồ sơ và cọc mốc GPMB (đợt 1 từ ngày 15/3/2022) và triển khai các công việc tiếp theo.

Để triển khai dự án đảm bảo được yêu cầu tiến độ cấp bách như hiện nay, Ban QLDA Mỹ Thuận kính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm phối hợp, hỗ trợ Ban QLDA Mỹ Thuận trong thời thời gian tới, đặc biệt là trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trước mắt, đề nghị quan tâm ưu tiên triển khai trước một số công việc như: xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bồi thường GPMB, xác định cụ thể các mốc thời gian thực hiện - hoàn thành từng nội dung công việc làm cơ sở để các bên phối hợp thực hiện, đảm bảo bàn giao được khoảng 70% mặt bằng trước khi khởi công dự án theo yêu cầu.

Ý kiến của bạn

Bình luận